19/08/2018 16:47 GMT+7

Giành sự sống cho người… chán sống

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Mưu trí, dũng cảm, tâm lý, gặp phải những tình huống bi hài, cười ra nước mắt… là những điều mà các chiến sĩ đội cứu nạn cứu hộ trung tâm Cảnh sát PCCC TP.HCM vẫn thường trải qua khi giành lại mạng sống cho những người… chán sống!

Giành sự sống cho người… chán sống - Ảnh 1.

Giải cứu thanh niên leo cột điện cao thế 30m đòi tự tử - Ảnh: A.X.

Thượng tá Lê Quang Thuấn, phụ trách lực lượng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh trong những vụ nạn nhân đòi tự tử. Nhưng khi đến hiện trường mà người chán sống... còn sống, gian nan cỡ nào chiến sĩ cứu nạn cũng giúp họ thoát chết.

Kiên nhẫn, tâm lý

Trưa 13-6, nhận được tin báo có một thanh niên muốn nhảy lầu tự tử tại Bệnh viện Trưng Vương (Q.10), lực lượng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM tức tốc đến hiện trường. Nhìn người thanh niên đứng cheo leo ở tầng 5, thượng tá Thuấn nhanh chóng chọn vị trí đặt nệm hơi phòng nạn nhân rơi xuống.

Thu thập thông tin nhanh, đội cứu hộ nắm được thanh niên này 19 tuổi, thất tình uống thuốc ngủ tự tử. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, bệnh nhân leo ra ngoài rào chắn tầng 5 đòi tự tử. Đơn vị cho người tiếp cận, dùng các biện pháp nghiệp vụ khuyên bệnh nhân trở vào bên trong. Tuy nhiên, tinh thần bất ổn, bệnh nhân la hét: "Ai đến gần tôi sẽ nhảy xuống...".

Những chiến sĩ cứu nạn giãn ra, dùng mọi lời lẽ khuyên bệnh nhân. "Lúc đó cần nhất là sự chia sẻ để giữ bệnh nhân đừng làm liều" - thượng tá Thuấn nói.

Lúc này, bệnh nhân ra yêu cầu gì cũng được chiều theo, như cung cấp điện thoại, gặp người thân. Đến khi bệnh nhân đòi gặp bạn gái thì phải ráng tìm ra nhà rồi nhờ chính quyền đến tận nhà đưa cô gái đến gặp, nhưng gia đình cô lại không cho. Chiến sĩ cứu nạn phải nói dối "đã liên hệ rồi, bạn gái đang trên đường tới" và lại tìm mọi cách...

Thấy bệnh nhân la hét ngoài nắng khá lâu sẽ khát nước, lực lượng cứu hộ tìm cách tiếp nước. Do uống ít nước, bệnh nhân sẽ yêu cầu thêm. Cứ mỗi lần đưa một ít nước là mỗi lần tiếp cận gần hơn, kết hợp nhiều biện pháp tâm lý, đến khoảng 16h, sau nhiều giờ lực lượng cứu nạn đã thuyết phục thành công.

Bệnh nhân cho nắm chặt tay đưa vào bên trong an toàn trước sự vỗ tay của người dân bên dưới.

Cười ra... nước mắt!

Nhiều cán bộ chiến sĩ đội cứu nạn cứu hộ kể lại chuyện cười ra nước mắt bởi những tình huống khó đỡ. Một buổi chiều, đơn vị nhận tin cứu một phụ nữ khoảng 40 tuổi, leo lên trụ điện trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1). Người phụ nữ đang gặp nguy hiểm bởi độ cao và có thể bị điện giật.

Lúc đó chưa có nệm hơi, phải có ít nhất 4 người căng bạt bên dưới phòng khi người phụ nữ té xuống. Sau khi ngắt điện, mọi người thuyết phục, làm mọi biện pháp nhưng nạn nhân không chịu xuống, khăng khăng đòi chết. Đang lúc thấm mệt, bất ngờ nạn nhân nói: "Muốn gặp trai đẹp, thư sinh, nhiều tiền, chở đi chơi!".

Tổ công tác nhìn nhau căng thẳng, mọi người mới nhớ trong lực lượng có một chiến sĩ trắng trẻo, đẹp trai. Chiến sĩ này được điều đến, mặc áo quần sang trọng, tay cầm cọc tiền nhìn lên người phụ nữ trên cột điện.

Đang muốn chết, nạn nhân tự nhiên sáng mắt, tổ công tác nhân cơ hội thuyết phục nạn nhân xuống đất an toàn. Sau đó, chiến sĩ "đẹp trai" chở bà đi ăn uống, khuyên nạn nhân đến khi ổn định mới giao lại cho cơ quan chức năng...

Sau vụ "thiếu trai đẹp nên tự tử", khoảng hai tuần sau, cũng trên đường Tôn Đức Thắng, đơn vị tiếp nhận tin báo cứu trẻ em đòi tự tử trên đọt cây dừa. Khi đến nơi, lực lượng cứu nạn phát hiện một cậu bé 9 tuổi đang trên đọt cây dừa, mặt xanh như tàu lá. Nhiều người khuyên hết lời nhưng cậu bé không chịu leo xuống.

Sau khi cử người thủ sẵn bên dưới phòng cậu bé rơi xuống, tổ công tác bắc thang tiếp cận để nói chuyện. Các chiến sĩ liên tục hỏi nhỏ nhẹ: Con đừng làm chuyện dại dột, ai làm con buồn, con muốn gì cũng được...

Nói muốn hụt hơi, cậu bé vẫn tỏ ra hoảng sợ, cứ nhấp nhổm như muốn nhảy xuống. Khi mọi người định tìm cách tiếp cận, muốn giữ cậu bé thì bất ngờ cậu bé lí nhí: "Con đâu có muốn chết, con đâu có tự tử gì đâu!?".

Nghe là lạ, chiến sĩ hỏi han mới hiểu: cậu bé leo lên cây dừa hái trộm, khi bị phát hiện sợ bị bắt nên không dám xuống, còn phía dưới thì hiểu nhầm tự tử (!).

Sướng nhất là tiếng vỗ tay!

Tiếp cận cứu người... chán sống không chỉ nạn nhân gặp nguy hiểm, chiến sĩ cứu nạn cũng bị nguy hiểm rình rập.

Chỉ lên bàn tay chi chít thẹo, một vết thương còn hằn trên khuôn mặt, thiếu tá Nguyễn Chí Thành, phó đội trưởng đội cứu nạn cứu hộ, nhớ lại tai nạn nghề nghiệp năm 2005 tại một nhà kho ở quận 7.

Lúc đó đơn vị nhận giải cứu một thanh niên leo lên mái nhà kho độ cao hơn 10m, có dấu hiệu tự tử. Khi đến nơi thuyết phục không thành, tổ công tác tìm cách tiếp cận khống chế nạn nhân đưa xuống.

Do địa hình khó khăn, anh Thành di chuyển trên mái tôn men theo nóc nhà. Không may, anh giẫm miếng tôn mục bể nát và rơi xuống đất bị thương nhiều nơi, nhưng nặng nhất là chấn thương cột sống. Sau vụ tai nạn, khoảng 3 tháng sau anh mới đi lại được, tiếp tục công việc. "Đó là vụ nặng, còn bị ném đá, đánh đập sưng mặt là bình thường" - anh Thành chia sẻ.

Theo quy trình công việc, khi cứu xong, nạn nhân sẽ được bàn giao lại cho gia đình, cơ quan chức năng liên quan xử lý tiếp theo. Nhưng đối với cán bộ chiến sĩ cứu nạn, họ không "khô cứng" theo nguyên tắc, bởi quan trọng là làm sao cho nạn nhân đừng tiếp tục làm chuyện dại dột.

Năm 2006, khi tiếp nhận giải cứu một thanh niên đang cheo leo trên vách ngăn cửa sổ tầng 4 một tòa nhà ở Q.Bình Thạnh, khi bung thang tiếp cận, chiến sĩ cứu nạn biết nạn nhân bị thất tình và thuyết phục nạn nhân xuống đất an toàn. Sau khi bàn giao cho công an phường và bệnh viện, thanh niên này chỉ muốn đi nếu có chiến sĩ cứu nạn bên cạnh.

Khi đó, anh Thành xin phép chỉ huy, theo thanh niên này đi vào bệnh viện. Tại đây, anh chiến sĩ cứu nạn đã khuyên chàng trai phải biết trân quý cuộc sống. Khi nạn nhân ổn định, anh Thành mới trở về đơn vị...

Các cán bộ chiến sĩ cứu nạn chia sẻ mọi công việc của lính PCCC đều có kỷ niệm vui buồn và ý nghĩa như nhau. Nhưng đối với lính cứu nạn cứu hộ, niềm vui sướng nhất của họ là được nghe thấy tiếng vỗ tay của người dân mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ cứu người.

Đóng giả... lãnh đạo thành phố để giải cứu

cứu nạn

Giải cứu một thanh niên “ngáo đá” leo nóc chùa tại quận 8 - Ảnh: HỮU THUẬN

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành cũng chia sẻ việc cứu người là cả một quy trình làm việc căng thẳng và có khi rất tốn kém. Chẳng hạn vụ giải cứu thành công nam thanh niên 38 tuổi bị "ngáo đá" leo lên trụ điện cao thế 30m trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) đòi tự tử sáng 8-1.

Nếu giải cứu kéo dài sẽ gây kẹt xe, mất trật tự an toàn giao thông. Không cúp điện thì khả năng nạn nhân bị mất mạng, còn cúp điện thì ảnh hưởng toàn thành phố. Phương án đưa ra là cúp điện.

Sau khi ngắt điện, phải huy động thêm 2 đơn vị, 3 nệm hơi dưới đất, triển khai xe thang 32m. Khi leo xe thang tiếp cận thuyết phục, thanh niên la hét chống trả, ném những thanh sắt vào chiến sĩ cứu nạn. Thanh niên này một mực yêu cầu gặp một lãnh đạo TP.HCM, nếu không sẽ nhảy xuống đất tự tử.

Lúc đó, chiến sĩ cứu hộ cũng móc máy gọi tượng trưng, nhờ người chở người mà nạn nhân cần gặp.

Khoảng 15 phút tâm sự thuyết phục, chiến sĩ cứu nạn chỉ xuống dưới đất rất xa có dáng người giống một lãnh đạo thành phố và nói: "Ông đến rồi, ông yêu cầu xuống gặp ông nói chuyện". Khi đó, nam thanh niên mới chịu cho tiếp cận và đưa xuống đất an toàn...

"Nghề" cứu hộ hang động 'Nghề' cứu hộ hang động

TTO - Dù chẳng có trường đại học hay học viện nào đào tạo, nghề cứu hộ hang động vẫn luôn là lựa chọn của những đam mê riêng tự thân và tự nguyện của nhiều người.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên