15/01/2004 05:55 GMT+7

Giữ nghề cho làng bánh chưng

KIM ANH - ÁI NHIÊM
KIM ANH - ÁI NHIÊM

TT - Chạy xe đến đầu làng, mùi lá chuối, lá dong nấu sôi pha lẫn mùi nếp đã sực nức tứ phía báo hiệu những lò bánh chưng đang đỏ lửa. Bánh chưng làng Lương Hội (thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã thành tiếng thơm, đi xa theo xe tàu, máy bay về các tỉnh thành và sang tận trời Tây.

u3MpnlNR.jpgPhóng to
Gia đình anh Nguyễn Đức Thắng (bìa trái) quây quần gói bánh chưng ngày 22 âm lịch - Ảnh: K.A.
TT - Chạy xe đến đầu làng, mùi lá chuối, lá dong nấu sôi pha lẫn mùi nếp đã sực nức tứ phía báo hiệu những lò bánh chưng đang đỏ lửa. Bánh chưng làng Lương Hội (thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã thành tiếng thơm, đi xa theo xe tàu, máy bay về các tỉnh thành và sang tận trời Tây.

Mỗi năm chỉ có một mùa

Anh Nguyễn Văn Xuân, gia đình có hơn ba đời làm nghề bánh gói bằng lá (bánh chưng, bánh gai, bánh mật...), vui vẻ nói: “Hôm nay 22 âm lịch rồi, làng lại bắt đầu vui như hội, nhà nhà gói bánh rồi chở bánh đi bỏ mối tấp nập nhưng cũng cập rập lắm”.

Anh Xuân vừa ngồi gọt xơ dừa để làm nhân bánh gai vừa nói phải ráng “chạy” thêm vài ngàn cái bánh gai nữa, ngày mai anh mới có thể dẹp bớt bánh gai để chuyển sang gói bánh chưng. “Dù bạn hàng bánh gai có kêu ca nhưng năm nào cũng vậy, phải gói thêm bánh chưng vì đó là truyền thống của làng rồi, ít cũng 500 cái, có sức thì gói gấp đôi khoảng 1.000 cái.

Nhiều “đơn đặt hàng” cứ nằn nì mãi nhưng sức người có hạn. Loại bánh này lại không thể thuê người khác gói vì phải người có nghề mới làm được”.

Ngôi làng nhỏ bé này có khoảng 50 hộ gia đình, ngày thường vốn bình lặng, phần lớn sống bằng nghề nuôi heo, làm rẫy hoặc buôn bán nhỏ, nhưng cứ trước Tết Nguyên đán một tuần thì nhà ai cũng giở đồ nghề ra để gói bánh chưng.

Bà Sáu Huyến thuộc loại “lão làng” trong nghề, có đến hơn 50 năm kinh nghiệm, hôm nay làm “tổng chỉ huy” hướng dẫn ba người con ngồi gói và hai người ngồi làm nhân bánh. Năm nay gia đình bà sẽ xuất ra thị trường khoảng 2.000 cái bánh chưng loại lớn tương đương với 1 tấn nếp, 1 tấn lá chuối, 6 tạ thịt và 3 tạ đậu xanh...

rfYqFpLH.jpgPhóng to
Bánh chưng
Bước vào mùa làm bánh, có bạn trẻ đã ví von “giống như đường lên đỉnh Olympia, có khởi động, tăng tốc, về đích và... chiến thắng”. Nghĩa là ngoài 20 tết, các nhà bắt đầu “khởi động” chuẩn bị nguyên liệu, đồ nghề, cũng có nhà đã gói để phục vụ ngày đưa ông Táo về trời (23 âm lịch).

Bắt đầu 24 tết, cả làng bước vào giai đoạn tăng tốc và tốc độ đạt cực thịnh vào các ngày 26, 27, 28, 29 tết, lúc này mọi người “tối mày tối mặt” gói bánh để kịp giao hàng. “Ngày đầu gói còn thong thả, cận tết một người gói hơn 200 bánh/ngày, ngồi suốt từ sáng đến khuya gần như không có khái niệm ngủ, mệt quá thì ngả lưng một chút rồi chiến đấu tiếp.

Năm nào cũng thấy vất vả, định rằng năm sau sẽ làm ít thôi nhưng khách hàng quen thuộc và không khí vui vẻ cứ cuốn mình cố ráng sức”- anh Nguyễn Đức Thắng nói vui. Chất lượng bánh tùy theo yêu cầu và túi tiền của khách, cặp đặc biệt 50.000-70.000đ nhưng cũng có cặp chỉ 25.000-30.000đ.

Người trẻ vẫn giữ nghề

Nhà anh Xuân có bốn chị em, có người theo chồng, lấy vợ nhưng vẫn giữ nghề làm bánh gai cũng là nghề truyền thống của làng. Anh Nguyễn Văn Cảnh dẫn chúng tôi xuống nhà sau chỉ những cái nồi to đùng cho biết: “Ngày tết phải sử dụng nồi to nấu hàng trăm cái bánh chưng mới kịp giao hàng”. Bánh nấu 8-10 tiếng (tùy từng loại nếp) mới chín.

Vớt bánh ra phải ép 7-12 tiếng cho ráo nước bánh mới không bị thiu. Theo lời anh Cảnh, với 100 cái bánh phải có vật nặng gần 2 tạ đè lên ép bánh, bánh chín nhưng hạt nếp phải còn nguyên hình mới đạt chất lượng. Đâu chỉ có vậy, cái công phu của nghề còn bắt đầu từ chuyện chọn nguyên liệu loại nếp nào, đậu xanh loại ưu, lá dong ở đâu đưa về...

Chị Nguyễn Thị Diễm cười: “Thấy đơn giản vậy nhưng tôi học mãi cũng chưa làm được, chỉ được chạy vòng ngoài làm khâu vo gạo, thổi đậu, luộc thịt...”. Được cái là người già, trẻ nhỏ cũng đều góp sức quây quần bên nhau phụ việc lau lá, vo nhân để người biết gói bớt đi những công đoạn đó, năng suất tăng lên.

Nhà chị Nguyễn Thị Kim Hoa có cả thảy 10 anh chị em, tính cả dâu rể, đã có đến bốn người biết gói bánh, cô út Bích Đào dù có nghề nghiệp ổn định nhưng cũng phụ việc anh chị để “lọ mọ” học nghề. Đào nói: “Khó làm thật đấy, nhưng nghề của gia đình sao bỏ được”.

Bí quyết của mỗi nhà mỗi khác nhưng cái chung vẫn là “không được làm dối”, phải vo nếp đến khi nước trong mới thôi, đậu nấu để nguội, thịt luộc xong thái miếng để nguội ướp gia vị. “Bánh của làng Lương Hội là phải để hàng tuần, có khi chục ngày vẫn dùng được. Không biết gói chỉ cần vài ngày là bánh thiu ngay hoặc bị lại nếp ăn như bánh sống. Nhiều người đến đây còn đặt hàng mang về quê miền Trung, gửi cả sang Mỹ nữa đấy”- chị Mộng Thu cho biết.

Công phu là thế, vất vả và bận rộn nhưng người trẻ của làng vẫn không bỏ nghề bởi đó đã trở thành nét đẹp truyền thống lưu truyền từ đời cha ông họ, từ ngày họ rời làng Lương Hội, tỉnh Hưng Yên nơi quê cha đất tổ để vào Nam sinh sống (năm 1954).

KIM ANH - ÁI NHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên