Xuống cấp nghiêm trọng, sân Hàng Đẫy đang được CLB Hà Nội T&T đề nghị được giao quyền quản lý. Ảnh: NAm KHÁNH |
Khi V-League 2016 hạ màn, “bầu” Hiển cho biết CLB Hà Nội T&T đã có đề xuất xin UBND TP Hà Nội giao SVĐ Hàng Đẫy cho đơn vị này quản lý.
Giao cho doanh nghiệp, SVĐ sẽ tốt hơn
16 năm VN làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng đến thời điểm này, chỉ duy nhất CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là xây được SVĐ Pleiku do Tập đoàn HAGL đầu tư với kinh phí khoảng 60 tỉ đồng. Còn lại 13 CLB khác của V-League vẫn đang “ăn nhờ ở đậu” tại các SVĐ do nhà nước xây dựng và quản lý.
Trong vài năm gần đây, theo xu thế phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, nhiều CLB đã xin các địa phương quyền quản lý, điều hành SVĐ nơi các đội bóng này đóng quân. Cụ thể, các CLB miền Bắc như Sông Lam Nghệ An (SLNA), Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đều đã thực hiện quá trình chuyển giao này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Thanh - chủ tịch CLB SLNA - cho biết việc chuyển giao SVĐ từ quản lý của Sở VH-TT&DL Nghệ An cho CLB bóng đá chỉ có lợi chứ không có hại. Ông Thanh cho biết qua quá trình đi tìm hiểu và học hỏi ở các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, chính quyền ở đây họ cũng chuyển giao các SVĐ nhà nước cho các CLB chuyên nghiệp quản lý.
Ông Thanh nói: “Khi chuyển giao SVĐ cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp, CLB chỉ có quyền tu sửa, chỉnh trang, bảo vệ sân đẹp hơn để phục vụ công việc của bóng đá. Ở Nghệ An, sau 6 năm Sở VH-TT&DL tỉnh chuyển giao SVĐ Vinh cho CLB SLNA, các đội tuyển thể thao của tỉnh như điền kinh, võ thuật vẫn đến SVĐ tập luyện bình thường. Ngay cả trường hợp khi các CLB bóng đá phá sản, giải tán thì cũng không ai có quyền bán SVĐ đi vì đó là tài sản bất biến của nhà nước và nhân dân”.
Trong khi đó, mặc dù mới lên chơi ở V-League nhưng CLB Than Quảng Ninh nổi tiếng là nơi sở hữu SVĐ đẹp như mơ so với nhiều đội bóng. Ông Phạm Thanh Hùng - chủ tịch CLB - cho biết năm 2014 CLB Than Quảng Ninh được giao quyền quản lý SVĐ và đã chi rất nhiều tiền để tu sửa. Ông Hùng chia sẻ: “Nếu không có tiền của các doanh nghiệp như chúng tôi thì không biết đến bao giờ SVĐ Cẩm Phả mới được sửa sang cho sạch đẹp như vậy. Sân Cẩm Phả nổi tiếng cuồng nhiệt, vòng nào cũng kín khán giả là do chúng tôi làm sạch đẹp, CĐV đến sân không phải lót báo xuống ghế ngồi vì sợ bẩn quần, đi vệ sinh không sợ hôi thối. Sau khi nhận bàn giao SVĐ, CLB chúng tôi bố trí nhân công quản lý SVĐ, bảo vệ, nhân công làm cỏ, kế toán... tất cả chỉ khoảng 10 người rất gọn nhẹ. Khi nào tỉnh, thành phố có sự kiện cần tổ chức, các đội thể thao cần tập chúng tôi luôn sẵn sàng mở cửa phục vụ miễn phí”.
Hà Nội T&T xin được quản lý sân Hàng Đẫy
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau lễ đăng quang vô địch V-League 2016, ông Đỗ Quang Hiển cho biết CLB Hà Nội T&T đã xin UBND TP Hà Nội để được là đơn vị quản lý SVĐ Hàng Đẫy (hiện nay SVĐ Hàng Đẫy do Sở VH-TT Hà Nội quản lý). Ông Hiển cho biết nếu được TP Hà Nội chấp thuận, CLB Hà Nội T&T sẽ trở thành đơn vị quản lý sân đấu này và sẵn sàng bỏ tiền ra sửa chữa SVĐ đang xuống cấp.
Trước đó, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết cá nhân ông mong muốn giao SVĐ Hàng Đẫy cho doanh nghiệp tư nhân tiến hành sửa chữa SVĐ, sau đó họ sẽ giành quyền quản lý, khai thác. Từ năm 2010 đến nay khi chọn SVĐ Hàng Đẫy là sân nhà khi tham gia V-League, ông Động cho biết Hà Nội T&T chưa chi tiền cải tạo sân, ngoại trừ mùa giải 2016 giúp lắp đặt ghế ngồi trên khán đài B.
SVĐ Hàng Đẫy là sân xuống cấp nhất trên cả nước. Không chỉ có vậy, do quản lý, điều hành yếu, kinh phí không có nên sân này rất bẩn và hôi hám. Mỗi trận đấu V-League, ngoài cửa sân người ta còn có thêm nghề bán báo cũ cho CĐV đến sân để lót ghế ngồi cho đỡ bẩn quần áo. Nhà vệ sinh luôn trong tình trạng hôi hám ít người dám đi.
Chuyển giao nhưng SVĐ không chỉ phục vụ bóng đá Dù giao SVĐ cho các CLB quản lý là xu hướng cần được ủng hộ nhưng vẫn có những điều phải lưu ý trong chuyển giao. Minh chứng cho điều này chính là tình trạng đã diễn ra hai năm nay đối với VĐV của nhiều môn thể thao của TP Hải Phòng kể từ khi UBND TP chuyển giao SVĐ Lạch Tray cho CLB bóng đá Hải Phòng quản lý. Cụ thể, sau khi SVĐ được chuyển giao cho CLB bóng đá, nhiều môn thể thao như điền kinh, bắn cung, bơi lội, taekwondo... vốn lâu nay vẫn tập luyện ở SVĐ Lạch Tray thì nay đã bị “cấm cửa”! Không có cách nào, VĐV nhiều môn trong đó có điền kinh hằng ngày phải trèo rào vào bên trong để được tập trong đường piste của sân. Cá biệt có thời điểm vào dịp đầu năm, Trung tâm đào tạo VĐV TDTT Hải Phòng đến SVĐ Lạch Tray để kiểm tra thể lực cho các VĐV nhưng CLB bóng đá cũng không mở cửa cho 500 VĐV của 20 môn thể thao vào sân. Suốt hai năm qua, nhiều VĐV, HLV Hải Phòng đã gửi thư “kêu cứu” đến nhiều cơ quan báo chí, lãnh đạo Sở VH-TT Hải Phòng nhưng sự việc vẫn không được giải quyết triệt để. |
“Ngay cả trường hợp khi các CLB bóng đá phá sản, giải tán thì cũng không ai có quyền bán SVĐ đi vì đó là tài sản bất biến của nhà nước và nhân dân" Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận