Phóng to |
Long - tác phẩm tâm đắc nhất của Đỗ Khánh Giang, giải 3 cuộc thi Đối thoại với di sản địa chất - hoạt động bên lề Hội nghị quốc tế lần 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về công viên địa chất, 2011 - Ảnh: Đỗ Khánh Giang |
Đỗ Khánh Giang (phóng viên ảnh báo Quảng Ninh) lặng lẽ bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để in sách với hi vọng giới thiệu tới du khách một vịnh Hạ Long từ những góc nhìn khác, không có những hòn Trống Mái, Con Cóc, hang Sửng Sốt,... CTV Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Đỗ Khánh Giang:
* Thưa anh, việc bỏ tiền túi để in sách là chủ ý của anh hay anh đã từng đặt vấn đề với các cơ quan văn hóa mà không nhận được sự hưởng ứng?
- Tôi đã từng đi đến một số đơn vị đặt vấn đề. Nhưng với thái độ thờ ơ cũng như cách họ xem ảnh của mình thì tôi cảm thấy như bị xúc phạm.
Với tôi, mỗi chuyến đi vịnh là mỗi lần cảm nhận mới về cái đẹp của Hạ Long, đẹp đến mê hồn, hình ảnh thực tế không cần khẩu hiệu. Với những gì tôi nhìn thấy thì tập sách này chỉ là một trong những góc rất nhỏ tôi ghi lại được trên thực tế. Tôi tin những hình ảnh này đến được bạn bè trong và ngoài nước thì tác dụng rất lớn.
* Duyên cớ nào khiến anh quyết định tìm cho mình một góc chụp khác: nhìn Hạ Long từ trên những vách đá?
- Tôi đã theo cha (nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha - NV) chụp Hạ Long rất nhiều nhưng đều không bằng lòng với chính mình. Một lần leo núi Bài Thơ để chụp, và khi đứng trên cao, tôi mới ngỡ ngàng rằng Hạ Long từ trên cao nhìn xuống như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động và hùng vĩ, núi xen với biển tạo nên những khung cảnh đẹp trữ tình. Tôi nghĩ sao mình không chụp vịnh Hạ Long từ trên cao nhỉ? Và đó cũng là lúc tôi tìm được hướng đi.
Phóng to |
Nhà báo Đỗ Khánh Giang - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
* 138 bức ảnh trong sách, đâu là bức anh thích nhất?
- Đó là bức Long. Những dãy núi đá chồng chất trông như một con rồng đang uốn lượn trên mặt vịnh và cũng như truyền thuyết về vịnh Hạ Long. Tôi nhớ lần đó trên đường đi sáng tác về, khoảng hơn 4g chiều, toàn bộ sườn núi và mặt biển phảng phất ánh nắng vàng của mặt trời. Bỗng nhiên nhìn thấy một dãy núi có hình cong lưỡi liềm, tôi quyết định trèo lên đỉnh của dãy núi đối diện và thật ngạc nhiên thấy dãy núi trải dài uốn lượn như một con rồng đang múa trên mặt vịnh. Tôi chọn các góc độ chụp trên 50 ảnh, về chọn được một ảnh ưng ý.
* Để leo lên các mỏm núi đá ấy, anh có thêm một thiết bị hỗ trợ nào không?
- Tôi hoàn toàn leo bằng tay không, cùng hai chai nước mang theo với máy ảnh để tác nghiệp.
* Vậy có “tai nạn nghề nghiệp” nào mà anh cảm thấy kinh khủng nhất khi chụp bộ ảnh này?
- Vâng, đó là một lần tôi rơi từ trên núi với độ cao khoảng 8m xuống, may mà dọc các sườn núi có rất nhiều cây phất du và trúc núi đã “đỡ” tôi. Điểm tiếp xúc cuối cùng là một thân cây chặn ngang người, tôi nằm đó phải gần một tiếng sau mới có thể bò xuống với máu chảy, và xước xát rất nhiều. Đến bây giờ cứ thay đổi thời tiết tôi lại bị ảnh hưởng của cú ngã đó. Lần đó tôi bị hỏng bộ máy ảnh trị giá trên trăm triệu đồng.
* Cầm cuốn sách này trên tay, tôi thấy tiếc khi trong cuốn sách tất cả đều in song ngữ Anh - Việt, nhưng tên sách trên bìa không được dịch ra tiếng Anh. Đó là một chút sơ sót, hay là chủ ý của tác giả, thưa anh?
- Đúng. Đó là một sơ sót của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận