Guardiola ngậm ngùi trên bục nhận huy chương - Ảnh: AFP
Vào đến chung kết là thành tích không hề tồi chút nào với mọi HLV cũng như CLB, trừ Guardiola cùng Man City. 5 năm qua, chiến lược gia người Tây Ban Nha đã đốt của đội bóng gần 1 tỉ euro trên thị trường chuyển nhượng. Đổi lại chỉ là sự thống trị trong hụt hẫng ở Premier League.
Năm 2019, Man City chiến thắng Liverpool trong cuộc đua đầy ngoạn mục ở giải đấu quốc nội, và rồi cuối tháng 5 ngậm ngùi nhìn "Lữ đoàn đỏ" giương cao chiếc cúp Champions League.
So với Liverpool 2 năm trước, Chelsea mùa giải năm nay còn kém xa hơn về vị thế. Đội bóng thành London phải trải qua những giây phút nghẹt thở ở lượt đấu cuối cùng của Premier League mới giữ được một chân trong top 4, và chung cuộc kém Man City đến 19 điểm.
Nhưng rồi khi cùng bước vào một trận đấu tay đôi, người ta mới thấy tất cả những sự vượt trội của Man City - về mặt điểm số, về tỉ lệ cầm bóng, về số bàn thắng, về giá trị đội hình…, tất cả đều vô nghĩa như thế nào.
Chelsea chỉ thắng Man City đúng một bàn nhờ pha lập công của Kai Havertz, nhưng khoảng cách về thế trận là cực kỳ mênh mông. Mỗi lần Chelsea lên bóng là một lần họ khiến CĐV Man City run rẩy. Còn ở chiều ngược lại, các học trò của Pep bế tắc hoàn toàn trong việc tìm đường đến khung thành đối phương.
Cơ hội rõ rệt nhất Man City tạo ra ở trận chung kết Champions League - rốt cuộc lại là pha phất bóng của Ederson dành cho Sterling. Trong khi đó, Chelsea lẽ ra đã có thể thắng 2-3 bàn cách biệt nếu tận dụng cơ hội tốt hơn.
Đừng mất công đặt ra cho Pep những câu hỏi về chiến thuật tranh cãi mà ông sử dụng trong trận chung kết, như việc vì sao kéo De Bruyne lên đá tiền đạo, hay đẩy Phil Foden và Bernardo Silva xuống trung tâm hàng tiền vệ… Chỉ cần quan tâm đến kết quả là đủ.
Trước trận đấu này, Pep đã thua 2 trận liên tiếp trước Chelsea của Tuchel. Chiến lược gia người Tây Ban Nha có quá nhiều thời gian, quá nhiều phép thử để rút tỉa kinh nghiệm trước trận chung kết. Nhưng rồi vẫn bất lực trước một Tuchel trẻ trung hơn, mới mẻ hơn, và giàu ý tưởng hơn trong cuộc so tài chiến thuật.
Một thất bại không khép lại kỷ nguyên của Pep ở Man City, cũng không khiến người hâm mộ của ông quá suy sụp (đằng nào thì Pep cũng đã trắng tay ở Champions League suốt 10 năm rồi). Nhưng người ta chợt nhận ra - Pep đã già cỗi đến thế nào. Cầm trong tay dàn cầu thủ chất lượng hơn và có đến 3 cơ hội để trở mình trước Tuchel, nhưng Pep vẫn bại, bại một cách tâm phục khẩu phục.
Buồn một nỗi, việc Liverpool rồi Chelsea lần lượt đăng quang Champions League những năm qua khiến sự thống trị của Man City ở Premier League mất đi nhiều ý nghĩa. Hóa ra, họ vô địch giải quốc nội cũng chỉ vì giàu có hơn. Vậy thì cần Pep để làm gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận