Nông dân nuôi bò sữa quy mô nhỏ chịu sức ép rất lớn từ sữa nhập khẩu - Ảnh: Thanh Tùng |
Dù sản lượng sữa trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ và VN đang nhập khẩu trên 1 tỉ USD sữa mỗi năm nhưng nếu không giảm được giá thành, người nuôi bò sẽ gặp khó trong thời gian tới.
Hàng ngàn hộ dân tại TP.HCM và các địa phương đang vất vả tìm nơi bán sữa bò chỉ là bước khởi đầu cho cuộc chiến giảm giá thành trước hội nhập.
Khó bán sữa vì giá cao
Gần 800 hộ nông dân nuôi bò sữa ở Củ Chi (TP.HCM) đang đứng ngồi không yên khi bò cho sữa mà không thể bán cho các công ty do chưa có hợp đồng. Để tiêu thụ sữa bò, nông dân phải dùng nhiều cách khác nhau như bán cho người làm sữa chua, người nấu sữa thủ công, gửi nhờ người có hợp đồng hay bán cho người nuôi heo (cho heo con).
Không chỉ tại Củ Chi mà ở các địa phương khác nuôi bò sữa tại TP.HCM, Long An, Lâm Đồng... tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến do đàn bò sữa phát triển nhanh. Dù vậy theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến nay tổng lượng sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được trên 30% so với nhu cầu của người dân.
“VN vẫn cần phải phát triển đàn bò sữa trong thời gian tới” - ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định. Vì sao lại xảy ra nghịch lý: trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu mà các doanh nghiệp lại từ chối hoặc tìm cách để hạn chế mua sữa bò từ nông dân nuôi mới? Theo các chuyên gia, đó là do chênh lệch quá lớn giữa giá sữa bò trong nước với sữa nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, cho biết giá bán sữa bò của các hộ nông dân VN dao động ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg, trong khi giá bán từ các trang trại tại Mỹ, Úc, New Zealand hay châu Âu chỉ 7.000 - 9.000 đồng/kg.
Với giá chênh lệch như vậy, các công ty sản xuất sữa nước sẽ ưu tiên nhập khẩu sữa bột từ Úc, New Zealand về pha với nước và hương liệu (hoàn nguyên) để bán ra thị trường thay vì mua sữa bò tươi trong nước.
Theo phân tích của ông Vang, trong số 727.000 tấn sữa bò tươi mà VN sản xuất trong năm ngoái có khoảng 20% được nông dân giữ lại cho các mục đích cá nhân hoặc bán cho tiểu thương làm sữa chua, sữa thủ công, làm kem, bánh..., phần còn lại được đưa đến các nhà máy để chế biến sữa nước.
“Như vậy, chỉ có khoảng 580.000 tấn dành cho chế biến sữa nước nhưng tổng lượng sữa dạng này tiêu thụ tại VN trong năm 2015 đạt 1,3 triệu tấn. Phần còn lại (gần 60%) là sữa hoàn nguyên, tức là sữa bột pha với nước và hương liệu rồi đóng hộp bán cho người tiêu dùng” - ông Vang cho hay.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá sữa thế giới giảm mạnh thời gian qua là một trong những nguyên nhân làm người nuôi bò sữa gặp khó trong tiêu thụ. Đây cũng là lời cảnh báo cho phong trào phát triển bò sữa ồ ạt thời gian qua.
Nếu không có quy hoạch cụ thể và biện pháp giảm giá thành, ngành sữa VN sẽ rất khó để cạnh tranh với sữa nhập khẩu khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực từ năm 2018.
Ưu thế không thuộc nông dân
Trong hai năm gần đây, ngành sữa thế giới cũng bước vào khủng hoảng thừa kéo theo giá bán giảm rất mạnh, rơi xuống thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là trong bối cảnh sức mua của thị trường Trung Quốc và Nga đều suy giảm.
Đây cũng là lý do khiến các trang trại sữa tại châu Âu và Mỹ phải bán sữa dưới giá thành và buộc phải đóng cửa. Theo Hiệp hội Nông dân nuôi bò sữa (Anh), ước tính mỗi tuần có năm trang trại bò sữa đóng cửa và còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết năm ngoái có đến 1.225 trang trại nuôi bò sữa phải đóng cửa do giá sữa giảm sâu.
Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất để giảm giá thành, sẽ có thêm nhiều nông dân nuôi bò sữa VN không thể ký được hợp đồng với các nhà máy trong thời gian tới, chưa nói đến chuyện ngành sữa VN cạnh tranh được với các nước khi thuế nhập khẩu sữa sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong thực tế, cuộc đua giảm giá thành sữa bò hiện nay các công ty lớn đang có ưu thế và phần thua thiệt khi hội nhập chắc chắn sẽ rơi vào các hộ nông dân nhỏ lẻ.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi, trong khi các công ty lớn như Vinamilk, TH Milk hay NutiFood (liên kết với Hoàng Anh Gia Lai) đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào nhập khẩu bò sữa chất lượng cao từ Mỹ và châu Úc, đầu tư hệ thống trang trại công nghệ cao, vùng trồng thức ăn chăn nuôi... thì nông dân vẫn chủ yếu nuôi ở quy mô nhỏ lẻ với con giống kém chất lượng, thức ăn mua từ các đại lý và thậm chí đi mua cỏ. Kết quả là giá thành sản xuất sữa từ các công ty quy mô lớn thấp hơn nhiều so với các hộ dân.
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, cho biết với lợi thế về vùng nguyên liệu và hệ thống chăn nuôi công nghệ cao, giá thành sữa hợp tác của đơn vị này với NutiFood rẻ hơn nhiều so với các đơn vị khác trong nước. Trong khi đó, đại diện của Vinamilk cho hay giá thành sữa từ các trang trại mà đơn vị này đầu tư hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với sữa từ Úc và New Zealand kể cả khi thuế giảm.
Các doanh nghiệp sữa cũng khẳng định với các trang trại mà công ty tự đầu tư, giá thành sản xuất sữa bò tươi ở VN không cao hơn nhiều so với bò nuôi tại Úc và New Zealand. Tuy nhiên, đối với các hộ nuôi bò sữa cá thể thì vấn đề khó khăn hơn.
Ông Lưu Văn Tân, trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của Công ty FrieslandCampina, cho rằng hội nhập là phải chấp nhận cạnh tranh chứ không thể đề nghị cơ quan này hay cơ quan kia hỗ trợ. “Chúng tôi khuyến khích một số hộ nuôi ở những khu vực không thích hợp nên chuyển sang nghề khác có hiệu quả hơn” - ông Tân nói.
Phải ghi sữa hoàn nguyên trên nhãn Theo Hiệp hội Chăn nuôi, giá thành sản xuất sữa nước hoàn nguyên tại VN chỉ bằng 50 - 60% giá thành sữa tươi đóng hộp. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân trong nước khó bán sữa trong thời gian qua. Do đó cần phải có quy định công bố và dán mác cụ thể để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn chứ không thể ghi chung chung là sữa tiệt trùng như hiện nay. “Sữa hoàn nguyên dinh dưỡng kém hơn nhiều so với sữa tươi. Do đó cần phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên, hoặc bao nhiêu phần trăm là sữa hoàn nguyên để người tiêu dùng lựa chọn” - ông Vang nói. |
Đàn bò sữa tăng nhanh Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn bò sữa VN đạt 167.000 con với sản lượng sữa 381.000 tấn vào năm 2012 và đến năm 2014 con số này đã lên tới 227.000 con với sản lượng sữa 550.000 tấn. Và theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn bò sữa của VN đến đầu năm nay đã vượt mốc 300.000 con với sản lượng sữa đạt khoảng 727.000 tấn (năm 2015). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận