Chiều 28-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Một trong những nội dung mới của dự luật này là quy định chủ tịch UBND các cấp ở Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu cắt điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp này.
Đối tượng áp dụng của biện pháp này khác với đối tượng áp dụng của các biện pháp quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Báo cáo giải trình một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc về tính hợp lý của việc quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Việc áp dụng biện pháp này có thể dẫn tới vi phạm quyền được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của người lao động; làm xuất hiện tình trạng câu điện lậu, câu điện trái phép, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân xung quanh khu vực bị xử phạt.
Ý kiến khác đề nghị không xác định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nếu xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể dẫn tới phát sinh một số trình tự, thủ tục tương đối phức tạp.
Mặt khác, biện pháp này chưa đủ khả năng ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp.
Do đó, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng không xác định việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mà là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Quy định này nhằm kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hậu quả xảy ra tại các công trình, cơ sở sai phạm, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng.
Việc trao quyền chủ động cho TP Hà Nội trong việc xác định cụ thể việc thực hiện biện pháp bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng đối tượng, hạn chế tới mức thấp nhất việc ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng theo báo cáo giải trình, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng đưa biện pháp ngừng cấp điện, nước thành nguyên tắc cơ bản để xử lý vi phạm ngay từ khi ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ. Khi xảy ra vi phạm, việc áp dụng biện pháp này là để thực hiện nguyên tắc trong hợp đồng đã ký kết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và trong dự thảo luật chỉ quy định người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn.
Luật cũng yêu cầu nội dung này phải được thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.
Theo đó, người cung cấp dịch vụ điện, nước có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước có thời hạn trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do việc thực hiện nội dung này có ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng dịch vụ điện, nước nên trong dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền và đối tượng áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng.
Những công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể bị áp dụng biện pháp yêu cầu cắt điện, nước:
- Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
- Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;
- Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận