Phóng to |
Đạo diễn Rithi Panh |
Nếu có ai hồ nghi sức quyến rũ, lôi cuốn của phim tài liệu thì với S 21- cỗ máy giết người của Khơme đỏ cách đây ba năm (*) và Giấy không gói được than cháy dở hôm nay, Rithi Panh đã cho thấy phim tài liệu hoàn toàn có thể làm nên những cơn sóng lớn trong rạp, trên báo chí, trong tâm tưởng con người...
Tham dự nhiều LHP quốc tế, Giấy không gói được than cháy dở là cái nhìn chăm chú về một nhóm gái mại dâm Campuchia, sống sầu thảm lay lắt ngay giữa thủ đô Phnom Penh. Họ là ai? Là những đứa trẻ sinh ra thời diệt chủng, lớn lên trong côi cút, trôi giạt... Và để có cái ăn, các bà mẹ hay chị đã phải bán con, em gái trinh trắng của mình cho những mụ tú bà, với câu an ủi: Với Khơme đỏ còn thảm tệ hơn.
Giống như phải đeo đẳng suốt ba năm trong S-21 mới có được hình ảnh, tâm tư của các cựu đao phủ, Rithi Panh đã phải thuê phòng, ở cùng chung cư với các cô gái suốt 18 tháng để quay bộ phim này. Hơn một năm gần gũi, chia sẻ, Rithi Panh và chiếc máy quay trìu mến, thân thiện của anh đã bầu bạn được với Srey, Mab, Môm, Aun, Thida - năm cô gái điếm tuổi 19-22. Để họ kể ta nghe cuộc sống của họ.
Giống như người ta từng nghĩ sẽ thấy xác chết, đầu lâu trong S-21 nhưng không có, trong Giấy không gói được than cháy dở người ta cũng không thấy lụa là son phấn hay những cuộc mua bán thân xác nhớp nhúa như phải thấy trong các phim về mại dâm. Cũng không khai thác đề tài trên góc độ xã hội, với Giấy không gói được than cháy dở, Rithi Panh muốn trò chuyện với những con người bất hạnh, hay đúng hơn để những con người bất hạnh tâm sự với chúng ta. Và như vậy, thay vì vũ trường, bar rượu hay những điểm vui chơi trác táng, đạo diễn đã đưa ta đến nơi trú ngụ của các cô gái.
Phóng to |
Thida - một trong năm nhân vật |
Mọi sự đều bình thường, cho đến khi họ thốt ra nỗi đoạn trường của họ, trong nước mắt, cay đắng, tuyệt vọng... Người xem sẽ ngạc nhiên khi thấy các cô gái - chắc chắn học vấn không cao - đã sử dụng rất nhiều thành ngữ hay ho, chí lý. Ví dụ: “Đưa máu cho cọp” để diễn tả bị đánh đập, “Gà không bao giờ nằm dưới trứng” để giải thích sự hiếp đáp đương nhiên của chủ... Và Giấy không gói được than cháy dở để nói lên số phận tan nát không thể nào cứu vãn. “Tôi không muốn bình luận, giải thích. Hãy để khán giả tin vào những gì họ nghe thấy” - nhường lời tuyệt đối cho nhân vật, Rithi Panh đã ký thác sức rung cảm cho hình ảnh.
Người viết tin rằng khán giả sẽ còn vương vấn rất lâu hình ảnh những cô gái, dù bị cuộc sống vùi dập quắt queo, già cỗi nhưng sâu thẳm bản chất họ vẫn là những đứa trẻ: vẫn chơi búp bê, vẫn đùa cợt, mau nước mắt...
Mỗi cô đều có quyển sổ để ghi chép hoặc vẽ nhăng nhít. Khán giả hẳn bần thần rất lâu cảnh Thida vừa nhẩm tính vừa khoanh khoanh trên giấy những con số: “Mỗi lần đi khách 10 đô. Sáu năm làm việc, chúng tôi đã mang đến cho chủ hai vạn đô, trong khi chúng tôi chỉ đủ tiền để gửi về quê cho gia đình mua gạo, ăn uống, phá thai và mua thuốc nếu bị SIDA”.
Thida nói thản nhiên, nhưng người xem khó thản nhiên: trong những con số họ thấy nước mắt. Không chỉ mất tiền cho tú bà, chủ chứa, ma cô và cảnh sát, các cô gái của chúng ta còn mất quyền bình đẳng khi luôn bị khách đánh đập, đối xử như những con thú. “Chúng tôi nằm trên giường giống như những miếng thịt trên bàn người bán thịt. Không phụ nữ nào muốn bán thân xác của mình; khi họ làm điều đó thì họ coi như đã chết” - Srey thủ thỉ với một bên mắt bầm tím.
Bần cùng, mệt mỏi, các cô gái của chúng ta, ngoài giờ đi khách - mà đạo diễn cố ý không cho thấy trên màn ảnh - hầu như chỉ nói chuyện, ăn uống rồi... ngủ. Aun chua chát: “Ăn để sống, ngủ để quên!”. Tự xem mình như nước ao tù, tất cả họ đều muốn chết để không tiếp tục làm con tin của sự nghèo đói, ma túy, khinh miệt... Họ đâu chỉ là năm cô gái ta nhìn thấy. Theo thống kê, Campuchia hiện có hơn ba vạn phụ nữ mại dâm. Sau chiến tranh diệt chủng, phân nửa dân tộc Campuchia hiện nay là người trẻ. Mà những người trẻ thì đang phải sống chập choạng, hoang mang mọi giá trị đạo đức.
Giới bình luận quốc tế cho rằng nếu về chính trị, thông qua những cô gái điếm, Rithi Panh muốn đặt câu hỏi cho chính phủ nước ông về sự tiêu hủy nhân tính và kinh tế sau chiến tranh, thì về con người, Rithi Panh đã không quay phim những cô gái điếm: ông quay những phụ nữ mà ông muốn mang trả họ phẩm giá. Cái phẩm giá đó được Rithi Panh tìm gợi trong khắp phim, trong những bữa cơm ấm cúng, trong những tấm ápphich minh tinh, tài tử treo ngập vách, trong tương ái, trong tiếng cười thi thoảng... Tất cả như là mảnh vụn của giấc mơ.
Giấy không gói được than cháy dở, kết phim vẫn là dấu chấm hỏi, nhưng Rithi Panh không che giấu cái nhìn lạc quan: những cô gái của ông đã nói cho xã hội cùng nghe thấy. “Ta không thể thay đổi thế giới bằng những bộ phim, nhưng bằng những bộ phim, ta có thể khiến con người xem lại cái xấu, suy nghĩ lại chỗ đứng trong cộng đồng người”.
Tinh tế mà chân xác, mềm mỏng nhưng hiệu nghiệm, Rithi Panh luôn biết làm cuộc hôn phối tuyệt đẹp giữa tính điện ảnh lung linh và tính nhân chứng thô trụi. Cuộc hôn phối mới nhất của ông - Giấy không gói được than cháy dở - đã đoạt giải vàng Liên hoan FIPA (liên hoan quốc tế về chương trình nghe nhìn) 2007.
(*) đã đăng trên TTCT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận