22/03/2005 14:25 GMT+7

Giáo sư "độc ngữ"

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Sở hữu một ngôn ngữ “độc” mà rất ít người ở Việt Nam biết, GS Vũ Văn Chuyên không muốn tiếng Latinh cũng mất sau khi mình ra đi.

rxjxdGXO.jpgPhóng to
Để lên kế hoạch cho một ngày bận rộn, tại bàn làm việc của GS Chuyên đặt sẵn một tấm bảng ghi những việc cần làm. Tấm bảng ấy luôn được xóa đi mỗi ngày để ghi thêm những công việc mới.

Ông là một trong 2 người Việt Nam có tên trong cuốn từ điển chuyên ngành cây, con làm thuốc của thế giới.

“Không thể có một nền Y học không có tiếng Latinh”

“Tôi sinh năm 1922, so với những người cùng tuổi như Huy Cận, Tố Hữu cũng là sống đã quá nhiều. Các ông ấy vào cõi vĩnh hằng vẫn để lại thơ cho đời, còn tôi, có những tâm nguyện chưa hoàn thành”.

Tâm nguyện ấy chính là dự định viết một giáo trình tiếng Latinh cho giảng viên và sinh viên các ngành Y, Dược. Bởi vì “Latinh là ngôn ngữ quốc tế của Y, Dược. Mọi thuật ngữ chuyên môn của Y, Dược, Thực vật học đều có xuất xứ từ tiếng Latinh. Không thể nghiên cứu thực vật hay đọc tên thuốc mà không biết tiếng Latinh”. GS Chuyên khẳng định thêm “Không thể có một nền Y học không có tiếng Latinh”.

Biết được sự thiết yếu ấy, nhiều năm trước, trường ĐH Dược đã từng đưa môn học này vào giảng dạy. Cuốn “Latinh - bài giảng” mà giáo sư Chuyên viết một cách đơn giản, dễ hiểu đã tái bản đến lần thứ ba (1988). Khi còn làm việc tại trường, bên cạnh việc giảng chính môn Thực vật học, ông còn kiêm luôn công việc dạy tiếng Latinh. Tất nhiên, do số tiết không nhiều nên việc giảng dạy chỉ dừng lại ở mức độ giúp sinh viên đọc được tên các loại thuốc và dược liệu.

Là người hiếm hoi còn rành tiếng Latinh, thế nên dù nhà ông rất khó tìm (ở ngoắt nghéo trong ngõ số 27, phố Nhà Chung, Hà Nội), ngày nào cũng có rất nhiều vị khách bất ngờ. Để định danh tên một số loại thức vật hiếm; có người vì cần tra tên thuốc, người phát hiện ra giống cây cỏ thực vật mới song không thể viết báo cáo bằng tiếng Latinh để quốc tế công nhận…Thậm chí, rất nhiều người được nhận bằng sáng chế hoặc thư mời quốc tế bằng tiếng Latinh cũng phải đến nhờ ông dịch.

Một vài giảng viên ở Học viện Quân y tìm đến ông một thời gian. Rồi một số sinh viên ham học hỏi ở trường ĐH Sư phạm. Phần lớn, người ta đến nhờ ông giúp đỡ hơn là có ý định học bài bản.

Ai nhờ gì ông sẵn sàng giúp, vô tư. Những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời luôn được G.S Chuyên ghi nhật ký chi tiết, tỷ mỉ vớI phong cách của một nhà khoa học song những người tìm đến để nhờ định tên thuốc hay để học chữ Latinh thì không bao giờ ông nhớ nổi.

Nhưng, dịch tài liệu hay gọi tên thuốc chỉ được việc cho một người. Nguyện ước của ông là để lại bộ giáo trình tiếng Latinh trước khi tử thần gõ cửa. "Tôi mất đi, ai sẽ dịch tiếng Latinh, ai là người viết báo cáo quốc tế cho những thảo dược mới?" Ông trăn trở.

“Tất cả đã ở trong tôi như một cuốn phim tư liệu, từng khái niệm, từng chữ… Nhưng tôi luôn quá tải, lúc nào cũng đang ngồi trên chảo lửa, không có phút rảnh rỗi để thu xếp cuộc sống riêng. Ước gì, tôi được rảnh rang 4 tháng".

Bước sang tuổi 85, có nhiều thăng trầm trong cuộc đời riêng, không thể nào lưu hết lại trong bộ nhớ song những cây thuốc nào ông đã đặt tên, những sách quý nào ông đã từng viết thì vẫn có thể kể tên thật rành mạch.

Tiếng Anh thôi cũng đủ

narRKRli.jpgPhóng to
"Đâu cần thầy Chuyên có, đâu khó thầy Chuyên làm”, dòng chữ đặt trên bàn làm việc cũng là tâm niệm của vị GS già đang chạy đua với thời gian
Tiếng Latinh là ngôn ngữ cổ của người Lamã, thứ ngôn ngữ chuyên dùng trong các ngành khoa học, là cha đẻ của rất nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Hiện nay, tiếng Latinh chưa hề được đưa vào giảng dạy ở bất kỳ trường ĐH nào trong toàn quốc.

Tại trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, các ngôn ngữ hệ Latinh (tiếng Ý, Tây Ban Nha) mới được đưa vào giảng dạy cách đây 3 năm. Tiếng Bồ Đào Nha mới mở khóa đầu tiên với 19 sinh viên.

Chị Nguyễn Thu Hà, chủ nhiệm bộ môn tiếng Tây Ban Nha cho biết, trường chỉ giảng dạy một số ngoại ngữ có tính ứng dụng.

Tiếng Latinh là ngôn ngữ chủ yếu giành cho các nhà nghiên cứu nghành Y, Dược. Chủ nhiệm một môn học thuộc hệ ngôn ngữ Latinh, song bản thân chị cũng không hiểu rõ về tình hình học tập và sử dụng thứ ngôn ngữ này. Một số giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trường Y, Dược khi trò chuyện với chúng tôi cũng có chung ý kiến ấy.

Một vài chữ Latinh thông dụng: Thuốc Morphin (thuốc ngủ) có nguồn gốc từ tên vị thần Ngủ Morphê trong thần thoại Hy Lạp; Injectio (thuốc tiêm) giải nghĩa như sau: in: vào trong; jectio: vứt đi; Aspirine (thuốc hạ sốt): Chữ "a" là một tiếp đầu ngữ, nghĩa là 'chống", spir là "lửa".

Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, hiệu phó trường ĐH Y Hà Nội cho biết: “Latinh là ngôn ngữ quốc tế của Y, Dược. Nhưng sinh viên trường Y cũng như bất kỳ sinh viên ở các trường nào khác cần phải học tiếng Anh và thêm tiếng Pháp. Hai thứ tiếng này cũng có chung nguồn gốc từ tiếng Latinh nên thiết nghĩ có thể giảm tảI được. Đừng bắt sinh viên phải nhớ quá nhiều…”.

Còn về vấn đề nếu không biết tiếng Latinh thì có thể đọc và kê nổi đơn thuốc hay không, ông Đỗ Doãn Lợi giải thích cặn kẽ: bây giờ tên thuốc đã quốc tế hóa rồi nên chỉ cần học tiếng Anh cũng đủ.

Nhưng, là một người đã từng học tiếng Latinh gần 2 năm ở Nga, lại thông thạo cả tiếng Anh-Pháp, ông Lợi cũng cho biết thêm việc hiểu tiếng Latinh thật sự rất có ích. Mỗi sinh viên Y, Dược nên tự tìm hiểu và tự học.

Người duy nhất trong số những giảng viên cũ đã từng công tác tại trường Y là ông Nguyễn Hữu Lợi cho biết: vào những năm đầu thập niên 60, tiếng Latinh đã từng được đưa vào giảng dạy, do một người là Cha Vinh đứng lớp. Sau đó, vì một lý do chính trị, Cha Vinh chuyển khỏi trường. Việc dạy tiếng Latinh không còn người kế nhiệm.

Ông Lợi rất tha thiết với ý nguyện phải khôi phục lại vị trí xứng đáng của thứ quốc tế ngữ này, đặc biệt phải biết tranh thủ từng giây, từng phút những ngày hiếm hoi của GS Chuyên: “Cần phải có một chiếc gậy cho những giảng viên tâm huyết của nghành Y, Dược. Chiếc gậy ấy chính là bộ giáo trình Latinh mà duy nhất GS Chuyên là người đủ sức viết”.

Ông cũng tỏ ra bất bình với thực trạng phần lớn các bác sĩ, dược sĩ ít có những hiểu biết chuyên sâu về những bài thuốc họ đang dùng. Ông cho biết, do sở hữu tiếng Latinh nên trước kia, khi lên lớp, SV rất hứng thú vì mỗi khi giảng bài, ông còn giúp họ hiểu rõ xuất xứ tên thuốc đã cho biết về tác dụng chính của từng loại thuốc.

Khôi phục lại chữ Latinh trong các trường Y, Dược thì ông chưa dám nghĩ đến. Nhưng ước nguyện trước mắt của ông là thu xếp được thời gian, điều kiện để giáo sư Chuyên viết xong bộ giáo trình Latinh quý giá.

“Tại sao có những người được tổ chức này, cơ quan nọ tạo đủ mọi điều kiện đi trại sáng tác, đi nhà nghỉ làm việc để rồi chỉ đi an dưỡng, chẳng đẻ ra được sản phẩm nào? Mà có những việc, dẫu trong tầm tay cũng không thu xếp nổi?”, ông Lợi bức xúc.

Đem dự định ấy ra trao đổi với những người có trách nhiệm ở các trường Y, Dược, ông chỉ nhận được sự cảm thông “Chúng tôi biết vấn đề này rất cần với sinh viên nghành Y, Dược nhưng thực tế số giờ học của sinh viên quá tải, không có cách nào thu xếp”.

Cũng có một cán bộ trường Dược (ông không biết tên) gọi điện đến cho GS Chuyên nói chung chung rằng GS đang còn thời gian, hãy viết bộ giáo trình để lại cho đời. Mọi việc rồi sẽ được trao đổi cụ thể sau…

Bức thư viết tay dài 4 trang, ông Lợi đã gửi một bản tới phòng Hành chính trường ĐH Dược vẫn đang đợi câu trả lời… “Và tôi sẽ gửi nhiều bản nữa tới các trường Y, Dược trong cả nước”.

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên