Thứ 3, ngày 26 tháng 1 năm 2021
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn qua đời
TTO - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn, người được mệnh danh là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20, người cuối cùng trong tứ trụ của sử học Việt Nam, vừa từ trần vào 21h02 ngày 27-11 tại Hà Nội.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong tứ trụ của sử học Việt Nam, đã ra đi - Ảnh: Trường ĐH Quốc gia Hà Nội
Giáo sư, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn đã mất tại Bệnh viện Lão khoa, Hà Nội tối 27-11.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối - quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học, một người học trò của cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn - cũng xác nhận thông tin này. Ông cho biết vài tiếng trước ông mới nghe tin người thầy lớn của mình phải nhập viện.
Tiến sĩ Đối vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác tại Thanh Hóa, và ông nhận tin buồn về sự ra đi của "đại sư" mà ông tôn kính từ con trai của cố Giáo sư Hà Văn Tấn.
Quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học nói đây là sự mất mát rất lớn của ngành sử học, ngành khảo cổ học và ngành khoa học xã hội Việt Nam.
Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16-8-1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du) - một vùng đất, một dòng họ hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài.
Cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn từng là chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa lịch sử (1982 - 2009); viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000), cùng nhiều huy chương khác.

Giáo sư Hà Văn Tấn cùng Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu và phu nhân - Ảnh tư liệu
Nhưng cao hơn cả, ông cùng với ba giáo sư khác là Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng là 4 nhà nghiên cứu xuất sắc được giới sử học và khoa học xã hội trong nước phong là "tứ trụ" của sử học Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối còn cho biết, với sự thông tuệ ở nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, khảo cổ học, ngôn ngữ học, văn hóa học…, cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn được người trong giới phong là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20.
Giới sử học và khảo cổ học tôn vinh Giáo sư Hà Văn Tấn là Đại sư - người thầy lớn, vì thầy đều đạt đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu.
Giáo sư Hà Văn Tấn thông thạo tới 7 ngoại ngữ: tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Sanskrit (tiếng Phạn cổ).
Ông để lại hàng trăm cuốn sách, công trình khoa học, trong đó, về sử học, cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (viết chung) được đánh giá là cuốn sách rất giá trị, hấp dẫn không chỉ bởi nhiều tư liệu nước ngoài quý hiếm, mà còn ở cách viết với nhiều phân tích sáng sủa, chặt chẽ, khẳng định trình độ uyên bác, khả năng thâm hậu của Giáo sư Hà Văn Tấn.
-
TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phê duyệt chính thức phương án trụ sở làm việc một số cơ quan, đơn vị của thành phố Thủ Đức, trong đó trụ sở UBND Thủ Đức đóng ở phường Thạnh Mỹ Lợi.
-
TTO - Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân (Thông tư số 06), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23-1-2021.
-
TTO - Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiều đại biểu cho rằng nội dung của báo cáo chính trị do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày gắn liền với thực tiễn.
-
TTO - Mặc dù hình ảnh áo dài khá quen thuộc với người Việt Nam nhưng sự xuất hiện của những chàng trai với bộ áo dài đầy màu sắc và thật sự lịch lãm khiến nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi.
-
TTO - Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên ủy viên thường vụ - thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận