25/01/2011 06:36 GMT+7

Giáo viên thu học phí rồi giữ luôn

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Bạn đọc Dương Thị Tuyết Nhung phản ảnh chị và một số học viên lớp lái xe 18 đã qua kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2 tại trung tâm đào tạo lái xe Ngọc Hà (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) nhưng không được trung tâm cấp GPLX.

Lý do là chị và nhiều học viên khác nộp học phí qua giáo viên dạy lái xe (không có biên nhận) nhưng giáo viên này không nộp lại trung tâm.

Ông Nguyễn Hữu Chí, giám đốc trung tâm đào tạo lái xe Ngọc Hà, cho biết có một số học viên nộp học phí, lệ phí qua giáo viên N.Q.T. nhưng gần một tháng nay ông T. nghỉ làm việc và chưa nộp tiền cho trung tâm. Do các học viên nộp tiền cho ông T. không có biên nhận nên trung tâm chưa xác minh được để phát GPLX cho những người thi đạt. Trung tâm đã liên lạc với ông T. và một vài ngày tới sẽ gặp ông T. để làm rõ việc này. Nếu ông T. xác nhận học viên nào đóng tiền qua ông thì trung tâm sẽ phát GPLX cho học viên đó ngay.

Chưa có tiền cho sinh viên vay

“Ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có nhiều sinh viên làm đơn vay vốn từ đầu năm học 2010-2011 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Không ít sinh viên quê ở xã này đi học xa không có tiền về quê” - một sinh viên tên Đức phản ảnh ngày 24-1.

Ông Lưu Văn Minh, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết năm 2010 theo kế hoạch, ngân hàng cho 4.980 sinh viên vay 420 tỉ đồng nhưng chỉ mới thực hiện được 342 tỉ đồng, hiện đang thiếu 78 tỉ đồng vì chưa giải ngân được. Theo ông Minh, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tìm nguồn vốn đáp ứng kế hoạch cho sinh viên vay. Có khả năng trong quý 1 năm nay ngân hàng sẽ đáp ứng được nhu cầu vay vốn của sinh viên ở huyện Lộc Hà.

Bể ống, nước xì lên mặt đường. Sáng 24-1, một bạn đọc báo tin hai ngày nay trên đường Võ Thị Sáu (gần ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3, TP.HCM) nước sạch xì lên mặt đường rất nhiều.

9y4q8BOG.jpgPhóng to
Ảnh: ĐÌNH DÂN

Có mặt tại khu vực trên sáng 24-1, chúng tôi thấy một nhóm công nhân đang đào đường để kiểm tra (ảnh) và phát hiện ống nước tại đây bị bể khiến nước chảy rất mạnh. Nhóm công nhân này đã cúp nước và thay thế ống nước mới ngay sau đó.

Nước máy yếu. “Gần một tháng nay nước máy khu vực nhà tôi rất yếu. Ban ngày nước không chảy, ban đêm nước chỉ chảy ri rỉ, hứng hơn 10 phút mới được 30 lít nước, không đủ dùng”- bạn đọc tên Vũ (ở ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM) báo tin ngày 24-1.

Ông Ngô Thanh Liêm, giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn TP.HCM (đơn vị cung cấp nước khu vực trên), cho biết một đơn vị làm đường đã gây bể đường ống cấp nước khu vực trên. Sau đó, đơn vị này khắc phục sơ sài làm cát đá lọt vào đường ống, các điểm đấu nối không kín khiến lượng nước cung cấp cho khu vực trên ít đi. Hôm nay 25-1, trung tâm súc xả, vệ sinh lại đường ống để cung cấp nước đầy đủ cho người dân.

Thu gom gà để phòng chống dịch cúm. “Lúc 10g ngày 24-1, có một nhóm nhân viên kiểm dịch và công an khu vực chạy xe máy tới đường An Dương Vương, P.16, Q.8 (TP.HCM) bắt gà của người dân mà không giải thích lý do” - bạn đọc Lâm An Quốc báo tin.

Theo ông Nguyễn Văn Du - trạm trưởng Trạm thú y Q.8, sáng 24-1 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của quận phối hợp với UBND P.16 truy quét những điểm nuôi gà nhỏ lẻ trong khu dân cư. Kế hoạch này đã triển khai từ trước và đã vận động người dân không nuôi gà để phòng chống dịch cúm gia cầm. Số gà mà đoàn thu gom chủ yếu là gà đá được nuôi nhốt dọc các tuyến đường. Trả lời về việc đoàn kiểm tra không lập biên bản và giải thích khi bắt gà của dân, ông Nguyễn Văn Đông - cán bộ P.16 - cho biết: “Khi đoàn thu gom gà nuôi nhốt trái phép, phần lớn người nuôi không xuất hiện vì sợ bị phạt. Sau khi thu gom gà về phường, đoàn sẽ lập biên bản theo diện vắng chủ và giao trạm thú y quận xử lý”.

Sẽ đề nghị bỏ thu phí qua cầu An Hóa. “Cầu An Hóa trên tỉnh lộ 883 nối liền huyện Châu Thành với huyện Bình Đại (Bến Tre) đã thu phí từ năm 1999 đến nay và thu phí cả xe gắn máy là không hợp lý. Ngoài ra, trạm thu phí cầu An Hóa cách trạm thu phí cầu Rạch Miễu (quốc lộ 60) chưa tới 10km, nên việc thu phí hai lần đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa nông thủy sản” - một bạn đọc phản ảnh.

D1by8pMt.jpgPhóng to
Ảnh: V.TR.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết việc thu phí là do HĐND tỉnh quyết định. Do đó có bỏ thu phí qua cầu An Hóa hay không do HĐND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, UBND tỉnh thấy việc duy trì thu phí cầu An Hóa sẽ không thuận lợi trong việc thu hút đầu tư vào huyện Bình Đại nên sẽ có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét bỏ thu phí qua cầu An Hóa.

Công nhân đình công đòi tiền thưởng. Sáng 24-1, nhiều bạn đọc báo tin công nhân Công ty may mặc Hoa Nguyên (trụ sở đặt tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) đình công đòi tiền thưởng.

Theo các công nhân, công ty thông báo thưởng tết hai tháng lương và trả thưởng trước tết, nhưng sau đó chỉ thưởng trước 30%, 70% còn lại trả sau tết.

Ông Nguyễn Văn Trỗi, phó Phòng lao động huyện Củ Chi, xác nhận do công ty không trả tiền thưởng đúng với thông báo nên công nhân đình công. Hiện phòng lao động đang tìm cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Đến chiều 24-1, công nhân vẫn tiếp tục đình công.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên