03/12/2018 08:30 GMT+7

Góp đất mở rộng hẻm, nhà mình lợi trước

D.NGỌC HÀ - TRẦN MAI -  TIẾN LONG
D.NGỌC HÀ - TRẦN MAI - TIẾN LONG

TTO - Tại quận Phú Nhuận, TP.HCM những năm gần đây, người dân đã hiến đất để mở rộng, chỉnh trang nhiều con hẻm. Những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo dần dần biến mất khỏi bản đồ của quận, nhiều hộ dân trong hẻm nhỏ ngày xưa cũng được lên đời...

Góp đất mở rộng hẻm, nhà mình lợi trước - Ảnh 1.

Bà Chi đi chợ về trong nụ cười tươi vui, những lo lắng hẻm nhỏ đã không còn nữa - Ảnh: T.LONG

"Hẻm mở ra, rộng, thoáng, đẹp lắm. Tôi muốn mở rộng hơn và sẵn sàng hiến đất" - ông Lê Doãn Minh (71 tuổi, hẻm 19 Cô Bắc, quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói.

Hẻm chật chội nay xe hơi đã vào được

Ông Minh kể lúc ông lên 10 tuổi, con hẻm này một bên là nhà dân, bên kia là ao rau muống. Cha ông Minh là người đổ đất làm con hẻm rộng 6m cho người dân đi lại. Sau đó, người dân về đây sinh sống đông dần, những ao rau muống thành nhà và nhà nào cũng muốn rộng hơn nên lấn dần ra hẻm. Từ 6m, con hẻm chỉ còn lại chưa đến 3m. 

Ở tuổi về chiều, ông Minh khát khao được bước đi trên con hẻm rộng, nhìn thấy mọi người buôn bán phát triển. Đời ông chẳng mong gì nhà cao cửa rộng nữa, chỉ mong góp cái riêng tư vào sự phát triển chung, sống trong hẻm mà như đường lớn. 

"Hẻm rộng thì người qua lại đông, buôn bán khấm khá, đời sống người dân trong hẻm sẽ được cải thiện. Nhà nước giờ bảo hiến thêm vài mét đất nữa để mở đường tôi sẽ hiến ngay" - ông Minh bày tỏ.

Năm tháng trước, người dân ở hẻm 19 Cô Bắc đồng thuận dời hàng rào, tường nhà để thi công, mở hẻm rộng 4,5m. Những ngày đầu tháng 11 này, gần 300m hẻm 19 đã lắp xong hệ thống cấp thoát nước, chuẩn bị san mặt bằng, trải nhựa thảm mặt đường.

Đối diện nhà ông Minh, quán tạp hóa nhỏ của bà Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) ngày nào giờ cũng đã có thêm nhiều mặt hàng hơn. 

Nhìn con đường đang hoàn thiện phần hạ tầng, cống thoát nước, chuẩn bị trải đá thảm nhựa, bà Liên cứ mong ngóng từng ngày. Sớm hoàn thành ngày nào bà sẽ vui ngày đó. Trong đầu bà cũng có thêm những dự tính buôn bán, cửa hàng tạp hóa này rồi sẽ như những cửa hàng trên con hẻm 20 Cô Giang cách đó chừng trăm mét. 

"Hẻm 20 Cô Giang ngày xưa cũng như hẻm này. Cách đây chừng 10 năm, dân họ mở rộng ra, thế là mọi người đi vào đó hết, chẳng ai theo lối này nữa. Buôn bán bên đó cũng sướng lắm. Đông người mà..." - bà Liên nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - tổ trưởng tổ 7, hẻm 19 Cô Bắc, phường 1, quận Phú Nhuận - cho biết hơn 2 năm trước, em gái của bà bị tai biến, gọi taxi để đưa đi cấp cứu nhưng xe chỉ dừng đợi ở đầu hẻm chứ không vô được tận nhà. Người bệnh được những thanh niên trong xóm đưa ra tận đầu hẻm để đến bệnh viện nhưng không còn kịp. 

"Lúc đó, giá mà con hẻm rộng, taxi có thể chạy vào sớm hơn thì có thể em tôi được cứu" - bà Chi nói. Chuyện khó khăn khi di chuyển người bệnh, người già trong hẻm nhỏ gia đình nào cũng đã trải qua, nên khi chính quyền vận động hiến đất mở rộng hẻm thì họ sẵn sàng ủng hộ.

Góp đất mở rộng hẻm, nhà mình lợi trước - Ảnh 2.

Hẻm 162 đường Phan Đăng Lưu vừa được mở rộng - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Cuộc sống thoải mái hơn

Con hẻm số 162 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận cũng vừa được mở rộng một đoạn giáp đường Phan Đăng Lưu hồi tháng 9. 

Đoạn hẻm còn lại (thông với hẻm 440 Nguyễn Kiệm) rộng chưa đến 1m, chỉ một xe máy qua vừa lọt. Hai xe chạy cách nhau 5m cũng không thể nhìn thấy nhau vì hẻm ngoằn ngoèo như con rắn đang bò. Mỗi lần mưa lớn, nước ngập một đoạn hẻm do cống thoát nước nhỏ, nước chảy không kịp.

Hẻm sâu và quá hẹp, đi lại khó khăn. Lo nhất là xe cứu thương, cứu hỏa không thể vô hẻm, người bệnh, người già muốn đi bệnh viện phải đi bộ hoặc chở bằng xe máy ra đến đầu hẻm mới đi được. 

Chính vì vậy, khi UBND phường bàn bạc việc hiến đất để mở rộng, nâng cấp hẻm thì được phần lớn người dân đồng lòng ủng hộ. Nay con hẻm đã rộng rãi, xe hơi vô ra thoải mái, nhựa trải mặt hẻm còn mới toanh.

Hẻm rộng rãi, người thân đến chơi nhà cũng thuận tiện hơn. Còn về cái lợi chung cho cả hẻm thì nhiều lắm, cứu hỏa, cứu thương dễ dàng.

Ông Phạm Đức Chính (người dân)

Nói về việc mở rộng hẻm, giọng ông Phạm Đức Chính, nhà số 162/40 Phan Đăng Lưu, vui vẻ hẳn lên. Ông Chính nói việc mở rộng hẻm đầu tiên có lợi cho mình. Nhà mình tự nhiên tăng giá trị lên, trông sạch sẽ, sân nhà có chật chút cũng không sao. "Hẻm rộng rãi, người thân đến chơi nhà cũng thuận tiện hơn. Còn về cái lợi chung cho cả hẻm thì nhiều lắm, cứu hỏa, cứu thương dễ dàng" - ông Chính nói.

Theo UBND phường 3, có khoảng 60 hộ dân trong hẻm 162 đã hiến đất để mở rộng hẻm. Gia đình ông Chính cũng hiến hơn 20m2. Những người hàng xóm cho biết theo thiết kế hẻm ban đầu thì nhà ông Chính chỉ phải dời tường rào vô trong sân khoảng 1m. Tuy nhiên, ông tự nguyện dời vô đến 1,5m.

Ông Chính tâm sự: "Nếu không nhìn thấy cái lợi chung thì ít người chấp nhận chuyện này. Có người nói với tôi tấc đất là tấc vàng. Nhưng tôi nghĩ đến chuyện chung nên xung phong góp đất trước. Cái này là lợi ích chung, mỗi người có ý thức một chút thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn".

Nhà nước và dân cùng làm

Hai năm gần đây, phường 3, quận Phú Nhuận đã mở được 5 hẻm theo hình thức dân hiến đất, Nhà nước chịu kinh phí xây dựng. Người dân tại các hẻm đã hiến hơn 1.300m2 đất, trị giá hàng chục tỉ đồng.

Ông Huỳnh Văn Vũ - phó chủ tịch UBND phường 3 - cho biết nếu như Nhà nước phải bồi thường đất để mở rộng hẻm thì rất khó khăn và chắc chắn không có nhiều hẻm được mở rộng như thời gian vừa qua.

Hàng trăm triệu đồng một mét vuông đất, vẫn hiến tặng mở hẻm Hàng trăm triệu đồng một mét vuông đất, vẫn hiến tặng mở hẻm

TTO - Mỗi mét vuông đất ở các quận trung tâm TP.HCM có giá hàng trăm triệu đồng. Vậy mà người dân vẫn hiến cả chục mét vuông đất để mở hẻm. Chuyện khó tin nhưng có thật.

D.NGỌC HÀ - TRẦN MAI - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên