18/03/2015 19:29 GMT+7

Giật mình với những đồng diều

GIA MINH - NGỌC KHẢI - HẢI HIẾU
GIA MINH - NGỌC KHẢI - HẢI HIẾU

TTO - Từ sự việc đau lòng bé trai bị diều khổng lồ cuốn làm em tử vong, cả cơ quan chức năng và những người trong cuộc đều thừa nhận việc quản lý thả diều còn quá lỏng lẻo.

Diều vướng dây diện trên quốc lộ 22 (H.Hóc Môn) - Ảnh Ngọc Khải

Đồng diều Hóc Môn vắng vẻ

Chiều 18-3, trở lại đồng diều Hóc Môn sau khi sự việc bé trai bị diều cuốn tử vong, số lượng người đến đây thả diều không đông như trước. Đến khoảng 17g, nơi đây vắng bóng diều khổng lồ, chỉ có hàng chục cánh diều kích thước nhỏ bay trên trời. Những điểm bán diều di động và bán nước uống cũng vắng hơn thường lệ.

Đồng diều Hóc Môn vắng vẻ chiều 18-3 - Ảnh Ngọc Khải

Anh Lập, một người bán nước giải khát tại đồng diều, cho biết số lượng người đến đồng diều đã giảm rất nhiều lần so với thời điểm trước khi xảy ra vụ tai nạn. Riêng số nước anh bán được chỉ bằng 1/10 so với mọi khi.

Trên quốc lộ 22 và đường Bà Triệu (H.Hóc Môn) có gần chục con diều cuốn vào dây diện. Dưới khu đồng diều, vô số rác như các hộp đựng thức ăn, bao nilông nằm ngổn ngang.

Thịnh, một thanh niên ngụ H.Hóc Môn, cho biết thỉnh thoảng anh vẫn ra đồng diều này uống nước và thả diều cùng nhóm bạn. Anh vẫn thường thấy những con diều bị đứt dây hoặc hai con diều thả trên cao va chạm nhau rơi xuống trúng người đi đường.

Ghi nhận tại một số nơi như phía sau Khu công nghiệp Tân Bình, gần cầu Trần Quang Cơ thuộc ấp 6 (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn), khu vực thả diều nằm trong đất dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), mọi người vẫn ra đây thả diều.

Vào mỗi buổi chiều, gần trăm người dân thường tập trung thả diều trong khu vực đất thuộc các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trải dài trên đường Trần Văn Khê (Q.2) từ cầu Thủ Thiêm đến đại lộ Mai Chí Thọ.

Tại đây, cơ quan chức năng đã đặt các biển báo “cấm tụ tập, mua bán, thả diều” dọc con đường Trần Văn Khê, những người bán diều di động cứ chiều đến là tập trung tại đây để kinh doanh. Những con diều cứ bay trên không trung, lơ lửng trên đầu người đi đường. Rất nhiều con diều bị đứt nằm vắt vẻo trên dây điện cao thế, trụ đèn đường. Người dân tại khu vực này cho biết họ từng thấy một người đi đường bị dây diều rơi xuống quấn vào cổ làm bị thương phải đưa đi cấp cứu. 

Sẽ có quy định về thả diều?

Con diều cuốn bé trai được một người dân chụp lại lúc đưa xuống - Ảnh: N.V.H.

Sau khi tai nạn xảy ra với bé Văn Minh Đạt (5 tuổi) tại đồng diều Hóc Môn, cơ quan chức năng mới giật mình về sự quản lý trong hoạt động chơi diều. Lúc này, những chỉ đạo, quy định mới bắt đầu được đưa ra, lãnh đạo huyện Hóc Môn mới nghĩ tới việc cấm diều lớn. Những người chơi diều lớn mới một lần thật sự nhìn lại việc đảm bảo an toàn.

Ông Đỗ Văn Lựu (chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Sài Gòn, nơi có con diều khổng lồ cuốn bé Đạt lên làm bé tử vong) thừa nhận từ trước đến nay câu lạc bộ có khoảng 20 thành viên nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. Khi đi dự thi chỉ có một người đại diện câu lạc bộ đi đăng ký với ban tổ chức. Câu lạc bộ đã đi biểu diễn diều ở nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM như Q.2, 8, Bình Tân… nhưng không phải đăng ký với cơ quan chức năng nào. Việc thả diều ở đâu chỉ theo kinh nghiệm của người chơi. Những bãi đất trống, không vướng dây điện, nhà cao tầng có gió là có thể thả diều. Ông Lựu cũng cảnh tỉnh cho những người chơi dây để thả diều nhỏ có thể cứa bị thương một người nếu dây rơi xuống đường lúc người đó chạy xe qua.

Bà Trần Thị Thu Hương - phó chủ tịch UBND thị trấn Hóc Môn (H.Hóc Môn, TP.HCM) - cho biết việc thả diều ở khu đồng ruộng khu phố 1, thị trấn Hóc Môn (H.Hóc Môn) diễn ra tự phát. Do nơi này tập trung đông người nên UBND thị trấn thường tiến hành công tác đảm bảo an ninh trật tự như không để phát sinh tệ nạn, không cho lấn chiếm lòng lề đường và an toàn giao thông. 

Bà Hương cũng cho biết sau tai nạn thương tâm của bé Đạt, UBND thị trấn đã tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, nhắc nhở người dân tại khu vực xảy ra vụ tai nạn.

“Trước đây công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực thả diều vẫn được đảm bảo, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên có mặt để nhắc nhở bà con đảm bảo trật tự và can thiệp khi có vấn đề về an ninh trật tự. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc xảy ra khiến chúng tôi rất khó xử. Không có quy định nào cấm người dân thả diều, vì vậy hiện nay chúng tôi chỉ tăng cường lực lượng nhắc nhở người chơi diều không nên chơi diều lớn, gây nguy hiểm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ treo biển cấm thả diều ở khu vực để đảm bảo an toàn” - bà Hương nói.

Còn theo ông Phan Đinh Trung - phó chủ tịch UBND P.An Khánh (Q.2), phường đã nhận thấy được hoạt động thả diều khu vực này gây nguy hiểm cho người dân nên đã cử lực lượng thường xuyên ra đây nhắc nhở, vận động người dân không thả diều. Đối với những người bán diều di động trên lề đường gây mất an ninh trật tự, phường cũng đã thu diều về tiêu hủy hoặc phạt hành chính. Một số người dân thả diều còn lấy lý do giải trí để phản đối quyết liệt với cơ quan chức năng làm việc.

Sau thông tin buồn về bé Đạt, phường đã thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn việc thả diều trên địa bàn hơn. Thời gian trước, khi các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa thi công, người dân thường xuyên đứng trên lề đường, thậm chí trên đường để thả diều, rất nguy hiểm. Từ khi các dự án san lấp để thi công thì người dân lùi sâu vào những nơi này để thả diều, nhưng phía trên vẫn là đường dây diện cao thế rất nguy hiểm.

“Sắp tới, phường sẽ kiến nghị với chủ đầu tư các dự án đóng trên địa bàn phường làm rào chắn để hạn chế triệt để người dân thả diều. Đồng thời phối hợp với đội quản lý đô thị, an ninh trật tự quận vận động ngăn chặn nhằm chấm dứt hoạt động thả diều tại khu vực này” - ông Trung nói.

Quản lý bị buông lỏng

Ông Huỳnh Công Bình (tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - du lịch sinh thái biển Tiếng Sóng, phó ban tổ chức Hội thi diều nghệ thuật 2014 tại TP.HCM) cho biết việc chơi diều nhìn qua tưởng đơn giản, không gây nguy hiểm gì nhưng thực tế không phải vậy. Không cần phân tích lại những nguy hiểm về việc chơi diều có thể gây ra cho lưới điện, an toàn giao thông, an toàn hàng không ở những nơi gần sân bay, mà cần nhìn vào những rủi ro từ các khía cạnh sâu xa hơn.

Người chơi diều hiện nay có rất nhiều diều lớn, diện tích rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm mét vuông, có thể mang theo nó hàng chục ký đưa lên cao hàng trăm mét. Đó là chưa kể có những con diều có thể gắn cả động cơ, có điều khiển từ xa. Nếu không được quản lý chặt chẽ, ngoài những nguy hiểm về tai nạn, ai dám khẳng định các đối tượng xấu không lợi dụng những con diều này vào những mục đích xấu khác. 

Trên thực tế có thể thấy hầu hết địa phương không quản lý chặt chẽ những câu lạc bộ diều, không quản lý, kiểm soát chặt các địa điểm thả diều, điều này cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt.

Cần tăng cường quản lý hoạt động giải trí này, nhưng cũng không nên vì vậy cấm đoán người chơi diều. Vì chơi diều là một hoạt động giải trí lành mạnh, có truyền thống lâu đời.

Nhóm chơi diều phải chịu một phần trách nhiệm

Việc bé trai bị diều cuốn gây tử vong, dưới góc độ pháp lý đơn thuần, có hai khả năng xảy ra. Khả năng đầu tiên là đánh giá người chơi diều có lỗi vô ý vì quá tự tin khi cho rằng không thể gây nguy hiểm cho người khác, không thể xảy ra hậu quả chết người qua việc chơi diều.

Một con diều lớn tới hàng chục mét vuông, cần nhiều người điều khiển, sức kéo của con diều khi gặp gió lớn có thể gây nguy hiểm cho người chơi và những người xung quanh là điều người chơi buộc phải nhận thức được.

Thực tế con diều đã gây ra hậu quả chết người, vì vậy đã đủ yếu tố xác định lỗi trong trường hợp này.

Ở khả năng thứ hai, cũng có thể nói rằng việc người chơi diều đã kiểm tra mức độ an toàn trước khi cho con diều bay lên, con diều đã bay lên an toàn, sau đó rớt xuống gần nơi bé Đạt đang chơi khiến dây diều quấn vào chân bé. Con diều tiếp tục gặp một cơn gió thổi mạnh, kéo bé Đạt lên cao, việc đó là sự cố bất khả kháng, không thể lường trước nên không có lỗi. Tuy nhiên, giả thiết này có thể đưa ra chứ khó lòng thuyết phục được.

Riêng về trách nhiệm dân sự, có thể thấy rõ nhóm chơi diều phải chịu một phần trách nhiệm trong tai nạn dẫn tới cái chết của bé Đạt. Vì dù nói có lỗi hay không, lỗi của bên nào thì hậu quả đã xảy ra, gia đình bé Đạt chịu mất mát, tổn thất lớn về con người, tinh thần, phía người chơi diều cũng phải có trách nhiệm bù đắp.

Tuy nhiên, ngay cả trường hợp này, nói về mặt pháp lý, cũng cần cân nhắc lỗi của các bên. Vì nói về lỗi của nhóm người chơi diều đã rõ, còn trách nhiệm của người thân của bé Đạt cũng có một phần

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn luật sư TP.HCM

GIA MINH - NGỌC KHẢI - HẢI HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên