16/06/2013 02:40 GMT+7

Giàu để giúp người nghèo

SƠN LÂM - THANH TÚ
SƠN LÂM - THANH TÚ

TT - Từ một hộ nghèo, ông Huỳnh Văn Bé (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) vươn lên trở thành tỉ phú với việc... trộn muối ớt. Thương hiệu “Muối sấy Ngọc Yến” của ông Bé tạo việc làm cho nhiều người và giúp nhiều người nghèo như ông trước đây.

uRU8km1v.jpgPhóng to
Ông Bé pha trộn muối ớt - Ảnh: Sơn Lâm

Xuất thân là một “Hai Lúa” chính hiệu nhưng ông Bé lại không có đất canh tác. “Sau ba tháng làm muối ở Tây Ninh, tui thấy nghề này có thể sống được. Nghề này cũng phù hợp với vợ con vì lúc đó đang đi làm mướn bữa đực bữa cái, nên dắt díu nhau trở về quê lập nghiệp lần thứ hai với nghề trộn muối ớt” - ông Bé kể lại.

“Có bán muối Ngọc Yến không?”

Ngày ấy muối ớt Tây Ninh vẫn là lựa chọn chính ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi ngày ông Bé trộn vài ký muối cho vào bịch nilông rồi “mượn” thương hiệu muối Tây Ninh đem bán kiếm sống qua ngày. Ba năm đầu bán muối cũng đủ ăn nên ông nảy ý định làm ăn lớn. “Nói là làm ăn lớn chứ vợ chồng trộn muối rồi chở lên Sài Gòn bán dạo với số lượng nhiều hơn bán ở quê thôi” - ông Bé nói.

Ông kể tiếp: “Nhiều bữa trời mưa ế ẩm, đánh liều gõ cửa từng nhà tiếp thị từ Q.1 qua Q.Bình Thạnh vẫn không bán được bịch nào. Đó là thời gian khó khăn nhất trong đời và cũng là thời gian tui mường tượng hai chữ thương hiệu và quyết tâm theo nghề muối”. Lấy nắm muối vừa trộn xong nếm thử xem đạt chất lượng chưa, ông Bé nói tiếp: “Muối trộn có xuất xứ từ Tây Ninh nên người dân quen gọi là muối Tây Ninh. Mình làm đúng công thức ấy cho nên vẫn phải tạm mượn thương hiệu này thời gian đầu. Để có thương hiệu riêng thì phải có công thức chế biến khác. Nghĩ vậy nên tui bỏ công nghiên cứu công thức pha chế khác, sau đó đem giới thiệu cho các chợ, quầy tạp hóa ở TP.HCM”.

Có được một số mối bỏ muối ở chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình, ông Bé quyết định về lại quê nhà Thanh Bình, Đồng Tháp trưng bảng “Cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến” tại căn nhà 30m2 cheo leo bên bờ sông. Ngày ông treo biển, những người hàng xóm không tiếc lời trêu chọc “công ty muối” của ông.

Tuy vậy, muối sấy Ngọc Yến của ông Bé ban đầu không chen nổi vào những sạp hàng ở miền Tây vốn bày bán rất nhiều muối từ Tây Ninh. Ngay cả những mối mà ông đã có ở TP.HCM cũng từ chối nhận những bao muối trộn có thương hiệu Ngọc Yến quá xa lạ dù ai cũng thừa nhận chất lượng ngon hơn. Ông Bé chợt nảy ra kế lạ: ông thuê người đi rảo các chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mộc Hóa (Long An) hỏi thăm: “Có bán muối Ngọc Yến không?”. Cách này tỏ ra hiệu quả khi các tiểu thương đi tìm hỏi mua muối trộn Ngọc Yến về bán. “Nhờ vậy mà tui mới bán được vài ký/ngày” - ông Bé cười sảng khoái nhớ lại câu chuyện kinh doanh của mình.

Giàu làm gì?

Công việc làm ăn của ông Bé ngày càng phát đạt. Cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến bắt đầu tăng sản lượng từng ngày. Năm 2001, ông Bé trộn được 40 tấn muối thì đến năm 2012 cơ sở của ông đã cho ra hơn 400 tấn muối. Từ những dụng cụ chế biến thô sơ, mỗi chảo sấy khoảng 30 phút mới cho ra được 3kg muối thành phẩm, ông Bé mày mò nghiên cứu máy trộn công suất lớn gấp mười lần với năm người trộn theo kiểu dây chuyền.

Với vốn 1 tấn muối khoảng 30 triệu đồng, ông Bé lời 3-5 triệu đồng tùy giá nguyên liệu. Tính ra ông Bé lãi trên 2 tỉ đồng/năm.

Làm ăn có dư, ông Bé lại nghĩ: “Có nhiều tiền chết cũng đâu có mang theo được. Nếu đem tiền lời đó giúp người nghèo sẽ tốt hơn”. Và cái tên “ông Bé từ thiện” cũng xuất hiện khoảng bốn năm qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Mỗi ngày theo thói quen, ông đều lướt những mục “hoàn cảnh khó khăn” trên báo tỉnh nhà và báo mạng trước khi đi một vòng xem xét xưởng muối vận hành. Ngày nào gặp một hoàn cảnh khó khăn trong khoảng cách không xa, hôm đó thời gian làm muối của ông Bé ít lại, để ông còn cưỡi xe máy đi thăm hỏi và giúp đỡ gia đình mình vừa bắt gặp. “Tuổi ngày càng cao, nếu không tranh thủ thời gian để làm gì đó cho cuộc đời này tui sợ không còn kịp” - ông Bé cười chia sẻ.

Bởi thế, tiếng tăm nhà “mạnh thường quân muối ăn” ngày càng nổi giữa vùng Đồng Tháp Mười. Mỗi năm ông dành ra hàng trăm triệu đồng làm từ thiện. Danh sách hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, các công việc ích lợi công cộng, các chương trình từ thiện giúp đỡ những hộ nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa; hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi; đóng góp quỹ vì người nghèo của các địa phương, xây dựng nhà tình thương; nâng cấp, sửa chữa cầu đường... nông thôn trong tỉnh nhà Đồng Tháp luôn có tên ông Bé đầu tiên trong danh sách.

1/5 tiền lãi giúp người bất hạnh

Ba năm trước, trong một lần dự khai giảng năm học mới, nhìn những em bé còm cõi đến trường từ các căn nhà cheo leo trên lưu vực sông Tiền, sau mỗi buổi học còn phải nhịn đói đi cắt từng cọng lục bình phơi khô kiếm tiền giúp ba mẹ, ông Bé nhớ lại thuở chân lội bùn dơ của mình. “Tối về không ngủ được chú à, mấy đứa trẻ đồng bằng này phải có sức bật để thoát khỏi cảnh khổ” - ông Bé tâm sự. Thế là ông đi vận động thêm mấy người bạn tâm huyết, lập ra “bếp ăn tình thương” nuôi cơm miễn phí cho các học sinh nghèo an tâm đến trường. Chương trình hiện tại đang được thí điểm thực hiện tại Trường THPT Trần Văn Năng, THPT Thanh Bình 1 (tỉnh Đồng Tháp), giúp đỡ hàng trăm học sinh không còn cảnh thiếu cơm học chữ. Hiện ông Bé đang lên kế hoạch để tiếp tục mở rộng chương trình này. Tính ra, khoảng một phần năm tiền lời từ muối hằng ngày của cơ sở Ngọc Yến đã được đầu tư tích cực cho những cảnh đời bất hạnh giữa đồng bằng.

SƠN LÂM - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên