30/09/2021 19:43 GMT+7

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu qua đời ở tuổi 105

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tin từ gia đình cho biết, giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu qua đời lúc 12h37 trưa nay, 30-9, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 105 tuổi.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu qua đời ở tuổi 105 - Ảnh 1.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu là một nhà văn hóa lớn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tin được GS.TS Đặng Cảnh Khanh - trưởng nam của giáo sư Vũ Khiêu - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Ông Khanh cho biết cha mình đã yếu trong một vài năm gần đây nhưng trí óc vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Sinh ngày 19-9-1916, giáo sư Vũ Khiêu vừa bước qua tuổi 105.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho biết cha ông vừa là một nhà nghiên cứu văn hóa, vừa là một nhà Nho do gia đình có truyền thống Nho giáo nhiều đời. Cụ Vũ Khiêu được nhiều người "phong" là nhà Nho cuối cùng của Việt Nam. Ông viết nhiều câu đối chính ở các đền thờ Việt Nam, từ đền thờ Phù Đổng Thiên Vương (cố đô Hoa Lư), đến bản chúc văn ở đền Hùng mà mỗi lần Giỗ Tổ Hùng Vương thì ban tổ chức đọc chúc văn đó của giáo sư Vũ Khiêu.

Sinh ra ở đất học và có truyền thống cách mạng làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (quê hương của Tổng bí thư Trường Chinh), ông Vũ Khiêu sớm tham gia cách mạng từ tuổi niên thiếu, làm công tác tuyên huấn ở chiến khu Việt Bắc. Ông từng là trưởng Ban tuyên huấn của chiến khu Việt Bắc, thuộc đội cận vệ già, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hòa bình năm 1954, ông chuyển sang làm nghiên cứu xã hội học và văn hóa. Ông chính là người sáng lập và gây dựng ngành xã hội học cho Việt Nam, là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Ông là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên ở Việt Nam, đã xuất bản hàng trăm cuốn sách viết chung và riêng, ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, viết về các danh nhân, nhà văn hóa, nhà văn Việt Nam như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu... Tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam.

Giáo sư Vũ Khiêu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996 cho cụm các công trình Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hóa (1987), Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử.

Năm 2000, giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Là người có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, đồng thời có sức lao động sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo sư Vũ Khiêu nhận được nhiều sự kính trọng từ các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân.

Trưởng nam của giáo sư Vũ Khiêu - GS.TS ngành xã hội học văn hóa học Đặng Cảnh Khanh - và vợ ông - GS.TS Lê Thị Quý, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực bình đẳng giới - cùng nối nghiệp nghiên cứu của cha mình.

Bà Quý hiện là chủ tịch Quỹ văn hiến Việt Nam - là quỹ do giáo sư Vũ Khiêu sáng lập với mong muốn phát triển văn hóa Việt Nam.

Vĩnh biệt ‘Hùm xám đường số 4’ - trung tá Đặng Văn Việt Vĩnh biệt ‘Hùm xám đường số 4’ - trung tá Đặng Văn Việt

TTO - Tin từ gia đình trung tá Đặng Văn Việt cho hay người được mệnh danh ‘Hùm xám đường số 4’ trong chiến dịch biên giới 1950 đã qua đời lúc 0h55 ngày 25-9 tại Bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 102 tuổi.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên