![]() |
Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2006 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT
Mời các bạn tiếp tục đón xem bài giải gợi ý các môn thi tiếp theo (Địa, Toán, Ngoại Ngữ/ Vật lý) trên Tuổi Trẻ Online. Bài giải sẽ được cập nhật sau khi mỗi môn thi kết thúc.
KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT, NĂM HỌC 2005 - 2006
ĐỀ VÀ BÀI GIẢI GỢI Ý MÔN LỊCH SỬ
Thí sinh chọn một trong hai đề sau:
Đề I:
A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm). Tóm tắt những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến đầu năm 1930. Công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam là gì ?
Câu 2 (2,0 điểm). Trình bày chủ trương, biện pháp của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đối phó với quân đội Tưởng Giới Thạch và tay sai từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến trước ngày 6 – 3 – 1946 .
Câu 3 (1,0 điểm). Xác định mốc thời gian (ngày, tháng, năm) tương ứng với những sự kiện lịch sử được trình bày trong bảng sau :
Thời gian | Sự kiện |
? |
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ |
? |
Kết thúc chiến dịch Việt Bắc |
? |
Mở đầu chiến dịch Biên giới |
? |
Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ |
B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
Sự kiện nào đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc khu vực Mĩ la tinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai ? Kể từ đó, phong trào đã diễn ra như thế nào ?
-------------------------------------------------------------------------------------
Đề II
A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm). Trình bày nguyên nhân bùng nổ và diễn biến chính của phong trào cách mạng Việt Nam trong năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Câu 2 (2,0 điểm). Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử và nội dung của bản Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện Chính phủ Pháp (ngày 6 – 3 – 1946).
Câu 3 (1,0 điểm). Xác định mốc thời gian (ngày, tháng, năm) tương ứng với những sự kiện lịch sử trong cuộc chiến đấu chống “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ theo bảng sau:
Thời gian | Sự kiện |
? |
Chiến thắng Ấp Bắc (Mĩ Tho) |
? |
Cuộc biểu tình của hai vạn tăng ni, Phật tử ở Huế |
? |
Cuộc biểu tình của 70 vạn quần chúng Sài Gòn |
? |
Chiến thắng Bình Giã (Bà Rịa) |
B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
Sự kiện nào đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc khu vực Mĩ la tinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai ? Kể từ đó, phong trào đã diễn ra như thế nào?
BÀI GIẢI GỢI Ý
Đề I:
A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1
* Tóm tắt những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến đầu năm 1930:
- Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Quốc tế thứ ba với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, vạch ra đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc và khẳng định lập trường ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
- Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc. Hội ra tờ báo Người cùng khổ năm 1922 để vạch trần chính sách đàn áp bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Nguyễn Ái Quốc còn viết bài cho các báo tiến bộ khác như: Nhân đạo, Đời sống công nhân và cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”.
- Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân, sau đó làm việc ở Quốc tế Cộng sản, viết nhiều bài cho báo Sự Thật và tạp chí Thư tín quốc tế.
- Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản và đọc tham luận tại Đại hội, trình bày quan điểm của mình về vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa, mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.
- Tháng 12-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người đã cùng với một số nhà cách mạng Trung Quốc, Ấn Độ... thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”; tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu.
- Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Người mở các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng rồi đưa về nước hoạt động. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại thành tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927. Năm 1928, Hội chủ trương thực hiện “vô sản hóa”, đưa người về nước hoạt động trong phong trào công nhân để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin cho họ.
- Từ tháng 6-1929 đến 9-1929, ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn ra đời. Trên cơ sở đó, Nguyễn Ái Quốc đã chính thức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.
* Công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam là thống nhất các tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ ở trong nước thành một chính đảng vô sản duy nhất.
- Từ ngày 3 đến 7-2-1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản họp ở Cửu Long (Hương Cảng – Trung Quốc) để hợp nhất thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo và cử Ban chấp hành Trung ương Đảng lâm thời.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Câu 2
Thực hiện chủ trương hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc, nhà nước ta thực hiện sách lược hòa hoãn, tránh xung đột, giao thiệp thân thiện và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị với quân Tưởng một cách khôn khéo. Các cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức, tập hợp hàng nghìn người mang băng cờ, khẩu hiệu : “Nước Việt Nam của người Việt Nam !” “Ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa !” “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh !” v.v …
Quân Tưởng không dám ra mặt công khai, mà dùng bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách để phá ta từ bên trong. Việt Cách đòi ta phải cải tổ Chính phủ, để cho chúng một số ghế trong Quốc hội không phải thông qua bầu cử, phải gạt những đảng viên cộng sản ra khỏi Chính phủ lâm thời… Nhằm hạn chế sự phá hoại, tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội khóa I đồng ý tăng thêm cho Tưởng 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử và 4 ghế bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp chính thức cho Việt Quốc và Việt Cách. Nhân nhượng cho Tưởng một số quyền lợi về kinh tế, như cung cấp một phần lương thực, thực phẩm, nhận tiêu tiền “quan kim” và “quốc tệ”.
Đối với tay sai của Tưởng, chính quyền cách mạng dựa vào quần chúng kiên quyết vạch trần âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại của chúng. Những kẻ phá hoại có đủ bằng chứng đều bị trừng trị theo pháp luật. Chính phủ còn ban hành một số sắc lệnh nhằm trấn áp bọn phản cách mạng : ngày 5-9-1945 sắc lệnh giải tán “Đại Việt quốc gia xã hội đảng “ và “Đại Việt quốc dân đảng” là những đảng phản động, tay sai của phát xít Nhật; sắc lệnh ngày 12-9-1945 cho an trí những người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hòa Việt Nam; sắc lệnh lập tòa án quân sự trừng trị bọn phản cách mạng …
Câu 3
Thời gian | Sự kiện |
19/12/1946 | Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ |
19/12/1947 | Kết thúc chiến dịch Việt Bắc |
16/9/1950 | Mở đầu chiến dịch Biên giới |
7/5/1954 | Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ |
B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
* Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc khu vực Mĩ la tinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai là thắng lợi của cách mạng Cuba 1959.
- Ngày 1-1-1959, nghĩa quân của Phiđen Caxtơrô tiến vào chiếm lĩnh thủ đô La Habana. Chế độ độc tài quân sự Batixta do Mĩ điều khiển bị lật đổ.
- Sau khi đánh thắng đội quân đánh thuê của Mĩ đổ bộ vào bãi biển Hirôn ngày 17-4-1961, chính phủ Phiđen Caxtơrô tuyên bố Cuba bắt đầu tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Năm 1965, “Tổ chức cách mạng thống nhất” của Cuba đổi tên thành Đảng Cộng sản Cuba.
* Sau thắng lợi của cách mạng Cuba 1959, Cuba trở thành “lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc” ở Mĩ la tinh.
- Các nước Mĩ la tinh thấy ở cách mạng Cuba tấm gương sáng về một dân tộc dù bé nhỏ vẫn có thể đánh thắng một đế quốc đầu sỏ nằm ngay sát cạnh để giải phóng dân tộc, về những phương thức đấu tranh cách mạng để đánh đổ kẻ thù, v.v... Cũng từ đó, cơn bão táp cách mạng (mà hình thức chủ yếu là đấu tranh vũ trang) đã bùng nổ ở Mĩ la tinh, làm cho khu vực này được mệnh danh là “lục địa bùng cháy”.
- Phong trào đấu tranh vũ trang đã nổ ra ở nhiều nước như: Bôlivia, Vênêxuêla, Goatêmala, Côlômbia, Pêru, Nicaragoa, En Xanvađo... Trong đó, thắng lợi của cách mạng Nicaragoa năm 1979, cùng với việc lên cầm quyền của chính phủ Liên minh đoàn kết nhân dân do Tổng thống Agienđê đứng đầu ở Chilê trong những năm 1970-1973 là những sự kiện cách mạng có ý nghĩa và ảnh hưởng sâu rộng nhất. Với những hình thức đấu tranh khác nhau, các nước Mĩ la tinh đã lần lượt lật đổ được các thế lực thân Mĩ, thành lập các chính phủ dân tộc dân chủ, giành lại độc lập và chủ quyền của dân tộc mình.
- Từ cuối những năm 80 đến nay, Mĩ đã mở cuộc phản kích chống lại phong trào cách mạng khu vực Mĩ latinh, bắt đầu từ cuộc can thiệp vũ trang đàn áp cách mạng ở Grênađa (1983), Panama (1990); dùng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị gây sức ép làm cho Mặt trận giải phóng dân tộc Xanđinô cầm quyền ở Nicaragoa bị thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1991; tìm mọi cách lật đổ chế độ XHCN ở Cuba bằng cách bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập và tấn công về chính trị.
- Qua hơn 40 năm, bộ mặt khu vực Mĩ la tinh đã biến đổi khác trước. Các nước Mĩ la tinh đã khôi phục lại độc lập, chủ quyền và bước lên vũ đài quốc tế với tư thế độc lập, tự chủ của mình. Một số nước như Braxin, Mêhicô đã trở thành các nước Công nghiệp mới (NICs).
--------------------------------------------------------------------------------
Đề II
A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)
Câu 1
a. Nguyên nhân bùng nổ:
- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) từ các nước tư bản lan nhanh sang các nước thuộc địa. Đế quốc Pháp tìm mọi cách trút gánh nặng của khủng hoảng kinh tế lên vai nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
- Ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp khủng bố khốc liệt của Pháp làm nhân dân ta thêm căm thù và quyết tâm tranh đấu, giành quyền sống.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đứng lên đấu tranh chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”.
b. Diễn biến chính:
- Tháng 2 – 1930 đã nổ ra cuộc bãi công của 3000 công nhân đồn cao su Phú Riềng.
- Tháng 4 – 1930 là các cuộc bãi công của 4000 công nhân nhà máy sợi Nam định, 400 công nhân của nhà máy sợi Nam Định, của hơn 400 công công nhân nhà máy diêm và nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy xi măng Hải Phòng, ở hãng dầu Nhà Bè (Sài Gòn), đồn điền Dầu Tiếng v.v… Phong trào đấu tranh của nông dân đã diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh v.v… Truyền đơn, cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội và ở một số địa phương khác.
- Ngày Quốc tế lao động 1 – 5 – 1930 , lần đầu tiên công nông và dân chúng Đông Dương, dưới sự lãnh đạo của Đảng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước, đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành v.v.. Các cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra trong các xí nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai, Cẩm Phả, Vinh – Bến Thủy, Sài Gòn – Chợ Lớn … và lan rộng trên khắp cả nước.
- Riêng tháng 5 – 1930 trong cả nước có 16 cuộc đấu tranh của công nhân, 34 cuộc đấu tranh của nông dân , 4 cuộc đấu tranh của học sinh và dân nghèo thành thị.
- Ngày 31 – 05 – 1930, Hội đồng nội các Pháp đã phải họp để nhận định tình hình và tìm cách đối phó.
- Nghệ – Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu cao trào nhân ngày Quốc tế lao động 1 – 5 – 1930 , dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cộng sản tỉnh Nghệ An, công nhân nhà máy điện, nhà máy cưa Bến Thủy cùng hàng ngàn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh rầm rộ biểu tình. Đế quốc Pháp đàn áp làm 70 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người. Cùng ngày hôm đó, 3000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình phá đồn điền Kí Viện.
- Ngày 1 – 8 – 1930 bùng nổ cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy.
- Ngày 30 – 8 nông dân huyện Nam Đàn kéo lên huyện lị đưa yêu sách, phá nhà lao giải thoát cho những người bị bắt.
- Ngày 1 – 9 nông dân huyện Thanh Chương bao vây đốt trụ sở huyện.
- Ngày 7 – 9 nông dân huyện Can Lộc biểu tình đòi giảm thuế thân, giảm tô, bỏ thuế chợ …
- Ngày 12 – 9 – 1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và tay sai, một cuộc biểu tình khổng lồ tới 2 vạn người đã nổ ra ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Đế quốc Pháp cho máy bay ném bom làm 217 người chết và 125 người bị thương.
- Suốt tháng 9 và 10 – 1930, các huyện Thanh Chương, Diễn Châu (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh)…nông dân đã vũ trang khởi nghĩa để ủng hộ phong trào của công nhân và phản đối chính sách khủng bố.
- Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Trước tình hình đó, các tổ chức Đảng ở địa phương đã lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý lấy đời sống của mình. Các ban chấp hành nông hội xã do các chi bộ Đảng lãnh đạo đứng ra quản lí mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn, mặc nhiên làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Lầu đầu tiên nhân dân ta thật sự nắm chính quyền ở địa phương.
- Hoảng sợ trước phong trào quần chúng lên cao và trước ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ngày càng lớn mạnh, đế quốc Pháp đã khủng bố cực kì tàn bạo. Cùng với việc cho quân lính đi bắn giết dân chúng, đốt phá, triệt hạ làng mạc, chúng còn ra sức sử dụng những thủ đoạn chia rẽ, dụ dỗ, mua chuộc. Vì vậy, nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng bị phá vỡ, hàng vạn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắt, bị tù đày hoặc bị giết.
- Tuy mới thành lập ở một số xã, thời gian tồn tại chỉ được 4 – 5 tháng, nhưng Xô viết Nghệ – Tĩnh đã tỏ ra bản chất cách mạng và tính ưu việt của nó.
Câu 2
a) Hoàn cảnh lịch sử
- Sau khi chiếm đóng các đô thị ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị tiến quân ra miền Bắc để thôn tính cả nước ta. Nhưng với lực lượng hiện có (3,5 vạn) trong khi chưa bình định xong Nam Bộ chúng không thể đạt được mục đích và chắc chắn sẽ vấp phải lực lượng kháng chiến đang lớn mạnh của ta. Sự có mặt của quân Tưởng ở miền Bắc cũng là một trở ngại cho Pháp.Tình hình đó buộc Pháp phải dùng thủ đoạn chính trị : điều đình với chính phủ Tưởng Giới Thạch để được thay thế quân Tưởng chiếm đóng ở miền Bắc Việt Nam.
- Tưởng Giới Thạch và đế quốc Mỹ thấy cần phải tập trung lực lượng đối phó với phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Tưởng được Pháp thỏa hiệp với nhau, kí hiệp ước ngày 28-2-1946. Theo hiệp ước Hoa – Pháp, Tưởng được Pháp trả lại một số quyền lợi ở đất Trung Quốc và được vận chuyển hàng hóa qua cảng Hải Phòng và Hoa Nam không phải đóng thuế. Ngược lại, Pháp được đưa quân ra Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.
- Hiệp ước Hoa – Pháp buộc nhân dân Việt Nam phải chọn một trong hai con đường : hoặc là cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp ngay từ khi chúng đưa quân ra miền Bắc; hoặc là chủ động đàm phán ngay với Pháp, tạm hòa hoãn với chúng để nhanh chóng gạt 20 vạn quân Tưởng về nước. Quyết định chọn giải pháp thứ hai, ngày 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa kí với đại diện chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ.
b) Nội dụng của bản Hiệp định sơ bộ
- Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp.
- Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, số quân này sẽ rút dần trong thời gian 5 năm; hai bên thực hiện ngừng bắn ngay ở Nam Bộ.
Câu 3
Thời gian | Sự kiện |
2/1/1963 | Chiến thắng Ấp Bắc (Mĩ Tho) |
8/5/1963 |
Cuộc biểu tình của hai vạn tăng ni, Phật tử ở Huế |
16/6/1963 | Cuộc biểu tình của 70 vạn quần chúng Sài Gòn |
2/12/1964 | Chiến thắng Bình Giã (Bà Rịa) |
B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)
Xem đề 1.
Xin lưu ý: Những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo, đáp án chính thức của Bộ GĐ-ĐT sẽ được Tuổi Trẻ Online cập nhật ngay sau khi kết thúc môn cuối cùng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2005 - 2006.
Mời các bạn thí sinh đón xem thêm bài giải trên trang 24g báo Tuổi Trẻ ra ngày mai, 2-6-2006. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận