Giúp học sinh có bữa ăn ngon miệng

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - “Ồ, món hôm nay nhìn ngộ quá!”, một học sinh Trường tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) thích thú reo lên, khi nhìn vào món canh khoai môn nấu với cải xanh trong khẩu phần ăn của mình.

Học sinh Trường tiểu học Trưng Trắc dùng bữa trưa theo thực đơn trong phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” - Ảnh: Phương Nguyễn

Nghe vậy, một số học sinh đứng phía sau không khỏi tò mò, thích thú nhoài người về phía trước, để xem trưa nay mình được ăn món gì.

Với một ngân hàng thực đơn gồm 120 thực đơn sẵn có, trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đã giúp những bữa ăn của học sinh bán trú Trường tiểu học Trưng Trắc trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.

Nâng chất bữa ăn bán trú

Trường tiểu học Trưng Trắc là một trong những đơn vị đã sử dụng thí điểm phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”, trước cả khi Bộ GD-ĐT ban hành quyết định số 196/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phần mềm vào tháng 1-2017.

Phần mềm nói trên thuộc dự án “Bữa ăn học đường”, được Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển, với sự tư vấn chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế và sự phối hợp triển khai của Bộ GD-ĐT.

Các thực đơn ở phần mềm này được xây dựng trong hơn 1 năm, trải qua nhiều quá trình từ nghiên cứu, khảo sát thực tế về tình hình dinh dưỡng và thói quen ăn uống của học sinh, cho đến thẩm định, điều chỉnh kỹ càng nội dung.

Bên cạnh ngân hàng thực đơn có sẵn đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam; phần mềm có tính năng giúp các trường tạo thực đơn mới, bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn, hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương.

Phần mềm còn kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường hiện đang sử dụng, giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh.

“Trước khi có dự án này, nhà trường cho học sinh ăn một bữa chỉ có 3 món: cơm, canh, món mặn, và học sinh ăn những món mà các em thích. Chức năng chính của trường tiểu học là giáo dục, nên vấn đề dinh dưỡng cho học sinh bán trú là một bài toán không dễ với chúng tôi” - cô Lê Thị Mỹ Anh, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, chia sẻ.

Cô Mỹ Anh cũng cho biết thêm: “Từ khi dự án nói trên triển khai thì bữa ăn của các em học sinh luôn đủ 4 món: cơm, canh, món mặn và tráng miệng. Thực đơn đa dạng và có nhiều món lạ. Giao diện của phần mềm thân thiện, dễ dàng với người tương tác, thuận lợi cho việc lên thực đơn hằng ngày. Lúc mới bắt đầu triển khai cũng có khó khăn, vì nhiều món đạt chuẩn dinh dưỡng nhưng học sinh lại không thích ăn. Còn bây giờ học sinh đã quen và ăn rất tốt”.

"3 phút thay đổi nhận thức"

Theo ông Nguyễn Minh - trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay sở đã triển khai văn bản chỉ đạo xuống các đơn vị và đã giới thiệu phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” để các đơn vị tiếp cận với phần mềm này. Sắp tới, sở sẽ tập huấn sử dụng phần mềm cho lãnh đạo cũng như bếp trưởng của các trường tiểu học có lớp ăn bán trú, nhằm sử dụng phần mềm này hiệu quả và thuần thục.

Cùng với phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”, dự án “Bữa ăn học đường” cũng triển khai apphich minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức” cho các trường tiểu học bán trú.

Tại Trường tiểu học Trưng Trắc, tiếng trống kết thúc giờ học buổi sáng vừa vang lên, học sinh từ các lớp học liền ùa ra xếp hàng ngay ngắn trước vòi nước để rửa tay sạch sẽ rồi đi ăn cơm trưa. Tuy nhiên, một vài lớp vẫn còn nán lại ở phòng học, để nghe giáo viên và bảo mẫu giới thiệu về dinh dưỡng và công dụng của từng loại thực phẩm qua bộ tranh minh họa.

“Khi được nghe về công dụng của từng loại thực phẩm, nhất là những loại làm đẹp cơ thể, các em học sinh mê lắm. Qua các buổi nói chuyện như vậy, các em chịu ăn đa dạng các loại thực phẩm hơn và hình thành thói quen ăn nhiều rau củ tốt cho sức khỏe” - cô Lê Thị Mỹ Anh nói.

Giáo dục kiến thức về thực phẩm, dinh dưỡng

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về dinh dưỡng, đặc biệt là tình trạng suy dinh dưỡng còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn, tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở người lớn và trẻ em thành phố.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.

Theo kết quả điều tra dinh dưỡng tại 6 tỉnh thành của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2011 tỉ lệ thấp còi của trẻ em 6-9 tuổi là 12,7%, ở 9-11 tuổi là 18,2%.

Trong khi đó, kết quả điều tra toàn quốc năm 2009-2010 cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em các thành phố trực thuộc trung ương đã lên tới 27,4%.

Ông Hiroharu Motohashi - tổng giám đốc Công ty Ajinomoto VN - chia sẻ dự án "Bữa ăn học đường" không chỉ cung cấp những thực đơn cân bằng dinh dưỡng và ngon miệng cho học sinh mà còn giáo dục các em kiến thức về thực phẩm, dinh dưỡng... qua đó nâng cao nền tảng sức khỏe cho thế hệ tương lai của VN.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên