23/06/2018 14:50 GMT+7

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 85

NGỌC DIỆP - VĨNH HÀ
NGỌC DIỆP - VĨNH HÀ

TTO - Sau ba tuần nằm viện, giáo sư Phan Huy Lê đã qua đời chiều nay (23-6) tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 85 tuổi.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 85 - Ảnh 1.

GS Phan Huy Lê - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung, viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), bùi ngùi chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Thầy Phan Huy Lê đã qua đời vào vào 13h10 phút chiều 23-6 sau ba tuần nằm viện.

Khi thầy nhập viện, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã rất quan tâm, mời những giáo sư đầu ngành tập trung chẩn đoán, chữa trị cho thầy. Nhưng do tuổi cao sức yếu, thầy đã không qua khỏi".

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung cho biết mới đây thôi, dù tuổi cao nhưng giáo sư Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn ra Trường Sa. Ông là người cao tuổi nhất trong đoàn.

Đầu tháng 6 khi thấy sức khỏe của Giáo sư Phan Huy Lê kém, gia đình đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai khám, tại đây, ông được yêu cầu nhập viện

Tại đây các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim và được chỉ định đặt stent để thông mạch.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 85 - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho giáo sư sử học Phan Huy Lê - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực cứu chữa. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, cộng với việc trước đó giáo sư Phan Huy Lê có tiền sử huyết áp, nên giáo sư đã không qua khỏi.

"Khi đi Trường Sa về cụ vui lắm. Lúc nằm trong bệnh viện cụ vẫn nghĩ mình đang làm việc. Có lần cụ nói với con gái "bố quên tắt máy tính". Cụ vẫn muốn làm việc đến tận giây phút cuối cùng", giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung chia sẻ.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23- 2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. 

Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam nổi tiếng nhất trong giới sử học Việt Nam đương đại. Ông nguyên là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (2004-2009). 

Ông là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông đã từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng ba.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 85 - Ảnh 3.

Giáo sư Phan Huy Lê rất hy vọng nhìn thấy thành quả của bộ Quốc sử

Tôi là một học trò của GS Phan Huy Lê đã 40 năm và cũng là một trong 300 người tham gia bộ Quốc sử. Khi nhận tin thầy Phan Huy Lê ra đi, tôi đang ngồi sửa bản thảo phần tôi tham gia. Ý nghĩ về người cầm trịch công trình quan trọng này với uy tín và tâm huyết lớn đã không còn nữa làm cho tôi không còn tâm trí nào làm việc….

Tôi vẫn nhớ buổi thầy Phan Huy Lê, thầy Trần Đức Cường gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để trình bày về dự định xây dựng bộ Quốc sử - cuộc gặp mà tôi cũng có mặt. Khi Tổng bí thư nhìn thấy thầy Lê, ông đã bước nhanh đến nói "Em chào thầy". Thời Tổng bí thư là sinh viên khoa Văn thì thầy Lê là cán bộ Khoa lịch Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuộc trao đổi diễn ra nhất nhanh, Tổng bí thư đã quyết định ngay và nói "Chúng em nhờ thầy". Tôi hiểu được phải là người có trình độ, nhân cách lớn thì mới có độ tin cậy để được gửi gắm một việc hệ trọng như thế.

Ngay sau đó, thầy Phan Huy Lê triển khai công việc xây dựng bộ Quốc sử với thái độ nghiêm túc. Ban chủ nhiệm đề án tuần nào cũng họp để rà soát công việc. Thầy Lê yêu cầu rất cao, phải có bằng được tư liệu gốc chứ không được trích dẫn, kể cả việc trích dẫn lại công trình nghiên cứu trước đây của chính tác giả.

Có bốn điểm mới trong quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê cũng là yêu cầu thầy đặt ra cho bộ Quốc sử.

Thứ nhất là quan điểm toàn diện - đề cập đến tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai là tính toàn thể, có nghĩa các thành phần cấu thành nên lịch sử Việt Nam đều phải đề cập. Ví dụ như trước đây Lịch sử Việt Nam thiên về miền Bắc, né tránh phần lịch sử ông cha ta tiến vào phía Nam bắt đầu từ thế kỉ 16, ít đề cập đến lịch sử biển đảo.

Thứ ba, lịch sử VN trước đây mới chỉ là lịch sử của người Kinh chưa phải của 54 dân tộc, nên trong bộ Quốc sử mới phải bổ sung.

Thứ tư, Lịch sử VN viết trước đây nghiêng về phía chúng ta nhiều quá. Ví dụ ít đề cập đế chính quyền Bảo Đại hay Việt Nam cộng hòa. Tất cả những "khoảng trống" này sẽ phải được lấp đầy.

Tôi biết, Giáo sư Phan Huy Lê rất hy vọng nhìn thấy thành quả của bộ Quốc sử khi còn sống. Nhưng thầy đã không kịp. Dù đau buồn nhưng tôi tin những thế hệ học trò của thầy sẽ tiếp nối để đạt bằng được mong ước của thầy.

- TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng -

Lễ viếng cố Giáo sư Phan Huy Lê sẽ diễn ra vào sáng 27-6 Lễ viếng cố Giáo sư Phan Huy Lê sẽ diễn ra vào sáng 27-6

TTO - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng gia đình sẽ tổ chức Lễ viếng và truy điệu Giáo sư Phan Huy Lê vào hồi 7h30 ngày 27-6-2018.

NGỌC DIỆP - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên