Công Phượng, thương vụ chuyển nhượng có giá trị cao của V-League 2020 - Ảnh: N.KHÔI
Khi trả lời về những hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ, phần lớn các nhà môi giới, lãnh đạo các CLB… thường yêu cầu giấu tên. Họ cẩn thận bởi nói thẳng ra có khi sẽ "không còn đường sống" vì bị cộng đồng bóng đá tẩy chay. Vì sao?
Theo thống kê của Tuổi Trẻ, hơn 100 cầu thủ đã được chuyển nhượng trước khi V-League 2020 khởi tranh.
Trong đó, đứng đầu về số lượng cầu thủ chuyển nhượng là CLB Hải Phòng với 14 cầu thủ. Kế đến là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với 12 tân binh. Tuy nhiên vung tiền mua sắm nhiều nhất là CLB TP.HCM - đương kim á quân V-League với 12 tân binh, trong đó có những ngôi sao như tiền đạo Nguyễn Công Phượng, thủ môn Bùi Tiến Dũng...
Mắt xích không thể thiếu trong bóng đá chuyên nghiệp
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thể thao T&T Nguyễn Quốc Hội đánh giá cao vai trò của nhà môi giới: "Việc tìm cầu thủ ngoại ở V-League chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nhà môi giới hoặc đối tác giới thiệu là chính vì chúng tôi không thể biết ngoại binh nào thi đấu tốt để liên lạc và đàm phán chuyển nhượng để đưa họ về khoác áo CLB.
Về phía cầu thủ, họ cần phải có nhà môi giới để không mất thời gian trong việc đàm phán hợp đồng. Điều này là do nhà môi giới am hiểu luật và có "nghề" trong nghệ thuật đàm phán nên sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành hợp đồng chuyển nhương cho cầu thủ. Với vai trò như vậy, nhà môi giới trở thành mắt xích không thể thiếu trong bóng đá chuyên nghiệp".
Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng cho biết các hợp đồng mà CLB TP.HCM đem về đều qua nhà môi giới giới thiệu do cầu thủ CLB muốn mang về đều còn hợp đồng với CLB cũ hoặc có nhà môi giới.
Về quy trình chuyển nhượng, ông Thắng cho biết: "Chúng tôi có nhiều nguồn đưa cầu thủ đến như HLV trưởng Chuang Hae Soung, giám đốc thể thao của Tập đoàn Bình Minh, bà Mae Mưa (Việt kiều Mỹ - PV) hoặc đối tác của lãnh đạo tập đoàn. Dù vậy, chuyện chuyển nhượng ở CLB rất rõ ràng, cầu thủ phải nhận được sự nhất trí của lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo CLB và HLV trưởng thì mới ký hợp đồng".
Thủ môn Bùi Tiến Dũng, thương vụ chuyển nhượng có giá trị cao của V-League 2020 - Ảnh: N.KHÔI
Xuất hiện nhiều nhà môi giới không hợp pháp
Trong bóng đá chuyên nghiệp, nhà môi giới (hay người đại diện) luôn đứng đằng sau các cầu thủ trong việc lo thương lượng hợp đồng chuyển nhượng và quảng cáo, chăm sóc hình ảnh cho khách hàng của mình.
Cầu thủ chỉ có nhiệm vụ thi đấu tốt để giữ hình ảnh và tìm kiếm những hợp đồng có giá trị cao về mặt tài chính. Có thể nói trong bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ và nhà môi giới là hai nửa không thể tách rời.
Nhưng với bóng đá Việt Nam, số lượng nhà môi giới hợp pháp vẫn chưa nhiều. Nói vậy bởi trong các thương vụ chuyển nhượng hay quảng cáo của các ngôi sao Việt Nam hiện nay, xuất hiện khá nhiều nhà môi giới không hợp pháp do đây chỉ là nghề tay trái của họ.
Từ đây, những công ty tiếp thị thể thao đã ra đời để giúp những nhà môi giới này hợp thức hóa vai trò "đơn vị trung gian" mà LĐBĐ VN (VFF) yêu cầu trong chuyển nhượng cầu thủ tại Việt Nam.
Về khoản phí hoa hồng, tỉ lệ phần trăm trong các thương vụ tùy thuộc các nhà môi giới. Trong thực tế các cầu thủ "khỏe" hơn nhiều khi có nhà môi giới của riêng mình. Còn các CLB cũng dễ dàng tìm kiếm nguồn cầu thủ hay thương thảo hợp đồng thông qua nhà môi giới.
Những vết rạn trong quan hệ
Từng là HLV trưởng CLB Sông Lam Nghệ An, chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng không lạ gì về việc chuyển nhượng cầu thủ. Ông chia sẻ: "Trước đây nhà môi giới muốn hoạt động phải có giấy chứng nhận của FIFA.
Còn bây giờ họ chỉ cần có hợp đồng đại diện với cầu thủ để làm việc với CLB chủ quản và VFF theo tư cách là đơn vị trung gian cá nhân hoặc pháp nhân. Điều này khiến việc trở thành người trung gian trở nên dễ dàng hơn. Có khi chỉ cần thân quen với cầu thủ là đã có thể trở thành người đại diện của họ".
Vậy mặt trái giữa cầu thủ và nhà môi giới là gì?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng đó là việc nhiều nhà môi giới nghĩ về mình quá nhiều.
Ông Thắng nói: "Có nhà môi giới tính toán khoản tiền nhận được nhiều quá khiến cầu thủ bị thiệt trong vấn đề tài chính do nhận được tiền ít hơn so với số tiền được ký hợp đồng. Nhưng giờ cầu thủ hiểu biết hơn nên sẽ thỏa thuận trước với nhà môi giới một hợp đồng sắp ký nên chuyện thua thiệt về kinh tế cho cầu thủ ít xảy ra. Thông thường những nhà môi giới lấy phí hoa hồng cao như thế cũng ít có CLB muốn hợp tác".
Những vết rạn này đã hé mở thêm những góc khuất trong quan hệ của những nhà môi giới và những người có trách nhiệm ở CLB. Và theo Jernej Kamensek: "Ở Việt Nam, tiền lót tay có một ý nghĩa lớn, thậm chí nhiều khi còn vượt xa các khoản lương tháng hoặc thưởng. Do đó 99% HLV ở Việt Nam đều muốn nhận phần chia từ các khoản lót tay".
Ông Nguyễn Minh Châu - một nhà môi giới cầu thủ ngoại lâu năm ở V-League - nói: "Nhiều CLB ở V-League thường xem người môi giới là kẻ trục lợi theo hợp đồng của cầu thủ, nâng giá để lấy tiền bỏ túi. Từ đó họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với chúng tôi".
Cầu thủ cần một nhà môi giới tốt
Ông Nguyễn Minh Châu cho rằng "mình hay những nhà môi giới khác là người sẽ phải chịu trách nhiệm trước CLB chủ quản hay pháp luật trong trường hợp xảy ra rắc rối giữa cầu thủ và CLB. Điều này xuất phát từ việc các cầu thủ và chúng tôi phải ký hợp đồng đại diện để thay mặt cầu thủ đứng ra làm việc với CLB".
Do đó, việc có được một nhà môi giới tốt chắc chắn sẽ giúp cầu thủ được đảm bảo quyền lợi trong các cuộc thương thuyết về hợp đồng hay chuyển nhượng. Ngoài ra, có khi những nhà môi giới cũng sẽ đóng vai trò quản lý tài chính cho thân chủ của mình để họ có thể yên tâm cống hiến trên sân cỏ.
___________________________________________
Bài 2: Jernej Kamensek phá vỡ "luật im lặng"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận