06/09/2017 10:02 GMT+7

Giới công nghệ cao ở Mỹ nổi nóng với ông Trump

TRẦN PHƯƠNG - TÚ ANH
TRẦN PHƯƠNG - TÚ ANH

TTO - Việc tổng thống Donald Trump quyết định hủy bỏ chương trình DACA dành cho người nhập cư trẻ tuổi khiến giới công nghệ Mỹ nổi nóng vì mất nhân lực.

Giới công nghệ cao ở Mỹ nổi nóng với ông Trump - Ảnh 1.

Những thanh niên được bảo vệ dưới chương trình DACA tại Los Angeles lo lắng khi nghe quyết định của ông Trump ngày 5-9 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết: "Chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA, có hiệu lực dưới thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đã bị hủy bỏ".

Theo chính quyền tổng thống Trump, chương trình này DACA là vi hiến và đã khiến việc làm của hàng trăm ngàn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp.

"Tôi không muốn trừng phạt những đứa trẻ, nay hầu hết đã trưởng thành, vì hành động của cha mẹ họ. Nhưng chúng ta phải xác nhận rằng chúng ta là một đất nước của cơ hội bởi vì chúng ta là một quốc gia có luật pháp" - ông Trump bảo vệ quyết định của mình, cho rằng chính quyền người tiền nhiệm đã qua mặt Quốc hội khi thiết lập chương trình này.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của tổng thống Obama nhằm bảo vệ gần 800.000 thanh niên nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.

Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ. 

Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu. Cơ quan di trú và công dân sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không.

Quyết định của chính quyền Trump đã vấp phải phản ứng của nhiều chính trị gia Cộng hòa lẫn Dân Chủ. Reuters đưa tin hàng trăm người đã biểu tình trước Nhà Trắng hôm 5-9, giờ địa phương, để phản đối.

"Quyết định chấm dứt DACA của tổng thống Trump là hành động vô cùng đáng xấu hổ của sự hèn hạ chính trị và công kích đáng khinh đối với những người trẻ vô tội trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ" - nữ nghị sĩ Nancy Pelosi - lãnh đạo nhóm Dân chủ tại Hạ Viện Mỹ, chỉ trích.

Thượng nghị sĩ gạo cội của đảng Cộng hòa John McCain cho rằng động thái của ông Trump là "cách tiếp cận sai lầm đối với chính sách nhập cư" của Mỹ.

Giới công nghệ cao ở Mỹ nổi nóng với ông Trump - Ảnh 2.

Biểu tình vào ngày 5-9 ở San Francisco, bang California - thủ phủ công nghệ cao của Mỹ, với biển hiệu kêu gọi "xây dựng giấc mơ chứ đừng lập bức tường ngăn" - Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng người nhập cư góp phần quan trọng vào nền kinh tế và chấm dứt chương trình DACA sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế.

Thực tế những người nhập cư trẻ đang là nguồn nhân lực mạnh cho các công ty công nghệ cao ở Mỹ do tính chăm chỉ và thường cũng là những người giỏi.

Một phát ngôn nhân của tập đoàn Google trả lời với hãng tin AFP: "Chúng tôi thấy thất vọng và chúng tôi yêu cầu Quốc hội phải hành động nhanh chóng để có được giải pháp phù hợp về luật".

Tổng giám đốc của tập đoàn Apple lừng danh cũng đã viết trong một mail gửi toàn bộ nhân viên của tập đoàn: "Tôi thấy buồn lòng sâu sắc với ý nghĩ về việc 800.000 người Mỹ, trong đó có hơn 250 đồng nghiệp ở Apple, có thể sớm bị đẩy đuổi khỏi đất nước mà họ chưa từng bao giờ không xem là đất nước của mình".

Trong tập đoàn Microsoft cũng có  39 trường hợp có thể bị trục xuất khi DACA chấm dứt. 

Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này cũng tuyên bố thấy "thất vọng" với quyết định của chính quyền mà tập đoàn cho là "một sự thụt lùi to lớn đối với toàn nước Mỹ".

Trong một văn bản công bố trên trang blog chính thức của mình, Microsoft viết: "Hợp pháp hóa cho chương trình DACA vừa là yêu cầu thiết yếu cho kinh tế vừa là chuyện cần làm về nhân đạo". 

Anh Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook, cũng lên tiếng nhấn mạnh rằng "đây là một ngày buồn của đất nước chúng ta". 

Mark viết trên mạng xã hội hơn tỉ người dùng rằng quyết định của chính quyền Trump "không chỉ tệ hại mà còn độc ác" và anh kêu gọi Quốc hội Mỹ phải hành động nhanh.

Giới công nghệ cao ở Mỹ nổi nóng với ông Trump - Ảnh 3.

Người biểu tình phản đối việc hủy bỏ DACA trước Nhà Trắng ngày 5-9 - Ảnh: REUTERS

Phần lớn những người nhập cư đến Mỹ từ khi còn là trẻ nhỏ từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh khác. Theo thống kê, hơn 200.000 người đang sinh sống ở bang California, trong khi tại bang Texas có 100.000 người. Các bang New York, Illinois và Florida cũng có số lượng lớn người nhập cư trái phép theo hình thức này.

Ông Trump đã đưa việc trục xuất người nhập cư trái phép làm trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và đã đẩy mạnh những vụ trục xuất kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay.

TRẦN PHƯƠNG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên