11/01/2009 19:10 GMT+7

Giọng nói thay đổi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Ths, BS TRẦN THẾ TRUNG
Ths, BS TRẦN THẾ TRUNG

TTO - Tôi năm nay 29 tuổi, phát hiện có một khối u ở cổ bên phải khoảng được 1 năm. Tôi đi khám và làm xét nghiệm tế bào ở Bệnh viện Ung thư trung ương (Viện K) thì kết luận là u lành tính, đi khám ở Bệnh viện U bướu Hà Nội thì có kết luận là u ác tính, làm xạ hình tuyến giáp ở Viện 108 (Viện Quân đội trung ương) có kết luận là nhân lạnh.

Cách đây 2 tuần, tôi đã mổ và làm xét nghiệm tức thì, 1 mẫu kết luận là có tế bào ác tính, nhưng 1 mẫu là hạch thì âm tính (có hai mẫu xét nghiệm). BS đã cắt hết 2 thùy tuyến giáp và cho tôi uống thuốc phóng xạ iốt 131. Tôi xin hỏi bác sĩ một số câu hỏi sau:

1. Uống thuốc iốt phóng xạ lúc nào thì tốt nhất (tôi chưa uống vì đang chờ cho khỏe hơn).

2. Kết quả mổ giáp của tôi như vậy theo bác sĩ có tốt không, tôi có khả năng khỏi bệnh hoàn toàn không (theo tôi được biết, ung thư giáp có khă năng khỏi bệnh được) có đúng vậy không?

3. Sau khi mổ tôi hiện giờ không nói rõ được (chỉ nói bằng hơi gió, nếu cố gắng thì chỉ nói được hai từ nhưng rất khó, mệt và tiếng nghe được còn rất yếu). Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân tại sao và khi nào tôi có thể nói bình thường trở lại, có phải uống thuốc hay làm gì không?

4. Tôi hiện còn trẻ, muốn sinh con có được không (trong khi vẫn uống thuốc bổ sung hormon tuyến giáp)?

Nguyen Tran Thanh An

- Trả lời của phòng mạch online:

Trước hết, tôi xin giải thích đôi chút về chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp. Cách đơn giản để phát hiện bệnh là dùng kim nhỏ chọc vào bướu, hút ra một ít tế bào để quan sát (dưới kính hiển vi). Cách làm này phát hiện được hầu hết các trường hợp ác tính của tuyến giáp.

Đôi khi kết quả trả lời là không thấy tế bào ác tính, đó là do khi chọc hút không đúng vào vị trí bướu và lấy nhầm vào mô tuyến giáp bình thường kế bên. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nên thực hiện chọc hút lại lần hai hay lần ba.

Chẩn đoán chính xác nhất là dựa trên kết quả sau khi mổ. Trong trường hợp của bạn, kết quả sau mổ xác định là có tế bào ác tính. Một mẫu kết quả nữa là âm tính - đây là mẫu lấy từ hạch vùng cổ. Như vậy, có thể kết luận trường hợp của bạn là bệnh lý ung thư tuyến giáp và chưa có di căn hạch.

Điều trị ung thư tuyến giáp gồm 2 biện pháp chính là phẫu thuật cắt tuyến giáp và dùng iốt phóng xạ I-131. Sau khi mổ cắt toàn bộ tuyến giáp 2-4 tuần, người bệnh cần đến cơ sở điều trị phóng xạ để đánh giá lại kết quả sau mổ và chuẩn bị cho đợt điều trị. Trong thời gian này, cần hạn chế ăn muối iốt (tốt nhất là không ăn muối iốt và những thực phẩm có nhiều iốt như rau câu, hải sản biển).

Đa số trường hợp ung thư tuyến giáp có kết quả tốt, có thể xem như khỏi hoàn toàn. Bệnh của bạn chưa có di căn hạch. Bạn cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra sau mổ để chắc chắn các tế bào ung thư đã được mổ lấy hết. Trong trường hợp tế bào ung thư còn sót lại thì biện pháp iốt phóng xạ sẽ giúp tiêu diệt chúng. Những kết quả hiện nay cho thấy bệnh của bạn đang được điều trị đúng hướng. Việc điều trị iốt phóng xạ nhiều hay ít tùy thuộc tình trạng bệnh, vào các kết quả xét nghiệm đánh giá, do vậy bạn nên đi tái khám đúng hẹn để có điều trị kịp thời.

Phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ có thể có (nhiều) biến chứng. Một trong các biến chứng là tổn thương dây thần kinh thanh quản (điều khiển giọng nói). Trong trường hợp của bạn, giọng nói yếu và nhỏ sau mổ có thể là do biến chứng này cộng với sẹo mổ làm thay đổi cấu trúc vùng cổ. Để khắc phục, bạn cần tập luyện những động tác liên quan đến cơ vùng đầu cổ và cơ hô hấp. Tùy từng trường hợp, các biểu hiện trên có thể phục hồi hoàn toàn hoặc vẫn còn mức độ nào đó.

Sau khi mổ cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần phải uống hormon giáp thay thế (levothyroxin) mỗi ngày. Việc uống thuốc này không ảnh hưởng đến thai. Nếu là phụ nữ (tôi không biết bạn là nam hay nữ), khi có thai cần chú ý tái khám để điều chỉnh liều thuốc uống cho đúng bởi bào thai làm nhu cầu hormon giáp tăng lên và việc bổ sung hormon giáp đầy đủ rất quan trọng tới sự phát triển thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Một điểm cần lưu ý là không nên có thai trong thời gian điều trị bằng iốt phóng xạ. Tốt nhất là 6 tháng sau khi uống I-131 mới nên có thai.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Ths, BS TRẦN THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên