19/12/2015 06:00 GMT+7

Giết người vì muốn làm anh hùng cứu mỹ nhân

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - Từ vụ sát nhân Trần Văn Điểm khai mình giết người vì muốn giống “anh hùng cứu mỹ nhân” trong các trò chơi điện tử, câu hỏi được nhiều người đặt ra là còn bao nhiêu game thủ ngoài kia có ảo giác tương tự?

“Lò” game 169 trên đường Nguyễn Thái Sơn không còn một chỗ trống lúc 4g sáng -  Ảnh: Thuận Thắng

Tuy đã có quyết định của tòa án cho rằng Điểm giết người để cướp tài sản, không phải do ảo giác, vẫn tồn tại một thực tế rằng ảo giác khi nghiện game có thể dẫn con người đến những cách hành xử mất nhân tính.

Lo sợ điều này, nhiều người cho rằng con đường từ game thủ dẫn đến sát thủ hiện nay quá ngắn. Vấn đề nhức nhối này đã được đem ra mổ xẻ rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

“Lúc nào vào phòng con tôi cũng thấy cháu ngồi chơi trò chơi điện tử mà chẳng thấy làm việc gì khác. Học hành trong lớp thì trung bình. Nhiều lúc trò chuyện thấy cháu rất thờ ơ, đôi khi còn gắt gỏng. Chuyện gì cháu cũng chỉ làm qua loa cho xong để còn chơi tiếp. Hơn nữa lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi, nhờ việc gì cũng không làm, không thấy ra ngoài đi chơi với bạn bè gì hết” - chị Hoàng Diệp Anh (Q.4, TP.HCM) lo lắng chia sẻ về tình trạng nghiện game của con trai mình.

Những lời phiền muộn từ các bậc phụ huynh về con cái đang nghiện game không phải là hiếm. Một phụ huynh học sinh lớp 8 (Q.Bình Tân, TP.HCM) còn kể chuyện con chị vì bị gia đình cấm chơi điện tử mà bỏ nhà đi mấy ngày.

Rã rời về thể xác, tàn phá về thần kinh

Theo ThS.BS Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ), các trò chơi điện tử khiến người nghiện ngồi suốt một chỗ, ăn kém, ngủ kém, không có mối quan hệ với xã hội thực. Từ đó người nghiện có thể mất đi sức khỏe, chai lì về tâm lý, dẫn đến trầm cảm, mệt mỏi, ám ảnh, hoang tưởng, kích động…

Bi kịch của việc nghiện game là người nghiện phải ngày càng chơi nhiều để đạt được kích thích cũ. Hôm nay chơi một tiếng đồng hồ nhưng hôm sau phải chơi hai tiếng, năm tiếng. Một trò là không đủ, phải chơi thêm nhiều trò khác để liên tục tạo kích động gây hưng phấn. Nếu không được chơi sẽ có những hành vi tiêu cực như “đi bụi” gây áp lực với gia đình, ăn trộm ăn cướp để có tiền chơi game…

Một tác động khác của game đó là khiến người nghiện bị ám ảnh bởi những hình ảnh ảo, dẫn đến việc tìm kiếm những cảm giác như vậy ngay trong đời thực. Họ có thể sử dụng mọi cách để làm cho đời thực giống như trong game bất chấp mọi thứ.

BS Nguyễn Văn Ca - phó chủ nhiệm bộ môn tâm thần kinh Bệnh viện 175 - cho rằng người trẻ nghiện game thường có tâm lý muốn khẳng định cái “tôi” của mình và sẽ làm tất cả để chứng minh mình có thể làm được như các nhân vật trong game, ngay cả những việc phạm pháp.

“Người nghiện game được rèn luyện cách phản ứng rất nhanh. Họ không kịp suy xét về lý trí và tình cảm trong mỗi hành động của mình mà chỉ làm theo bản năng, xử lý ngay khi gặp tình huống. Những mối quan hệ giữa người với người vì vậy bỗng hóa thành vô tri vô giác giống như những nhân vật trong thế giới ảo” - BS Nguyễn Văn Ca phân tích.

Tại sao game còn tồn tại?

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cho rằng vẫn có những game kết hợp với giáo dục luyện cho người chơi óc sáng tạo và cung cấp kiến thức về khoa học.

“Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, những trò chơi như vậy còn quá hiếm. Hầu hết các loại game được tung ra trên thị trường đều có chủ đề mang tính phản giáo dục, kích thích sự tò mò tiêu cực của con người về tình dục hay bạo lực. Vấn đề là do quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội còn quá lỏng lẻo. Cửa hàng trò chơi điện tử tràn lan ở khắp mọi nơi, game không bị kiểm soát về nội dung, game thủ không bị kiểm soát về thời lượng chơi. Hiện tượng học sinh trốn học đi chơi game còn phổ biến” - GS Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.

ThS.BS Nguyễn Lan Hải cho rằng vấn đề cốt lõi là phải biết tiết chế thời gian chơi trò chơi điện tử, bởi vì nó không phải là không có lợi. Nếu chơi ở một chừng mực nhất định thì nó không chỉ giúp người chơi giải trí mà còn huấn luyện sự nhạy bén của trí não và các giác quan, giúp cho người chơi linh hoạt, nhạy bén hơn, biết cách xử lý tình huống nhanh và hiệu quả.

“Quan điểm của tôi là không phê phán chuyện game, nhưng cái gì cũng phải có chừng mực. Nó cũng giống như việc sử dụng vitamin, chất bổ nhưng nếu người sử dụng lạm dụng thì vẫn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe” - ThS.BS Nguyễn Lan Hải nói.

Theo BS Nguyễn Văn Ca, chỉ nên chơi game một ngày khoảng 30 phút. Người chơi game cũng phải tuân thủ các khuyến cáo về thời gian, loại hình game phù hợp với độ tuổi và sức khỏe thần kinh của bản thân.

So với ma túy, trò chơi điện tử là tự bản thân người nghiện tự gây nghiện cho mình chứ không phải nhờ vào tác dụng hóa học của một chất kích thích. Vì vậy, việc cai nghiện game dễ hơn nhiều so với việc cai nghiện chất kích thích. Các game thủ không nên viện cớ khó mà không cai nghiện.

Còn theo một người am hiểu về lĩnh vực giáo dục con người, để đánh lạc hướng những con nghiện khỏi những trò chơi điện tử, cần cổ vũ họ có những thú vui khác liên quan đến vận động cơ thể như chơi thể thao, đặc biệt là tiếp xúc nhiều với thiên nhiên.

Game thủ lên tiếng

Sinh viên Đỗ Lữ Khang (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết trong những ngày rảnh bạn đều chơi game từ 1-2 tiếng để giải trí, khi bận thì không chơi.

“Người nghiện game thực ra khá nhiều. Ra tiệm net thấy một hình ảnh quen thuộc là người ta ăn ngủ tại đó luôn chỉ để chơi game. Những người này khá thảm hại. Họ không còn quan tâm đến cuộc sống đời thực nữa, chỉ quan tâm đến những gì diễn ra trong game. Mình chơi chỉ để giải trí nên khi nhìn những con nghiện này thì thấy rất sợ và thương hại” - Khang cho biết.

Từng nghiện game online, bạn Trần Trọng Nhân, sinh viên Trường ĐH Tân Tạo, chia sẻ ngày nào bạn cũng chơi từ 3-6 tiếng, sau mỗi lần chơi đều thấy đầu óc rất căng thẳng, không muốn đứng dậy bởi vì rất mệt mỏi, tay rã rời chỉ muốn đi ngủ, không còn làm được việc gì khác. Vậy nên bạn cố gắng “cai nghiện”, bây giờ chỉ chơi tối đa 1 tiếng vào cuối tuần.

“Lời khuyên của mình dành cho những bạn còn đang nghiện game là nên tự tạo ràng buộc cho bản thân, tìm những thú vui khác như tập thể dục, làm công tác xã hội, rủ bạn bè đi chơi… Nên ra khỏi nhà càng nhiều càng tốt, rời máy tính ra, không nghĩ tới nó nữa thì không nghiện nữa” - Nhân chia sẻ. 

Nghiện game và vấn đề tình dục

ThS.BS Nguyễn Lan Hải cho rằng các game tình dục tác động rất mạnh mẽ vào cảm giác của người chơi, kích thích người chơi giải tỏa ngay tại chỗ bằng cách thủ dâm. “Nặng đô” hơn, người nghiện có thể tìm kiếm khoái cảm ở cộng đồng, thí dụ trên xe buýt, trong lớp học, nơi đông người, thích sờ soạng, có tiền thì đi mua dâm, thậm chí khi thú tính dâng cao còn có thể hiếp dâm người khác.

Mặt khác, việc nghiện các loại game khác cũng có thể ảnh hưởng đến tư duy tình dục. Sự hưng phấn do nghiện game mang lại sẽ che khuất đi nhu cầu về tình dục. Đến khi không còn được chơi game nữa thì nhu cầu này trỗi dậy mạnh mẽ và dễ khiến người ta có những hành vi không đúng mực, thậm chí trái pháp luật.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> ThS.BS Nguyễn Lan Hải 

>> BS Nguyễn Văn Ca 

>> GS Nguyễn Võ Kỳ Anh 

>> Bạn Đỗ Lữ Khang 

>> Bạn Trần Trọng Nhân 

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục