08/09/2014 06:15 GMT+7

​Giúp người khiếm thị học toán

TRẦN HUỲNH - Ý THI
TRẦN HUỲNH - Ý THI

TT - “Cho con đi cô, cho con đi cô!” - nhiều học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) đồng thanh thốt lên khi cầm những mô hình toán học dành cho người khiếm thị.

ThS Phan Nguyễn Ái Nhi (hàng sau, thứ hai từ trái) cùng các sinh viên lớp seminar sau buổi tổng kết tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Thành Lộc
ThS Phan Nguyễn Ái Nhi (hàng sau, thứ hai từ trái) cùng các sinh viên lớp seminar sau buổi tổng kết tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Thành Lộc

​Gương mặt các em sáng bừng lên khi lần đầu tiên “cảm nhận được toán học”.

Từng có thời gian học tập và nghiên cứu tại Đức, ThS Phan Nguyễn Ái Nhi (khoa toán - tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) rất tâm huyết với phương pháp “Học tập phục vụ cộng đồng” (Service learning).

Biết được khó khăn trong việc học toán của người khiếm thị, cô Ái Nhi và sinh viên lớp seminar sư phạm đã tìm đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để tìm hiểu thêm.

Đóng vai người khiếm thị

Dưới sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Quyết Thắng - một giáo viên khiếm thị, cô Ái Nhi và các bạn sinh viên dần hiểu được cách cảm nhận của người khiếm thị khác với người bình thường ra sao. Việc học toán rất trần ai khi học sinh khiếm thị chỉ có thể dùng... trí tưởng tượng để hiểu các khái niệm phức tạp trong toán học.

Từ hai năm nay, sinh viên lớp seminar sư phạm của cô Ái Nhi đã và đang thực hiện nhiều dự án hỗ trợ dạy và học môn toán phổ thông như: xây dựng hệ thống sơ đồ tư duy toán cấp III, những ứng dụng thực tiễn của toán phổ thông, hệ thống tình huống trong dạy và học toán, hệ thống trò chơi trong toán học, dự án bảng cong giúp khắc phục tình trạng nhìn kém ở học sinh... Riêng dự án xây dựng mô hình hỗ trợ học toán cho người khiếm thị đã được gửi lên Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM chờ thẩm định.

“Đối với người bình thường học toán đã khó, với các em khiếm thị lại càng khó hơn. Không có chương trình toán riêng cho người khiếm thị, các em phải học cùng sách giáo khoa với học sinh bình thường khác. Dạy các em hình học phẳng đã khó, dạy hình học không gian còn khó khăn hơn gấp bội phần bởi các em không thể nào hình dung ra nổi hình chóp, hình lăng trụ ra làm sao” - cô Ái Nhi chia sẻ.

Sau khi nắm được nguyên tắc cảm nhận của người khiếm thị, cô Ái Nhi và sinh viên quay về bàn bạc, tìm cách thực hiện các mô hình trực quan, sinh động để minh họa cho các bài học toán lớp 11.

Lớp seminar được chia ra nhiều nhóm, nhóm đảm trách mô hình cho bài học đường thẳng, nhóm làm mô hình cho hệ trục tọa độ, nhóm làm mô hình hình học không gian...

Nghĩ ra được ý tưởng mô hình chính là bước khó nhất, bởi các cô lẫn trò đều tư duy như những người sáng mắt. Làm sao để học sinh khiếm thị sờ vào một mô hình mà phân biệt được đâu là đường cao, đâu là mặt đáy, các cạnh bên, trung điểm... quả là một bài toán hóc búa.

Bạn Nguyễn Thị Thương, sinh viên năm 4 khoa toán - tin, nhớ lại quá trình làm mô hình: “Tất cả mô hình đều phải là thủ công từ những vật dụng chúng tôi tự tìm hoặc đi mua. Trong lúc làm, chúng tôi nhắm mắt lại để sờ xem mình có cảm nhận, phân biệt được đây là hình gì không.

Nhưng khoảng cách giữa nhìn mắt và cảm nhận bằng tay là rất xa, chúng tôi nhắm mắt lại nhưng vẫn dễ dàng hiểu được, còn các em khiếm thị sờ vào lại không hiểu gì. Thế là lại phải đem mô hình về nghĩ cách làm khác”.

Nói về khó khăn trong lúc làm mô hình, bạn Phạm Diệu Linh chia sẻ: “Nhiều lúc bí quá không nghĩ ra được phải làm thế nào nữa, tôi và các bạn tìm thông tin trên mạng nhưng cũng không có gì vì ý tưởng làm mô hình dạy toán cho người khiếm thị còn quá mới, chưa có ai làm cả. Cả nhóm phải động viên nhau đừng nản lòng, thử thêm cách này, cách khác xem sao”.

Mong muốn nhân rộng phương pháp

Triết lý của giáo dục hiện đại

“Học tập phục vụ cộng đồng” là phương pháp gắn liền dạy và học với nhu cầu thực tế của một cộng đồng cụ thể. Sinh viên sẽ áp dụng những kiến thức từ lớp học để giải quyết nhu cầu của cộng đồng, kết quả học tập sẽ được cộng đồng sử dụng. Ngược lại, trong lúc tương tác với cộng đồng, sinh viên sẽ học được những bài học từ thực tế cuộc sống. Đây là phương pháp ưu việt có thể áp dụng vào mọi môn học, được xem là triết lý của giáo dục hiện đại.

Dự định ban đầu của cô Ái Nhi và sinh viên là chỉ làm hai mô hình minh họa cho mỗi bài học, một mô hình dành cho giáo viên dùng khi dạy và một mô hình để các em khiếm thị chuyền tay nhau cảm nhận.

Thế nhưng khi đem mô hình đến lớp, nhìn các em sung sướng cầm trên tay mô hình, cứ giữ khư khư và xin: “Cho con đi cô, cho con đi cô!”, cô Ái Nhi và các sinh viên xúc động, quyết định về làm riêng cho mỗi em một bộ học cụ gồm đầy đủ các mô hình.

Mày mò mất cả học kỳ, làm đi làm lại hết lần này đến lần khác, vất vả thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau, phải bỏ hơn 5 triệu đồng tiền túi ra trang trải các chi phí, cô Ái Nhi và sinh viên mới làm ra được 30 bộ mô hình để tặng các học sinh khiếm thị.

Hiện tại cô Ái Nhi đã áp dụng phương pháp “Học tập phục vụ cộng đồng” được hai học kỳ và chuẩn bị bước sang học kỳ thứ ba. Các sinh viên của khóa sau lại tiếp tục phát triển thành quả của sinh viên khóa trước, tìm cách cải tiến các mô hình, tìm vật liệu mới bền hơn, vát tròn các góc nhọn, bén trên mô hình để an toàn với các em khiếm thị.

Tuy gặp nhiều trở ngại vì thời gian, kinh phí có hạn nhưng dự định sắp tới của cô Ái Nhi và lớp seminar sư phạm khóa sau là sẽ làm thêm các mô hình minh họa môn toán từ tiểu học đến THPT cho học sinh khiếm thị.

Cô Ái Nhi vẫn rất trăn trở khi biết đây là phương pháp hiện đại, tối ưu nên được áp dụng vào giảng dạy nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa phổ biến ở VN. Tại hội thảo định hướng dự án học tập cộng đồng được tổ chức ở một trường ĐH tại TP.HCM, nhiều giảng viên đã bày tỏ lo ngại về kinh phí, trách nhiệm khi áp dụng phương pháp này.

Khi tới lượt mình phát biểu, cô Ái Nhi đã động viên các đồng nghiệp: “Lúc cho sinh viên làm dự án, bản thân tôi cũng rất lo lắng, sợ các em có làm được hay không, có làm gì phật lòng phía Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu hay không, chi phí phải lấy ở đâu ra, nếu dự án thất bại thì sự tự tin của sinh viên sẽ thui chột... nhưng tôi và các học trò vẫn tiếp tục làm.

Đến ngày trao tặng, nhìn nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của các em khiếm thị khi cầm trên tay mô hình, lúc đó những lo lắng về trách nhiệm, con người, vật chất đều không còn nữa”.

TRẦN HUỲNH - Ý THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên