Các tướng lĩnh, chuyên gia về phòng không - không quân gặp gỡ tại hội thảo - Ảnh: Đ.BÌNH
Câu nói của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi tổng kết chiến thắng của quân và dân ta năm 1972 đã được nhiều tướng lĩnh, chuyên gia phòng không - không quân nhắc lại tại hội thảo khoa học "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" sáng 7-12.
Đòn nốc ao với chính quyền Mỹ
Trung tướng Lê Huy Vịnh - tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân khẳng định "chiến thắng này là kết quả cụ thể của việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng về chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không bảo vệ miền Bắc, thể hiện trong xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội và nhân dân".
Theo tướng Vịnh, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là đòn nốc ao đối với chính quyền Mỹ khi đó. Chiến thắng có ý nghĩa quyết định làm phá sản ý đồ xoay chuyển tình thế chiến lược của Mỹ trên bàn đàm phán ở hội nghị Paris, "là đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ phải rút toàn bộ quân đội về nước và chấm dứt dính líu quân sự tại Việt Nam".
Trình bày tham luận của mình, Trung tướng Trần Hanh - nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đồng tình với ý kiến của Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân và cho rằng chiến thắng 12 ngày đêm đánh B-52 ở Hà Nội năm 1972 "đã làm nức lòng bạn bè quốc tế, khiến dư luận thế giới ngỡ ngàng", khiến Mỹ phải ký hiệp định Paris, rút hết quân về nước.
Trung tướng Trần Hanh cùng nhiều đại biểu cho rằng chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của Việt Nam trên mặt trận đối không. Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, ngoại giao mà còn ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nghệ thuật quân sự.
SAM-2, tên lửa... bằng tre và nghệ thuật quân sự tài tình
Về nghệ thuật quân sự, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân cho biết tháng 4-1965 ta đã tiếp nhận tên lửa mang tên SAM-2, và binh chủng tên lửa non trẻ của quân đội Việt Nam ngay tháng 7-1965 đã "vít cổ" những "thần sấm", "con ma nhà trời".
Trung tướng Phiệt cho biết tên lửa SAM-2, như lời các chuyên gia Liên Xô, phải được bố trí ở những trận địa kiên cố, cố định, nhưng do đặc điểm của Việt Nam khi đó phải nghiên cứu, bố trí đội hình theo cách đánh của ta.
Ta phải xây dựng 2 "trận địa phục kích" cách Hà Nội 60km, và ngày 24-7-1965 hai tiểu đoàn tên lửa đã phóng 4 quả tên lửa SAM-2 tiêu diệt gọn tốp F-4. Ngay tối đó, tên lửa được di chuyển, rút khỏi trận địa, thay vào trận địa giả với tên lửa bằng tre mà lính ta khi đó gọi là "ra-cót".
Ba ngày sau, địch quay lại bắn phá tới tấp vào trận địa tên lửa giả và bị lực lượng pháo cao xạ bắn hạ 5 máy bay.
"Thắng lợi trong trận này là sự sáng tạo trong cách đánh, cách bố trí đội hình tác chiến, chọn điểm phục kích, chọn thời cơ thiên biến vạn hóa để vận dụng vào thực tế chiến trường. Đây cũng là bài học mà cuối năm 1972 chúng ta áp dụng".
Trung tướng Phiệt kể tiếp, cuối năm 1972, lực lượng bảo vệ Hà Nội rất mỏng, các đơn vị tên lửa phòng không phải phân tán để làm nhiều nhiệm vụ khác và thời điểm đó, Hà Nội chỉ còn 3 trung đoàn tên lửa phòng không, trong đó có 1 trung đoàn mới triển khai được 2 tiểu đoàn.
Thế nhưng với sự chỉ đạo tài tình, trí tuệ, bố trí đội hình bí mật, chỉ với 10 tiểu đoàn tên lửa nhưng kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi 29 chiếc B-52, riêng bộ đội tên lửa Hà Nội bắn hạ được 25 chiếc, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
Chính vì chiến tích lẫy lừng này mà tháng 1-1973, binh chủng Tên lửa phòng không được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
Nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Đức Soát cũng nêu ra nhiều bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, trong đó quan trọng nhất là bài học về "nghệ thuật sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng tác chiến của Quân chủng Phòng không - không quân".
Đó là hiệp đồng đánh trả các đợt tập kích bằng B-52 vào ban đêm, hiệp đồng giữa không quân và phòng không đánh trả tập kích vào ban ngày. Cụ thể là hiệp đồng để không quân đánh bên ngoài hỏa lực của phòng không.
Tên lửa phòng không và pháo cao xạ tập trung đánh trả các máy bay B-52. Lập các trận địa radar dẫn đường ở quanh Hà Nội và triển khai các đài dẫn đường ở tận Thanh Hóa, Sơn La để phá nhiễu, giảm nhiễu tạo thuận lợi để phát hiện mục tiêu…
Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng hội thảo sẽ đánh giá đầy đủ, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm trong thực hành chiến đấu phòng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận