03/06/2011 14:00 GMT+7

Giao lưu trực tuyến "Hành trình theo chân Bác"

TTO
TTO

TTO - Đông đảo bạn đọc đã vào Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi trao đổi với các thành viên ban tổ chức hội thi “Hành trình theo chân Bác” năm 2011 do Thành đoàn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.

Lễ khai mạc hội thi đã diễn ra lúc 14g ngày 3-6 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

vHoUwwo3.jpgPhóng to
Lễ khai mạc hội thi tại tòa soạn Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm
dnlG4QST.jpgPhóng to
Các khách mời giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm
Lk2XxtkG.jpgPhóng to
Các khách mời trả lời bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Thanh Đạm

Các khách mời của buổi giao lưu trực tuyến gồm:

- TS Nguyễn Thị Thanh Kiều, phó Ban Tuyên giáo Thành ủy.- Ông Nguyễn Mạnh Cường - phó bí thư, trưởng Ban Tổ chức Thành đoàn.- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh, giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM.- PGS.TS Hà Minh Hồng, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.- ThS Ngô Văn Minh, trưởng khoa tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - hành chính khu vực II.

Sau đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Chào các diễn giả! Như chúng ta đã biết thì tháng 2-1941, Bác Hồ đã trở về nước. Vậy cho tôi hỏi trong thời gian từ 1930-1941, Bác Hồ hoạt động ở đâu? Xin cảm ơn! (Lê Trọng Tâm, 27 tuổi, letrongtam85_angiang@....)

-PGS.TS Hà Minh Hồng: Những năm trước khi Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930 - 1941), Người vẫn tiếp tục bôn ba hoạt động ở nước ngoài để tìm hiểu thực tiễn những phong trào, những cuộc cách mạng, những diễn biến của tình hình thế giới, kiểm nghiệm những điều đã vận dụng vào đường lối cách mạng Việt Nam, tiếp tục chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc trở về Tổ quốc. Đây cũng là thời gian Bác Hồ tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, phức tạp, nhưng Người vẫn vững vàng ý chí, nghị lực của một người cộng sản chân chính - một người yêu nước muốn cứu dân, cứu nước, kiên quyết trở về cùng đồng bào giành độc lập dân tộc.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên là Hồ Chí Minh vào ngày tháng năm nào? (Trần Văn Toàn, 28 tuổi, tanlinh@...)

-PGS.TS Hà Minh Hồng: Từ năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh để đi ra nước ngoài công tác bắt liên lạc với lực lượng đồng minh và những người Việt Nam ở nước ngoài. Sau chuyến đi đó, tên gọi Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, quen thuộc với nhân dân ta và bạn bè quốc tế.

* Trong cuộc hành trình của mình Bác đã đi đến bao nhiêu quốc gia, thông thạo bao nhiêu ngôn ngữ? (Nguyễn Kim Tho, 23 tuổi, nguyenthovan1988@...)

- ThS Ngô Văn Minh: Trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác, đến bây giờ chúng ta xác định được Bác đã có mặt ở 28 nước. Còn hiện nay chưa biết chắc chắn Bác biết bao nhiêu ngoại ngữ. Một người bạn của Bác thì nói ngay từ năm 1924 Bác Hồ đã biết 28 ngoại ngữ. Đã có một lần trong cuộc chiêu đãi bạn bè quốc tế sau kháng chiến chống Pháp, Bác vừa là người chủ trì vừa là người phiên dịch và trong buổi hôm đó đã thấy Bác sử dụng hơn 10 ngoại ngữ.

Một báo cáo của mật thám Pháp khi theo dõi Bác vào thư viện đọc sách: "Ông Nguyễn Ái Quốc vào thư viện, ông đọc Shakespeare, Victor Hugo, Tolstoi, Lỗ Tấn. Ông đọc Shakespeare bằng tiếng Anh, đọc Victor Hugo bằng tiếng Pháp, đọc Tolstoi bằng tiếng Nga, đọc Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Quốc". Như vậy, Người đọc những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn lớn trên thế giới bằng ngay ngôn ngữ mẹ đẻ của nó.

* Xin hỏi hiện nay Bảo tàng Hồ Chí Minh có các trưng bày chuyên đề không, làm sao để tham gia các cuộc trưng bày đó? (Hồng Thắm, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM)

34WimnT5.jpgPhóng to
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM - TS Nguyễn Thị Hoa Xinh trực tuyến trả lời độc giả - Ảnh: Thanh Đạm

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Hiện nay, ngoài hai nội dung chính: Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ; bảo tàng còn trưng bày các chuyên đề "Việt Nam - những tuyên ngôn độc lập", "Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng đại đoàn kết", "Sài Gòn - năm 1910, khi Bác đến và đi tìm đường cứu nước", "Các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Bác Hồ - một tình yêu bao la", "Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, điểm đến của bạn"...

Bạn có thể tham gia cùng với cán bộ chuyên môn của bảo tàng nghiên cứu, xây dựng đề cương và trưng bày các chuyên đề về Bác Hồ trong thời gian tới.

* Nhà số 5 Châu Văn Liêm là nơi ở của Bác Hồ phải không? (Trần Minh Thái, 33 tuổi, thai7565@...)

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Nhà số 5 Châu Văn Liêm là nơi Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ở trong thời gian Người lưu lại Sài Gòn trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

* Bản thân tôi là cán bộ Đoàn, nhận thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc có ý nghĩa. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy một số nơi chỉ tham gia học tập các lớp chuyên đề, còn việc làm theo tấm gương của Bác thì rất ít. Vậy trong thời gian sắp tới lãnh đạo thành phố sẽ có biện pháp nào để đẩy mạnh việc làm theo Bác cho thế hệ trẻ? (Truong Thi Huong, 26 tuổi, behuong2786@...)

- TS Nguyễn Thị Thanh Kiều: Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 4 năm. Trong hơn 4 năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hành động rất cụ thể. Hằng năm Thành ủy TP.HCM đều tổ chức sơ kết và giới thiệu những tấm gương tiêu biểu đó.

Bạn có thể thấy những hành động rất bình thường giản dị nhưng thể hiện được tấm lòng vì xã hội, vì cộng đồng, ví dụ như là cán bộ Đoàn chắc bạn đã từng biết đến tấm gương của bạn Nguyễn Ang Quốc Dũng, cán bộ Đoàn của khối bưu chính viễn thông thành phố đã cùng các bạn đoàn viên của mình hì hục khuân máy từ các đơn vị thuộc Bưu điện TP.HCM, tập hợp đưa về kho, sau giờ làm chia ca "giải phẫu", đóng gói mang đến những vùng quê nghèo. Hay trung úy Huỳnh Văn Tuấn, đội phó đội cứu hộ cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, "Chỉ xin chỉ huy thêm 20 phút nữa" để có thể đưa 1 nạn nhân bị đè dưới khối bêtông ra ngoài mà không phải tháo khớp theo lời đề nghị của các bác sĩ... Và còn nhiều tấm gương khác nữa.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục, ngoài việc học tập các chuyên đề, Thành ủy sẽ có nhiều biện pháp để chuyển hóa từ nhận thức trở thành hành động, đặc biệt quan tâm đến các địa phương, đơn vị chưa có nhiều sáng tạo trong việc nhân rộng các gương điển hình tốt. Rất mong bạn trên cương vị là cán bộ Đoàn sẽ thúc đẩy đoàn viên của mình tích cực học tập và làm theo lời Bác.

* Thưa ThS Ngô Văn Minh, em được biết thầy là một người có thời gian dài nghiên cứu và giảng dạy về môn tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học Mác - Lênin. Chắc hẳn thầy cũng đã có những bài học lớn để sống và làm việc, thầy có thể chia sẻ và cho chúng em lời khuyên về việc học và vận dụng những môn học này vào cuộc sống được không ạ? Em xin chân thành cảm ơn thầy! (Huỳnh Phi Hổ, 22 tuổi, phiho_hd@...)

- ThS Ngô Văn Minh: Xin chào bạn, tôi đã có khoảng thời gian khá dài làm công tác nghiên cứu giảng dạy và nghiên cứu các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là các môn học có kiến thức hết sức phong phú, cho chúng ta những hiểu biết rộng lớn và giúp chúng ta rất nhiều trong công tác cũng như trong cuộc sống, cung cấp cho chúng ta thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu học tập cũng như trong công tác, kể cả trong cuộc sống hằng ngày.

Đối với tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho chúng ta những kiến thức khoa học và những chỉ dẫn cụ thể trong cuộc sống. Bản thân Người là một tấm gương sống động để chúng ta học tập noi theo. Hoạt động trong lĩnh vực này, bản thân tôi cũng đã học tập rất nhiều những vấn đề trong tư tưởng và tấm gương của Bác, giúp cho tôi có những hiểu biết để giải quyết những vấn đề trong công tác, những tình huống ứng xử trong cuộc sống. Chính vì thế mà tôi đã có được những kết quả trong nghiên cứu, giảng dạy và trong cuộc sống luôn được mọi người quý mến.

* Tôi là một cán bộ hưu trí, thật thú vị được đặt câu hỏi với TS Nguyễn Thị Thanh Kiều. Thưa chị, tôi thấy hiện nay không phải bạn trẻ nào cũng hào hứng với việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như các giá trị mà thế hệ chúng tôi hi sinh đeo đuổi. Thưa chị, hiện nay Thành ủy có giải pháp gì không, tôi thấy lo lắm! (Nguyễn Văn Châu - Định Quán, Đồng Nai).

RQOO460b.jpgPhóng to
TS Nguyễn Thị Thanh Kiều - phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - tại tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Thanh Đạm

-TS Nguyễn Thị Thanh Kiều: Thưa bác, tôi rất cảm động khi nhận được ý kiến của bác, nhất là câu “tôi thấy lo lắm”, vì điều này thể hiện tâm huyết của bác đối với việc giáo dục thế hệ trẻ.

Thưa bác, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là tấm gương sáng mà mỗi con người chúng ta đều tự nhận thấy mình cần học tập không chỉ trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà là cần phấn đấu học tập suốt đời. Nhưng trong cuộc vận động, cấp ủy các cấp đã quan tâm về phương pháp để nhiều đối tượng được tiếp cận với những giá trị vĩ đại mà Bác đã để lại cho chúng ta. Quá trình thực hiện cuộc vận động, bản thân tôi thấy rất nhiều bạn trẻ thật sự cảm nhận được những giá trị đó. Vậy nên, vấn đề là phải có biện pháp để nhiều bạn trẻ được tiếp cận.

Nhưng tiếp cận tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bằng sách vở, bằng việc tham gia các hội thi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác, mà còn là những hành động cụ thể. Nhiều thanh niên ngày nay tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa như: nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước, các phong trào tình nguyện vì cộng đồng... Qua các phong trào tình nguyện trên, các bạn trẻ đã được giáo dục tình cảm yêu nước, lối sống vì mọi người mà Bác Hồ đã dạy một cách rất tự giác.

Thành ủy TP.HCM luôn ý thức việc chăm lo xây dựng thế hệ trẻ đủ năng lực, đạo đức để làm chủ đất nước nên ngoài việc chỉ đạo sát sao các nội dung hoạt động của Thành đoàn, còn chú ý phát huy vai trò của thanh niên trong từng lĩnh vực: trường học, xí nghiệp, cơ quan, phường xã... Chương trình hành động số 42-CTr/TU của Thành ủy để thực hiện nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thể hiện các giải pháp rất cụ thể.

Trong phạm vi buổi giao lưu trực tuyến này khó cung cấp đầy đủ thông tin cho bác, rất mong bác dành thời gian tham khảo chương trình hành động trên.

Thưa bác, một trong các biện pháp giáo dục thế hệ trẻ là việc giáo dục truyền thống, trong đó vai trò của cựu chiến binh, cán bộ hưu trí rất quan trọng. Phải thừa nhận vẫn còn có một bộ phận thanh niên thờ ơ với thời cuộc, chỉ sống cho bản thân mình, nhưng rất mong bác vững tin ở thế hệ trẻ và tiếp tục góp phần công sức của mình vào việc làm cho lớp trẻ ngày càng vững vàng hơn, trình độ hơn và phục vụ đất nước hiệu quả hơn.

Chân thành cảm ơn bác và chúc bác nhiều sức khỏe.

* Thưa TS Nguyễn Thị Hoa Xinh, bên cạnh các phương tiện truyền thông như báo đài, việc tham quan bảo tàng cũng sẽ là một kênh quan trọng để giúp chúng ta, đặc biệt là thế hệ thanh niên chúng em được tìm hiểu, tận mắt chứng kiến những kỷ vật có liên quan đến cuộc đời của Bác. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì trong thời gian tới bảo tàng sẽ có những việc làm gì nhằm thu hút khách tham quan đến với bảo tàng để góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác? (Huỳnh Phi Hổ, 22 tuổi, phiho_hd@...)

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Với chức năng nhiệm vụ là một bảo tàng danh nhân, nơi lưu giữ những tư liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tiếp tục hưởng ứng một cách hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM với các giải pháp như:

- Bổ sung những tư liệu hiện vật liên quan đến Bác, chủ yếu là những tư liệu hiện vật thể hiện tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Người trong các chuyên đề trưng bày tại bảo tàng, nâng cao chất lượng trong việc truyền đạt nội dung giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác đối với khách tham quan, có thể lồng ghép những câu chuyện kể gắn với các tài liệu hiện vật;

- Biên tập và xuất bản các ấn phẩm quảng bá nội dung trưng bày của bảo tàng trên website và các phương tiện thông tin đại chúng; hiện đại hóa trong công tác trưng bày... nhằm góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của mọi người về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

* Xin kính chào chương trình, em có xem tivi và biết đến hội thi trực tuyến "Hành trình theo chân Bác", em thấy rất thú vị nên rất muốn tham gia. Em hiện đang là đoàn viên trung học phổ thông ở Bình Dương, như vậy em có thể tham gia được không ạ? Em xin cảm ơn chương trình (nguyễn lê thủy tuyền, 17 tuổi, nguyenngocdongtu@...)

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Chào bạn, rất hoan nghênh bạn đã quan tâm đến cuộc thi. Đây là một cuộc thi trực tuyến trên báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) nên dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần máy tính vào được mạng Internet là các bạn có thể tham gia cuộc thi này. Ban tổ chức hội thi rất mong nhận được sự tham gia đông đảo của các thí sinh đến từ mọi miền đất nước, kể cả các bạn thí sinh đang sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài. Việc tham gia hội thi rất đơn giản, bạn chỉ cần đăng ký tài khoản tại trang web của hội thi trên báo Tuổi Trẻ Online (TTO). Ngay bây giờ, bạn có thể đăng ký và tham gia hội thi. Chúc bạn tham gia và hoàn thành tốt phần thi của mình nhé.

* Em xin kính chào quý thầy cô và các thành viên ban tổ chức! Em có một thắc mắc muốn được giải đáp: về phần thi tự luận, với 5 chủ đề được đưa ra thì mỗi thí sinh ở mỗi lần thi đều là 1 đề tự luận ngẫu nhiên trong 5 đề đó phải không ạ? Hay là 1 đề trong 5 đề sẽ sử dụng chung cho tất cả các thí sinh của một đợt? Em xin cảm ơn quý thầy cô và ban tổ chức! (Nguyễn Huỳnh Luân, 19 tuổi, luannguyenhuynh@....)

lxFTB1yz.jpgPhóng to
Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thanh Đạm

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bạn Luân mến! Một trong năm chủ đề sẽ được xuất hiện một cách ngẫu nhiên khi bạn đến phần thi tự luận. Theo thể lệ hội thi, mỗi bạn có thể tham gia dự thi tối đa 3 lần/đợt. Vì thế, có khả năng bạn sẽ gặp cùng một chủ đề tự luận trong những lần thi sau. Bạn có thể bổ sung nội dung, tư liệu để phần thi tự luận sau có chất lượng hơn. Ban tổ chức sẽ ghi nhận kết quả tốt nhất của bạn để làm căn cứ đánh giá cuối cùng.

* Sao ban tổ chức không quy định thời gian đăng ký tài khoản tham gia hỏi thi đến khi hội thi kết thúc? Việc cho đăng ký đến 13g30 ngày 3-6-2011 theo thông báo gây khó khăn cho các bạn muốn tham gia thi nhưng chưa kịp đăng ký (Nguyễn Thị Phương Thảo, 28 tuổi, susuhappy_phuongthao@....)

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bạn Thảo thân mến! Việc đăng ký và tạo tài khoản để tham gia hội thi vẫn tiếp tục đến 17g ngày 5-6-2011 (thời điểm kết thúc đợt 2 của hội thi). Ngay bây giờ, bạn có thể thực hiện việc đăng ký và tham gia hội thi. Chúc bạn thành công.

* Thưa thầy Hà Minh Hồng, vào năm 1911, nước ta đang bị thực dân Pháp đô hộ, sự giao lưu với bên ngoài hầu như rất hạn chế, vậy nguyên nhân, động lực nào thúc đẩy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước? (Trần Hùng Dũng - quận Hoàn Kiếm , Hà Nội)

-PGS.TS Hà Minh Hồng: Từ nửa cuối thế kỷ 19, đất nước ta đã bị rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp, nhân dân ta đã liên tục đứng dậy kháng chiến, khởi nghĩa chống xâm lược. Đầu thế kỷ 20, không chỉ là những cuộc khởi nghĩa, nổi dậy ở trong nước chống thực dân Pháp, mà còn có nhiều người yêu nước Việt Nam ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Những phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, mở trường lớp theo lối mới, phát triển công thương... đều có nhiều ảnh hưởng từ Nhật, Trung Quốc... nhưng vẫn không đáp ứng được nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Trong khi đó, những khẩu hiệu "Bình đẳng, tự do, bác ái" của cách mạng Pháp lại dán đầy tại các lớp học ở thuộc địa, nó đối chọi với thực tiễn người Pháp đang cai trị, đàn áp, bóc lột tàn bạo người dân Việt Nam. Chính sự mâu thuẫn đó đã gây ra những bức xúc cho các học trò, những người thanh niên yêu nước như Nguyễn Tất Thành: Tại sao người Pháp có bình đẳng, tự do, bác ái? Tại sao người Pháp lại đi đàn áp, áp bức dân ta?

Các sĩ phu yêu nước, những thầy giáo tân học ở Trường Quốc Học Huế đã giảng giải cho Nguyễn Tất Thành những câu hỏi đó. Và từ đó, từ tấm lòng yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã có ý định ra đi tìm đường cứu nước. Việc đi ra nước ngoài để tìm đường cứu nước trong điều kiện thuộc địa không có nhiều thuận lợi, sự giao lưu với bên ngoài hầu như rất hạn chế, do đó phải có những cách thức riêng, phải được chuẩn bị.

Và năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã vào Sài Gòn để thực hiện hoài bão ấy nhằm mục đích "đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta".

* Những chặng đường Bác đi qua được diễn ra như thế nào? (Cao Thành Hưng, 23 tuổi, anh_cao_ulsa2)

- ThS Ngô Văn Minh: Nói về quá trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, người ta có thể chia ra thành nhiều giai đoạn và thông thường hiện nay, người ta chia thành các giai đoạn sau:

- Thời kỳ trước ngày 5-6-1911: Đây là thời kỳ chuẩn bị hành trang đi tìm đường cứu nước, xây dựng quyết tâm, tích lũy kiến thức văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại và kinh nghiệm đấu tranh.

- Từ 1911 - 1920: giai đoạn này có nhiều cách gọi, có thể gọi là thời kỳ khảo sát thế giới của Hồ Chí Minh.

- Từ 1921 - 1930: Đây là thời kỳ củng cố con đường cứu nước và truyền bá về nước.

- Từ 1930 - 1945: Đây là thời kỳ đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống và khẳng định sự đúng đắn của con đường cứu nước mà Người đã tìm ra.

- Từ 1945 - 1969: Đây là thời kỳ tư tưởng Hồ Chí Minh không ngừng được bổ sung, phát triển thông qua thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Trong các thời kỳ này, trọng tâm là giai đoạn từ 1911 - 1920, là thời kỳ tìm hiểu các tư tưởng, học thuyết và khảo sát thực tiễn thế giới. Đến năm 1920, Người đã tìm ra con đường cứu nước là con đường Cách mạng vô sản.

* Xin cho hỏi thi làm 2 đợt tức là mỗi người chỉ chọn 1 đợt để thi phải không ạ? (Trần Thị Hồng Lam, 20 tuổi, Tranlam.ktdn@...)

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bạn Lam mến! Hội thi tổ chức thành 2 đợt. Tất cả thí sinh đều có thể tham gia cả 2 đợt thi. Mỗi bạn có thể tham gia thực hiện bài thi tối đa 3 lần/đợt. Chúc bạn chuẩn bị và tham gia thật tốt hội thi.

Hướng dẫn tham gia Hội thi trực tuyến “Hành trình theo chân Bác” năm 2011

* Chúng em đã từng xem triển lãm ở trường, em có đề xuất bảo tàng tổ chức triển lãm tại các trường. Mong cô cho ý kiến. (Mỹ Nhàn, quận 3)

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Trong thời gian vừa qua, ngoài các chuyên đề trưng bày tại bảo tàng, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM còn thường xuyên phối hợp với nhà thiếu nhi các quận huyện, các cơ quan, đơn vị và trường học trong và ngoài thành phố trưng bày lưu động các chuyên đề "Bác Hồ với thiếu nhi"; "Bác Hồ với thanh niên Việt Nam"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục"; "Một số hình ảnh về cuộc sống đời thường"... Bảo tàng sẽ ghi nhận ý kiến của bạn và sẽ tăng thêm số lượt trưng bày lưu động tại các trường, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, khi các em học sinh chưa có điều kiện đến tham quan tại bảo tàng.

* Hiện nay việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp để thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thưa TS Nguyễn Thị Thanh Kiều, là người từng tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi, tiến sĩ thấy cần lưu ý những vấn đề gì, đâu là những yêu cầu cơ bản để tổ chức một cuộc thi đạt hiệu quả cao nhất? (Thanh Hải, quận 10, TP.HCM)

- TS Nguyễn Thị Thanh Kiều: Rất cảm ơn bạn đã quan tâm đến các giải pháp để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao, trong đó có việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tất nhiên, mỗi hội thi tại từng địa phương, từng đơn vị sẽ khác nhau do điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị nhưng theo tôi, để một hội thi được thành công cần có một số yêu cầu cơ bản sau:

- Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến cần đúng mức để nhiều người biết đến hội thi.

- Thứ hai, nội dung đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của người thi và cung cấp được nhiều kiến thức hay cho rộng rãi những đối tượng khác.

- Thứ ba, chọn hình thức thi phù hợp với đối tượng, đối tượng trẻ cần các hình thức sôi động, người lớn tuổi hơn cần không gian trang trọng, được đầu tư nghiêm túc từ khâu trang trí đến sự hưởng ứng của người tham dự.

Có thể đơn cử ví dụ về hội thi Olympic tìm hiểu các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ" lần 6 do Thành đoàn phối hợp cùng Đại học Quốc gia và Đảng ủy khối các trường ĐH-CĐ-TCCN tổ chức từ tháng 4 đến giữa tháng 5-2011. Qua năm lần thi trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, hội thi lần 6 đã có một bước cải tiến lớn về nội dung, phương pháp và mở rộng đối tượng dự thi. Địa điểm thi không chỉ trong hội trường mà còn trên mạng, tại các địa điểm lịch sử...

Hội thi không chỉ thu hút sự quan tâm của giới sinh viên mà còn được sự tham gia của học sinh và bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online. Có những con số ấn tượng như trang trắc nghiệm của hội thi nhận được 76.056 bài thi gửi về. Số lượt truy cập từ ngày 1-4 đến 11-5 là 1.606.049 lượt. Nếu chứng kiến ngày thi chung kết, bạn sẽ thấy một không khí sôi động không ngờ đối với một môn khoa học mà nhiều người cho rằng khô khan, “khó xơi”.

- Thứ tư, nghiêm túc trong từng khâu chuẩn bị, không tổ chức qua loa để có phong trào “ai sao mình vậy”.Để có được hội thi đạt được thành công với những yếu tố trên, cần có một ban tổ chức (cùng ban chỉ đạo, ban cố vấn) nhiệt tình, thật sự theo sát từng bước tổ chức hội thi, không cơ cấu vào thành phần các ban này những đồng chí do không đủ điều kiện nên dành quá ít thời gian cho hội thi; mời ban giám khảo là các đồng chí đủ kiến thức và khả năng xử lý tình huống, đủ uy tín cầm cân nẩy mực, công tâm, tạo được sự tin cậy đối với người dự thi.

Một vài ý kiến trao đổi với bạn, rất mong trong vai trò người tổ chức bạn sẽ tạo ra được những cuộc thi lý thú và bổ ích tại nơi bạn công tác.

* Thưa PGS.TS Hà Minh Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, di sản Người để lại thật đồ sộ và phong phú, nhưng điều đó cũng gây khó khăn cho một công nhân như tôi khi tìm hiểu, học tập vì không biết bắt đầu từ đâu, chọn cái gì cho phù hợp. Theo ông, tôi có thể chọn học những điều gì và áp dụng vào cuộc sống ra sao? (Lê Trung Hảo, thị xã Tân An, Long An).

-PGS.TS Hà Minh Hồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, nhưng cuộc đời của Người rất giản dị, chân thành, gần gũi với mọi người chúng ta. Di sản của Người để lại thật đồ sộ và phong phú nhưng cũng rất thiết thực với mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh. Do đó là một công nhân, người lao động hay một trí thức, học giả... cũng đều có những nhu cầu trong cuộc sống, trong lao động, học tập và cống hiến, phục vụ... Chúng ta sẽ học những gì mà cuộc sống, công việc đang đòi hỏi, đọc những điều giản dị mà Bác đã để lại, làm theo những gì mà Bác đã làm vì hành trình và sự nghiệp của Bác bắt đầu từ người lao động, bắt đầu từ những việc làm bình thường của người bình thường như mỗi chúng ta vậy.

Chúng ta áp dụng vào cuộc sống không phải là những triết lý cao siêu, những khẩu hiệu mỹ miều mà là những điều thiết thực với cuộc sống, vận dụng sáng tạo vào cuộc sống. Đó chính là sự bắt đầu học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ.

* Thưa cô Hoa Xinh, tụi em muốn tìm các tư liệu, hình ảnh mới để tham gia hội thi lần này cũng như để tổ chức hoạt động sau này, xin cô vui lòng hướng dẫn giúp. Xin hỏi ở bảo tàng Hồ Chí Minh có cung cấp tư liệu không? (Lê Văn Nam, 25 tuổi, quận 9, TP.HCM)

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Bạn có thể tìm các tư liệu hình ảnh về Bác tại các phòng trưng bày của bảo tàng hoặc thư viện của bảo tàng. Hiện bảo tàng đang lưu giữ trên 18.000 tư liệu hiện vật và gần 5.000 cuốn sách do Bác viết và các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác.

* Cuộc thi này có thể cho người dưới 18 tuổi tham gia không? Có phải đăng ký tài khoản mới khi đã đăng ký tài khoản của Tuổi Trẻ rồi? (TỪ NGUYỄN THIÊN BẢO, 13 tuổi, bipngoan@...)

- Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Hội thi dành cho tất cả bạn đọc Tuổi Trẻ khắp mọi miền và không phân biệt tuổi tác, địa bàn công tác... Với tình cảm, lòng yêu mến đối với Bác Hồ, bạn có thể tham gia dự thi để tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011). Để tham gia hội thi, các bạn đăng ký tài khoản theo hướng dẫn trên trang web hội thi. Những bạn đọc từng đăng ký tham gia các cuộc thi trên Tuổi Trẻ Online đều có thể sử dụng lại tài khoản cũ cho hội thi lần này.

Hướng dẫn tham gia Hội thi trực tuyến “Hành trình theo chân Bác” năm 2011 IIĐiều lệ Hội thi trực tuyến “Hành trình theo chân Bác” năm 2011 II Thông tin liên hệ Ban Tổ chức hội thi “Hành trình theo chân Bác” – năm 2011

* Trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác, hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, với vô vàn khó khăn, vất vả đã hình thành nên nhân cách và con người người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Suy ngẫm lại thanh niên hiện nay, vẫn còn bộ phận thanh niên trí thức, thanh niên "chất lượng cao", ngại khó, ngại khổ, đặt điều kiện chức vụ khi để đến vùng sâu, vùng xa phục vụ cho đồng bào nghèo, trong lĩnh vực giáo dục, y tế và cán bộ công chức...Đ/c có suy nghĩ vấn đề này như thế nào?(ngocnhung_binhtan, 25 tuổi, ngocnhungn3@...)

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Hành trình hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài của Bác là một bài học lớn về ý chí và hoài bão, tinh thần cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đối với các thế hệ thanh niên và cả dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên có ý chí và hoài bão, giàu lòng yêu nước, tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, thì đúng là vẫn còn một bộ phận thanh niên có tâm lý ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí và hoài bão cống hiến cũng như chia sẻ với cộng đồng.

Học tập và làm theo lời Bác, trong suốt thời gian qua, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp cùng toàn hệ thống đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, mỗi bạn sẽ nâng cao lòng yêu nước, học tập ý chí và hoài bão, tinh thần cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Đoàn - Hội các cấp cũng đã phát động đa dạng những hoạt động nhằm tạo điều kiện và môi trường để các bạn đoàn viên thanh niên có cơ hội rèn luyện, cống hiến và trưởng thành hơn trong công việc, học tập. Ví dụ như chủ trương kiên trì thực hiện phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn - hội những năm qua đã tạo điều kiện để các bạn thanh niên có thể cọ xát với thực tiễn sinh động của cuộc sống, gắn bó với những hoạt động của cộng đồng, đem kiến thức chuyên môn phục vụ cho cộng đồng với phương châm "Đi để cống hiến - đi để rèn luyện - đi để trưởng thành".

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, phát huy kết quả các chương trình vận động trí thức trẻ tình nguyện về các vùng nông thôn ngoại thành, Thành Đoàn - Hội Sinh viên thành phố đã xây dựng Đề án vận động các bạn sinh viên tốt nghiệp trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý nhà nước,... về công tác và tham gia phát triển tại các vùng nông thôn ngoại thành của thành phố chúng ta. Mong rằng, đề án khi được triển khai sẽ nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên thanh niên thành phố.

* Khi ở Hongkong, Bác đã bị kết án tử hình bao nhiêu lần và làm sao Bác đã vượt qua được những lần đó? (Chế Ngọc Thủy, 45 tuổi, ngocthuyche@yahoo.com)

- ThS. Ngô Văn Minh: Chào bạn, tháng 6-1931 Bác Hồ bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam. Tòa án Hương Cảng chưa bao giờ kết án tử hình Bác. Trong cuộc đời Bác, chỉ có một lần tòa án Vinh (Việt Nam) của chính quyền Pháp thuộc năm 1929 kết án tử hình vắng mặt Bác.

Còn như thế nào để bác thoát khỏi được nhà tù Hương Cảng thì do những người cách mạng Việt Nam tìm mọi cách cứu Bác. Và ở đây có vai trò hết sức to lớn và quan trọng là sự giúp đỡ của luật sư Loseby và gia đình luật sư. Là một luật sư có tư tưởng tiến bộ đồng thời với tình cảm to lớn đối với Bác Hồ và cách mạng Việt Nam, gia đình luật sư đã tìm mọi cách cứu Bác ra khỏi nhà tù Hương Cảng.

* Thưa thầy Hà Minh Hồng, xin thầy cho biết những tiên đoán chính xác của Bác Hồ về những sự kiện lịch sử sẽ xảy ra trong tương lai trong quá trình hoạt động cách mạng của Bác? (Đoàn Nhật Quang, 20 tuổi, nhatquang.ls.xhnv@...)

XKkpuUEw.jpgPhóng to
PGS TS Hà Minh Hồng chăm chú với từng câu hỏi của độc giả - Ảnh: Tham Đạm

-PGS. TS. Hà Minh Hồng: Bác Hồ đã bôn ba trên nhiều quốc gia, qua nhiều châu lục, trải qua một cuộc đời hoạt động gian khổ nhưng rất sôi nổi, chứng kiến nhiều diễn biến của lịch sử. Do đó, Người có nhiều dự liệu, dự báo mà thực tiễn cách mạng Việt Nam vừa qua có nhiều trùng khớp. Chẳng hạn, Bác dự liệu về chiến tranh thế giới lần thứ II và thời cơ bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Tám, dự báo về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 và nhiều dự liệu, dự báo về diễn biến trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; cũng như những dự liệu rất chính xác của Người về quá trình xây dựng và phát triển của đất nước sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước.

* Thưa TS Nguyễn Thị Thanh Kiều, để lớp trẻ ngày nay có ý thức sống, học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lớn cần phải làm gì để tác động tới lớp trẻ? (Chế Ngọc Thủy, 45 tuổi, ngocthuyche@...)

- TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều: Chào bạn, với câu hỏi này bạn có thể tham khảo một câu trả lời khác của tôi trong buổi giao lưu này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã kính trọng, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh về những tấm gương trong đạo đức, lối sống và hành động của Bác thì ngày nay lớp trẻ cũng sẽ nhìn vào người lớn bằng những tấm gương. Lớp trẻ sẽ không chấp nhận những người mà lời nói không đi đôi với việc làm, có lối sống ích kỷ, không quan tâm đến người xung quanh. Lớp trẻ sẽ kính trọng những người tâm huyết, khiêm tốn học hỏi, đóng góp cho xã hội bằng tấm lòng chân thực của mình. Trong gia đình người lớn phải thể hiện là người cha/mẹ, người anh/chị gương mẫu.

Thế nên tôi tin rằng là người lớn chúng ta hoàn toàn có thể ý thức được điều gì nên tránh và điều gì nên làm để có thể tác động tốt đến lớp trẻ hiện nay.

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn.

* Xin hỏi thầy Ngô Văn Minh, xin thầy cho biết những vấn đề nào là quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí minh? (Lê Mạnh Thắng, 29 tuổi, Đồng Nai)

nYey7gHh.jpgPhóng to
ThS Ngô Văn Minh trả lời bạn đọc những câu hỏi về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ - Ảnh: Thanh Đạm

- ThS. Ngô Văn Minh: Chào bạn, như chúng ta đã biết tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Và như vậy thì những nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh đều là rất quan trọng vì nó là những vấn đề cơ bản của cách mạng. Còn nội dung cốt lõi và cũng là xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đưa đến độc lập cho dân tộc và cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

* Thưa thầy, hiện nay, một số bạn sinh viên cho rằng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là chỉ để thi cho qua, nhiều bạn không thích những môn học này. Quan điểm của thầy thế nào và làm gì để việc họ tập các môn này hấp dẫn hơn? (Như Hảo, 21 tuổi, quận 12)

- ThS. Ngô Văn Minh: Chào bạn, cũng có nhiều sinh viên hỏi như bạn. Với quan điểm của tôi thì suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Các môn lý luận chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp cho chúng ta một hệ thống tri thức hết sức phong phú. Nó là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận để chúng ta học tập nghiên cứu công tác tốt. Cho nên, học tư tưởng Hồ Chí Minh một mặt là để nâng cao nhận thức về quy luật của cách mạng Việt Nam và những hiểu biết về các lĩnh vực xã hội, mặt khác nó củng cố lòng tin vào lý tưởng, sự nghiệp cách mạng; đồng thời còn là một tấm gương để chúng ta phấn đấu noi theo.

Hiện nay, có tình trạng như bạn nói, trong đó có nhiều nguyên nhân, kể cả từ phía người học lẫn người giảng, kể cả nội dung chương trình còn nghèo nàn, phương pháp giảng dạy giáo dục còn đơn điệu, mang tính áp đặt một chiều và đang còn nhiều hạn chế khác. Chính vì vậy ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, phong phú của môn học. Nếu khắc phục được điểm này, tôi nghĩ tình trạng như bạn nói sẽ không còn nữa.

- Ông Nguyễn Mạnh Cường: Chào bạn Minh Tú! Bài thi đã được hệ thống ghi nhận rồi mới có thông báo, hệ thống tự động lưu lại kết quả thi của từng bạn, qua từng chặng thi, bạn yên tâm nhé.

* Mỗi khi đến bảo tàng, em có ấn tượng rất tốt với các anh chị thuyết trình viên. Em rất muốn trau dồi khả năng thuyết trình của mình. Xin hỏi Tiến sĩ là ở bảo tàng có đào tạo kỹ năng thuyết trình hay không? Xin hỏi tiến sĩ cho biết một số yêu cầu cũng như kinh nghiệm để nâng cao khả năng thuyết trình về tư tưởng, tấm gương đạo đức cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Bác? (Mỹ Anh - Tân Hiệp, Hóc Môn, TP.HCM).

- TS Nguyễn Thị Hoa Xinh: Đối với các thuyết minh viên của bảo tàng, ngoài kiến thức còn phải có phương pháp truyền đạt khi giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác đối với khách tham quan. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, mỗi thuyết minh viên sẽ tự trau dồi và nâng cao trình độ (về kiến thức và học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp); và điều quan trọng là khi giới thiệu với khách tham quan về cuộc đời và sự nghiệp của Bác phải có cảm xúc thật sự, vì chính điều đó sẽ giúp cho người nghe cảm nhận một cách đầy đủ nhất về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.

Việc tuyên truyền về tư tưởng và tấm gương đạo đức cũng như cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, theo tôi, không nên chỉ dừng lại ở các sự kiện, mà nên gắn với các câu chuyện kể về cuộc sống đời thường của Bác, những câu chuyện gắn với các tư liệu hiện vật mà Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trung bày,... qua đó công tác tuyên truyền sẽ đạt hiệu quả cao hơn đối với các tầng lớp nhân dân - đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

--------------

Cám ơn các khách mời và bạn đọc khắp nơi đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến. Hẹn gặp bạn đọc trên trang tri trực tuyến của hội thi.

"Hành trình theo chân Bác" là hội thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, những sự kiện gắn liền với hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”…

Hội thi dành cho tất cả bạn đọc trên khắp mọi miền tổ quốc và không phân biện tuổi tác, nhằm kỷ niệm 100 năm bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05-06-1911 – 05-06-2011).

Bắt đầu đăng ký từ ngày 27-5, tính đến nay đã có hơn 600 thành viên đăng ký tham gia hội thi tại trang thi http://tuoitre.vn/hanhtrinhtheochanBac/. Những bạn đọc đã từng đăng ký tham gia các cuộc thi trên Tuổi Trẻ Online đều có thể sử dụng lại tài khoản cũ cho hội thi lần này.

Hội thi sẽ bắt đầu vào lúc 14g30 ngày 3-6 và được chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 14g30 ngày 3-6 đến 20g ngày 4-6; đợt 2 từ 7g đến 17g ngày 5-6.

Với hình thức thi trực tuyến, các thí sinh sẽ có những cuộc chơi thật sự gay cấn khi phải vượt qua 5 chặng thi với 100 câu hỏi trong thời gian 60 phút và bài tự luận.

Phần thi tự luận trong vòng 30p, nội dung bài dự thi không quá 1.500 chữ và đề thi sẽ được ra một cách ngẫu nhiên 1/5 chủ đề sau:

Chủ đề 1: Bạn tâm đắc điều gì từ hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ, cá nhân bạn sẽ vận dụng điều tâm đắc ấy vào cuộc sống của mình như thế nào?

Chủ đề 2: Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bạn tâm đắc và có khả năng làm theo phẩm chất đạo đức cao quý nào của Bác Hồ? Bạn học được gì và làm theo được gì từ phẩm chất cao quý ấy?

Chủ đề 3: Trong bài viết “Thanh niên phải làm gì”(10/2/1948) Bác Hồ đã khuyên Thanh niên phải có ý chí «Tự động, tự cường, tự lập». Bạn hiểu lời khuyên của Bác như thế nào và lời khuyên ấy có ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ thanh niên hôm nay?

Chủ đề 4: Từ tấm gương tự học của Bác, bạn suy nghĩ gì về việc học tập hiện nay của chính bạn và hiến kế gì cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo của đất nước?

Chủ đề 5 : Nhà thơ Tố Hữu viết «Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn». Bạn có suy nghĩ gì từ câu thơ trên.

Số lượng, nội dung và cấp độ khó của các câu hỏi sẽ tăng dần qua từng chặng. Mỗi thí sinh sẽ được 3 lần thi lại từ chặng đầu tiên nếu không vượt qua được từ chặng 2 trở về sau.

Tổng giá trị giải thưởng của hội thi là 113 triệu đồng, trong đó giải nhất 15 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng và giải ba 7 triệu đồng.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên