23/06/2020 10:12 GMT+7

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 3: Nghề lắm rủi ro

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Hiện nay, ai cũng làm nhà môi giới được. Nói như chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng: "Chỉ cần thân quen cầu thủ cũng có thể làm nhà môi giới".

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 3: Nghề lắm rủi ro - Ảnh 1.

Patiyo Tambwe (trái), chân sút được ông Nguyễn Minh Châu môi giới cho CLB Than Quảng Ninh ở mùa giải 2017 - Ảnh: N.K.

Bóng đá Việt Nam hiện có rất nhiều nhà môi giới trong nước và nước ngoài. Những nhà môi giới trong nước thường thành công hơn về tỉ lệ chuyển nhượng cầu thủ, dù có thể chất lượng cầu thủ của họ không bằng các nhà môi giới nước ngoài, bởi họ gõ đúng cửa và chịu... chi hơn.

Từ lâu, FIFA đã bỏ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Thay vào đó, FIFA yêu cầu các liên đoàn thành viên quản lý trực tiếp các nhà môi giới với tên gọi là đơn vị trung gian.

Tỉ lệ % chuyển nhượng

Từ tháng 5-2016, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã ban hành quy chế làm việc với đơn vị trung gian. Theo đó, cầu thủ và/hoặc CLB khi giao kết hợp đồng với đơn vị trung gian phải thông báo công khai với VFF các khoản tiền thù lao, hoặc các khoản thanh toán đã được thỏa thuận dưới bất cứ hình thức nào đối với đơn vị trung gian.

Theo anh C. - một nhà môi giới: "Chúng tôi được FIFA cho hưởng 3% trên tổng thu nhập của cầu thủ, cộng với các khoản chi phí ứng trước cho cầu thủ trước khi được ký hợp đồng. Không báo cáo lên VFF khi ký hợp đồng, sau này cầu thủ không trả tiền cho mình, mình mất tiền và VFF không chịu trách nhiệm. Chưa kể phải báo cáo để cuối mùa bóng, VFF sẽ căn cứ vào hợp đồng cầu thủ và người đại diện để tính ra khoản tiền cụ thể theo tỉ lệ 3% FIFA cho phép".

Dù vậy, một nhà môi giới khác cho biết: "Ở nước ngoài, nhà môi giới thường lấy từ 10-15% phí chuyển nhượng. Còn ở Việt Nam, con số này "nhảy múa" bởi các nhà môi giới không chính thức thường phải chi cho những người quyết định về việc có ký hợp đồng với cầu thủ. 

Nói vậy bởi những vị có quyền quyết định này (HLV trưởng, giám đốc điều hành... ở CLB) đều có nguồn cầu thủ riêng của mình từ các nhà môi giới khác sẵn sàng chi % đậm hơn".

Lỗ vốn như không

Một nhà môi giới có thâm niên hành nghề ở Việt Nam cho biết: "Ở bóng đá Việt Nam, trước khi ký hợp đồng, ngoại binh thường phải trải qua thử việc. Tuy nhiên, cầu thủ thi đấu ở các giải châu Âu hoặc có tên tuổi thường không chấp nhận khâu thử việc. 

Họ muốn thương thảo hợp đồng xong toàn bộ mới sang Việt Nam để kiểm tra y tế và ký hợp đồng. Chi phí vé máy bay sang Việt Nam do nhà môi giới bỏ ra. Trong trường hợp này, nếu ký hợp đồng thành công, CLB sẽ trả lại tiền vé máy bay cho nhà môi giới. Còn nếu không, nhà môi giới mất tiền vé máy bay và xem như lỗ nặng".

Anh C. kể: "Trước mùa giải mới, chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với các nhân vật ở CLB như chủ tịch, giám đốc điều hành, HLV để tìm hiểu về nhu cầu cần cầu thủ đá ở vị trí nào, sở trường ra sao... Sau đó, chúng tôi sẽ liên lạc với đối tác nước ngoài để họ tìm đúng mẫu cầu thủ các CLB đặt hàng. 

Nhưng những năm gần đây, tôi chủ động thuê người bên châu Phi đi quay phim, chụp ảnh các cầu thủ tôi dự định đưa sang Việt Nam. Xem băng hình, thấy được, tôi sẽ sang châu Phi để nắm thêm thông tin về cầu thủ đó.

Sau đó, tôi sẽ đưa cầu thủ này về Việt Nam, bố trí tập luyện 1-2 tuần rồi mới đi chào hàng với các CLB. Tôi thực hiện việc chuyển nhượng cầu thủ có bảo hành hẳn hoi: nếu không đạt yêu cầu ở giai đoạn một sẽ đền bù cầu thủ khác tốt hơn ở giai đoạn hai và thậm chí đền tiền cho CLB theo cam kết. Với cách làm này, tuy không có chuyện chi %, nhưng tôi vẫn sẵn sàng bỏ ra những khoản chi cho chuyện giao tế".

Bóng đá Việt Nam có bao nhiêu đơn vị trung gian?

Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ của VFF từ chối trả lời khi chúng tôi đặt câu hỏi xoay quanh việc ở Việt Nam có bao nhiêu đơn vị trung gian, phí chuyển nhượng hay những thông tin về phương diện thuế khóa trong các hợp đồng chuyển nhượng...

Theo thông tin trên trang web của VFF, bóng đá VN chỉ có một đơn vị trung gian duy nhất là ông Nguyễn Minh Châu - nhà môi giới chúng tôi từng đề cập trong bài viết trước

Đầu tháng 4-2020, trang web của VFF cho biết đã gửi công văn đề nghị các CLB báo cáo về việc có sử dụng dịch vụ đơn vị trung gian trong khoảng thời gian từ tháng 3-2018 đến tháng 3-2019 hay không. 

Sau đó, một số CLB gửi văn bản báo cáo CLB và các cầu thủ của mình không sử dụng dịch vụ đơn vị trung gian tính đến ngày 28-3-2019, trong khi một số CLB khác không có văn bản phúc đáp. Điều này được hiểu là CLB và các cầu thủ thuộc CLB đó không sử dụng dịch vụ đơn vị trung gian.

Nhưng thực tế, ông Châu cho biết có rất nhiều nhà môi giới trong nước và nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, chứ không có mỗi mình ông. Điều này cho thấy vẫn có những nhà môi giới hoạt động chui (các CLB không đăng ký lên VFF) và chuyện chuyển nhượng ngầm cầu thủ là có thật. Từ đó kéo theo tiền % chuyển nhượng vào túi các nhà môi giới chui hoặc cá nhân nào đó đương nhiên phải hơn con số 3% mà FIFA và VFF quy định.

Hiện nay, ai cũng làm nhà môi giới được. Nói như chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng: "Chỉ cần thân quen cầu thủ cũng có thể làm nhà môi giới". Về điều này, một nhà môi giới đánh giá: "Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi một nhà môi giới không chuyên nghiệp và thiếu cái tâm có thể sẽ giết chết sự nghiệp của một cầu thủ".

Tôi từng bị "nặng nhẹ" chơi phá giá

Ông Trần Tiến Đại, một nhà môi giới, cho biết sau hơn một thập niên hành nghề, ông có trong tay không dưới 100 hợp đồng để làm đại diện cho cầu thủ ngoại chơi bóng ở V-League, Malaysia, Thái Lan...

"Để tránh điều tiếng, tôi thường làm việc trực tiếp với chủ tịch CLB". Ông Đại giải thích: "Thường ông chủ các CLB đều là doanh nhân quá quen với việc đàm phán, chi tiết trong hợp đồng nên các phi vụ của tôi thường suôn sẻ". Về tỉ lệ % cho mỗi hợp đồng, ông Đại nói: "FIFA quy định nhà môi giới được hưởng 3% trên tổng thu nhập bao gồm lương, thưởng, quảng cáo... của cầu thủ trong năm đầu tiên của hợp đồng và giảm dần ở các năm về sau. Nhưng tôi chỉ nhận 10% phí chuyển nhượng cho mỗi hợp đồng. Cũng vì điều này, một số đồng nghiệp từng đưa ra lời nặng nhẹ vì cho rằng tôi chơi phá giá".

Sĩ Huyên

Kỳ 4: Bài học từ thủ môn Bùi Tiến Dũng

Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 2: Jernej Kamensek phá vỡ Góc khuất phía sau hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ - Kỳ 2: Jernej Kamensek phá vỡ 'luật im lặng'

TTO - “Ở VN, tiền lót tay có ý nghĩa lớn, thậm chí nhiều khi còn vượt xa các khoản lương tháng. 99% các HLV ở VN đều muốn nhận phần chia từ các khoản lót tay. Đó cũng là lý do tại sao V-League không thể có ngoại binh giỏi”...

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên