07/08/2016 16:01 GMT+7

Giết vợ - dứt tình thông gia

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Phiên tòa lưu động không phân chia lối đi nhưng hai bên gia đình bị cáo - bị hại từng là thông gia của nhau tự định ra cho mình một chỗ ngồi cách biệt với nhà bên kia.

Suốt phiên tòa họ không ngừng trao cho nhau những ánh nhìn oán hận.

Ông B. vừa vấn vòng khăn tang lên đầu hai đứa cháu ngoại vừa kéo xềnh xệch chúng ra trước mặt bị cáo, giận dữ lớn tiếng: “Mày nhìn đi, nhìn hai đứa con mày đi. Mày giết con tao, giết mẹ của hai đứa nó...”.

Bị cáo Sơn nhìn con rơm rớm nước mắt. Ông B. tiếp tục đẩy hai đứa cháu ngoại về phía người cha của chúng đang ngồi trước vành móng ngựa thì bị cảnh sát tư pháp ngăn lại. Nén cơn tức giận đang bừng bừng trong lồng ngực, ông quay về chỗ ngồi.

Tan nát gia đình

“Gia đình bị hại đòi bồi thường 159 triệu đồng và tiền cấp dưỡng nuôi hai cháu nhỏ mỗi tháng 3 triệu đồng/cháu cho đến khi đủ 18 tuổi, bị cáo có đồng ý không?” - chủ tọa phiên tòa hỏi sau khi đã thẩm vấn hành vi phạm tội của bị cáo.

Sơn ấp úng: “Bị cáo không có tiền... Chỉ có đôi bò cha mẹ vợ cho ngày cưới...”.

Sơn là con trai cả trong gia đình làm nông nghèo ở Phú Yên. Cha mẹ chia tay nhau từ khi Sơn và em gái còn rất nhỏ. Cha thường đi làm xa nên hai anh em Sơn phải tự bươn chải, làm thuê làm mướn nuôi nhau qua ngày.

Cách đây năm năm, Sơn lấy Thủy. Nhà cha mẹ vợ cũng chẳng khá hơn. Lấy nhau, Sơn dọn về sống hẳn với gia đình nhà vợ.

Ngày cưới, cha mẹ vợ cho vợ chồng Sơn đôi bò để làm ăn. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời. Vợ chồng Sơn phải vất vả chạy cơm từng bữa.

Loay hoay mãi không tìm ra lối thoát, Sơn đành rời quê vào Sài Gòn bán vé số kiếm tiền trang trải cho mấy mẹ con.

Đến tháng 9-2015, Thủy để con lại cho ông bà ngoại chăm sóc rồi vào Sài Gòn bán vé số cùng chồng. Thế nhưng, vợ chồng đoàn tụ chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện.

Rạng sáng 12-10-2015, Sơn đi nhậu về phòng trọ thì thấy Thủy đang nằm ngủ dưới sàn nhà. Sơn liền đến ôm vợ nhưng bị vợ gạt tay ra. Sơn tiếp tục ôm thì chị Thủy nói đã có người khác.

Bực tức, Sơn xuống bếp lấy một con dao nhọn đi đến chỗ Thủy nằm, hỏi: “Nếu bây giờ em không sống chung với anh nữa, anh đâm em chết được không?”.

Nghe Thủy trả lời “ông muốn làm gì thì làm”, câu hỏi trên được Sơn lặp lại một lần nữa. Thủy vẫn trả lời như cũ.

Cho rằng Thủy “thay lòng đổi dạ”, Sơn liền cầm dao đâm thẳng xuống bụng vợ. Thủy la lên, Sơn hoảng sợ rút dao ra. Thủy được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đến chiều cùng ngày thì tử vong. Gây án xong, Sơn đến công an đầu thú.

Không thể tha thứ

Vị luật sư bào chữa cho bị cáo hỏi đại diện người bị hại có muốn xin giảm nhẹ hình phạt cho Sơn hay không, vì dẫu sao Sơn cũng là con cái trong nhà, hơn nữa nếu Sơn được trở về sớm thì các cháu còn có nơi nương tựa.

Không cần suy nghĩ, cha mẹ vợ Sơn vẫn một mực yêu cầu tòa xử con rể “đúng người đúng tội”.

Được nói lời sau cùng, Sơn sụt sùi quay xuống phía dưới cầu xin cha mẹ vợ tha thứ cho hành động nông nổi của mình. Nhưng thái độ ăn năn của Sơn không làm cho ông bà B. nguôi giận. “Con gái tui ngoan biết bao nhiêu, tui không thể nào tha thứ cho nó..., tòa cứ xử nó thật nặng” - bà B. nói.

Hai gia đình thông gia ở cách nhau vài cây số. Một năm trước họ vẫn còn là người một nhà nếu như không có chuyện đáng tiếc ấy xảy ra. 30 phút nghị án trở nên nặng nề hơn bao giờ hết vì những ai oán, giận hờn, trách móc từ những người trong cuộc cứ thế tuôn ra.

Ông bà B. tố: “Con tôi ngoan ngoãn, đẹp gái, tôi thấy nhà Sơn nghèo lắm nhưng nghĩ nghèo thì nghèo miễn nó thương con mình, về nhà mình nó theo cái nề nếp nhà mình là được. Vậy mà nó không theo. Làm gì có chuyện trai gái, con tôi suốt ngày bồng con đi bán vé số...”.

Em gái bị cáo lên tiếng: “Ổng (bị cáo) xưa hiền chứ đâu phải người hung dữ, lớn rồi nhưng đi đâu vẫn dạ thưa, làm có bao nhiêu tiền đưa về cho vợ hết. Tôi không muốn hai đứa nhỏ mồ côi giống ổng, muốn xin cho ổng về sớm để nuôi con chứ bà nội bà ngoại cũng già rồi, làm gì nuôi con nuôi cháu được”.

Nghe vậy, vợ chồng ông B. đáp trả: “Thằng đấy nó có nuôi con được ngày nào đâu. Nó không chịu làm, toàn ăn chơi nhậu nhẹt đổ nợ ra miết, vợ nó còn phải đi trả nợ ấy. Đưa con cho nó nuôi làm sao được”.

Phía gia đình bị cáo “phản pháo”: “Từ hồi ổng lấy bả, chẳng thấy bả nhúng tay đến việc gì, ăn rồi ở nhà ổng nuôi hết. Ổng đi làm xa vừa gửi tiền về bữa trước bữa sau lại kêu hết tiền, mới phải đi bán vé số”. Nói đến đây, cô gái ném một cái nguýt thật dài về phía gia đình thông gia.

Cứ thế, những tội lỗi từ đẩu từ đâu được họ lôi ra để “đấu tố” nhau, chẳng ai nghe ai nói. Chỉ đến khi tòa yêu cầu trật tự để tuyên án, “cuộc chiến” giữa hai bên thông gia mới tạm dừng.

Tòa tuyên Sơn án chung thân, buộc bị cáo bồi thường cho đại diện người bị hại 159 triệu đồng và cấp dưỡng cho hai con nhỏ mỗi tháng 1 triệu đồng.

“Mức án chung thân, nếu bị cáo cải tạo tốt vẫn có cơ hội trở về chăm sóc, bù đắp cho các con, vừa có thời gian để suy ngẫm lại tội lỗi của mình” - vị kiểm sát viên phân tích.

Sơn gật đầu, lau khô giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Có lẽ, đối với anh ta lúc này, nỗi ân hận còn day dứt hơn nhiều so với mức án tù mà anh ta phải nhận lãnh.

Trong phần thẩm vấn tại tòa, Sơn thú nhận: “Bị cáo rất thương vợ nhưng từ khi vào Sài Gòn vợ xa dần bị cáo, không cho bị cáo lại gần nên nảy sinh nghi ngờ”.

Vị kiểm sát viên nghiêm giọng: “Bị cáo nói yêu vợ nhưng khi vợ hờn dỗi, nói bâng quơ mà xuống tay với người đầu ấp tay gối với mình, như vậy có phải là yêu không? Chỉ vì hành động của bị cáo mà vợ chết, bị cáo đi tù, con mất mẹ, tan nát cả gia đình...”.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên