26/10/2012 07:01 GMT+7

Giúp việc nhà không chỉ là một nghề

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Hà Nội)

TT - Từ trước đến nay, giúp việc nhà hoặc công việc nội trợ không được coi là việc làm. Trong danh mục các nghề của Việt Nam (và nhiều nước khác) đều quan niệm công việc gia đình/nội trợ đồng nghĩa với thất nghiệp?

dUgiDNHH.jpgPhóng to
Cần “luật hóa” giúp việc nhà thành một nghề. Trong ảnh: một người giúp việc nhà cho một gia đình ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Đây là một quan điểm không đúng, dù nhìn từ góc độ kinh tế hay quan điểm giới. Ai cũng biết người giúp việc ngoài chuyện ăn, ở họ còn có lương, bài viết trên Tuổi Trẻ đề cập nhóm nghiên cứu cho biết mức trung bình là 2.742.000 đồng, mức lương này chỉ bằng 70% lương của người giúp việc gia đình tôi.

Từ quan điểm giới, công việc nội trợ/giúp việc nhà đều do phụ nữ đảm nhận, và nhiều đức lang quân đều quan niệm người vợ nội trợ là không làm gì, thậm chí có người còn coi vợ ở nhà nội trợ là ăn bám chồng.

Đây là quan niệm sai lầm và đậm tính bất bình đẳng giới. Nhà kinh tế học người Mỹ Peter S.Arno và các cộng sự đã thực hiện lượng hóa giá trị cho mỗi giờ chăm sóc gia đình là 8 USD, họ ước tính giá trị thực tế của công việc chăm sóc gia đình của cả nước Mỹ là 196 tỉ USD (năm 1997).

Còn các nghiên cứu về công việc gia đình ở Pháp đã ước tính giá trị của các công việc gia đình bằng 48-65% GDP. Năm 1995, Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc đã tính rằng công việc nội trợ của phụ nữ trên toàn thế giới có giá trị 11.000 tỉ USD. Số tiền này bằng 110 năm GDP của Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ ngày 20-10 có bài viết “Đưa giúp việc nhà thành một nghề”, về điều này Bộ luật lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua lần đầu tiên đã có định nghĩa về người giúp việc gia đình. Trong các nghị định hướng dẫn, có đề nghị đưa nghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề nghiệp quốc gia, người giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động như người làm các nghề nghiệp khác, có quyền được chăm sóc y tế, được đào tạo, cung cấp kỹ năng sống...

Trên thực tế, nhiều người giúp việc nhà đã được hưởng các chế độ như vậy. Ví dụ như những người giúp việc nhà được đào tạo tại trung tâm do một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội tổ chức. Họ đã được hưởng các chế độ như công chức, mỗi tháng có đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và 6% lương cho phí quản lý. Từ năm 2005 đến nay, gia đình tôi có người giúp việc được đào tạo ở trung tâm này. Cô ấy có hợp đồng lao động và có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thời gian làm việc nhà của cô ấy là từ thứ hai đến thứ bảy, nghỉ chủ nhật và các ngày lễ, tết.

Tuy nhiên, vẫn rất cần “luật hóa” nghề giúp việc nhà thành một nghề như những nghề khác. Điều này không chỉ giúp những người giúp việc tự do (không tham gia các trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm) có quyền của người lao động, và pháp luật sẽ bảo vệ họ khi chủ nhà vi phạm hợp đồng.

Nhưng điều quan trọng hơn là để nam giới và toàn xã hội thay đổi nhận thức về công việc nội trợ: phải coi làm việc nhà cũng là lao động. Và lao động gia đình có giá trị không kém gì việc đi làm có lương, kinh doanh, sản xuất..., thậm chí còn quan trọng hơn nhiều vì nó còn nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ tương lai cho đất nước.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên