(Nhân đọc bài “Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Khó khả thi”)
Thế nhưng, khi đặt chân đến đây, du khách không khỏi sững sờ, chụp ảnh kỷ niệm với những dòng xe đông nghẹt. Người dân địa phương không ngừng than phiền về nạn kẹt xe mà họ phải đối diện mỗi sáng đi làm và mỗi chiều về nhà.
Phóng to |
Rối loạn tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Phan Văn Hân (dưới chân cầu Thị Nghè, phía Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong giờ cao điểm buổi sáng do lượng xe máy từ nội thành đổ ra, từ Hàng Xanh đổ vào và từ chợ Thị Nghè đổ ra nhưng không ai nhường ai (ảnh chụp ngày 8-9) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Tôi đã từng kẹt trong đám ùn tắc giao thông trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) hơn nửa tiếng, đã từng tìm cách thoát ra khỏi vòng xoay ngã sáu dân chủ... Có trải qua những khoảnh khắc ấy, tôi mới nhận ra thật khổ sở như thế nào khi phải hít khói bụi, mất nhiều thời gian luẩn quẩn trong đám kẹt xe.
Gần đây, TP.HCM đề xuất phương án thu phí ôtô vào trung tâm Q.1, Q.3 nhưng tôi thấy không khả thi cho lắm. Nếu một người mua được một chiếc Mercedes hàng chục nghìn đôla thì họ tiếc gì ba chục hay năm chục nghìn đồng tiền phí để vào trung tâm thương mại thành phố. Về việc phân làn đường cho xe máy và ôtô, tôi quan sát có nhiều nơi được phân tuyến như đường Pasteur, Điện Biên Phủ nhưng vẫn có người đi bộ trên làn đường xe máy, taxi đi trái tuyến, nhiều xe đậu trên đường…
Tôi ủng hộ việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Ở VN, vé xe buýt rất rẻ do được Nhà nước trợ giá. Hiện nay hệ thống xe buýt ở TP.HCM đang được hoàn thiện với nhiều cải tiến về chất lượng, dịch vụ. Nếu hệ thống xe buýt không còn xả khói đen nghịt mà được thay bằng những chiếc xe sạch sẽ, trang bị máy lạnh với hướng dẫn rõ ràng từng điểm dừng thì chắc nhiều người sẽ chịu bỏ xe máy ở nhà để đi bằng xe buýt.
Trên hết, để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn trên đường, tôi nghĩ điều cần thiết nhất là giáo dục ý thức cho những người tham gia giao thông.
Nhiều lần tôi thấy tài xế xe tải nhỏ cứ bám theo ôtô đằng trước, chạy vượt đèn đỏ và rồi kẹt giữa làn xe, gây choán chỗ ở ngã tư. Có bao nhiêu người lái xe máy tăng tốc khi đèn vàng điểm 1-2 giây cuối, để rồi những người lưu thông chiều khác phải nhường đường cho họ? Bao nhiêu chiếc taxi đánh vòng giữa đường, gây khó khăn cho người điều khiển giao thông ở cả hai làn đường?
Ở VN hơn một năm, tôi nhận ra nhiều người chưa thật sự biết cách điều khiển xe và nhiều người lái xe không quan tâm đèn giao thông đang có màu gì. Vấn đề này có thể điều chỉnh bằng cách giáo dục nghiêm ngặt hơn cho những người lái xe, ngay từ khi họ học luật để xin cấp bằng lái. Theo tôi, việc này tuy cần nhiều thời gian hơn nhưng sẽ giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Ở VN, tuổi lấy bằng lái là 18 nhưng tôi thấy còn nhiều học sinh chạy xe phân khối lớn, nhiều khi không đội nón bảo hiểm trên đường. Chưa có bằng lái, lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông, họ chạy dàn hàng ba, hàng bốn, đánh võng trên đường, lơ là biển báo, biển cấm và gián tiếp làm cho giao thông thành phố thêm rối loạn.
Tôi mong VN sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy về Luật giao thông, dành nhiều thời gian hơn cho lý thuyết lẫn thực hành, nâng cao ý thức những người tham gia giao thông. Tuy phương án này không giải quyết hết những vấn đề đau đầu về giao thông thành phố nhưng là một bước đi đúng đắn cho tương lai.
Ngay cả những nước phát triển, có hệ thống giao thông tiên tiến nhất cũng không tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Giáo dục ý thức là một biện pháp cứu chữa nhỏ nhưng hiệu quả trong thời gian dài để tạo ra một sự khác biệt lớn, giúp giải quyết tình trạng giao thông hỗn loạn trong thành phố đông đúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận