29/01/2004 06:13 GMT+7

Giành lại tuổi thơ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một người mẹ ở Tiền Giang đã yêu cầu bằng được anh công an địa phương mặc thường phục, lận súng thắt lưng, để đến mái ấm Hoa Hồng (P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM) tìm con. Bà tưởng đứa con nhỏ của bà lại rơi vào một “động quỉ”. Nhưng rồi bà đã bật khóc vì mừng khi nhìn con mình đang say mê bên bàn học may... Trách nhiệm cùng tình thương của các cô, của xã hội đã giành lại tuổi thơ cho các em..

xlqlSjbY.jpgPhóng to
Giải trí buổi tối ở mái ấm

Những vòng tay thân ái

Tôi tìm đến mái ấm Hoa Hồng, nơi cưu mang các em gái trở về từ Campuchia, hoặc đang bị bóc lột sức lao động, có khả năng bị buôn bán, xâm hại tình dục. Chiều nắng vàng ấm. Nhịp sống đô thị ồn ĩ, gấp gáp như bị chặn lại phía ngoài bức tường xanh. Các em đang giờ vui chơi. Ở góc bếp, một nhóm em đang quây quần nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều.

Dẫn tôi đi thăm các em, cô Nguyễn Kim Thiện, quản lý mái ấm, chỉ vào từng chiếc ghế, từng tấm bảng, những chiếc máy may... và nói rằng tất cả là dành cho các em. Các thầy cô, giáo dục viên đều mong ước các em học được cái chữ, cái nghề... 30 em đang ở mái ấm là 30 cảnh đời khác nhau, nhưng đều như những cọng mạ non mới qua cơn bão tố cần được sự chăm sóc, đùm bọc.

Cô Thiện kể với tôi, để những mảnh đời sớm oằn vai bất hạnh này nở lại được nụ cười thơ ngây là biết bao nỗ lực không mệt mỏi, thậm chí có cả nước mắt cô trò. H.,V., Đ., N.... ngày đầu vào mái ấm còn bỡ ngỡ, “phòng thủ” trước người lạ. Cô bảo gì các em dạ nấy, tới giờ ăn thì ăn, tới giờ ngủ thì ngủ, ánh mắt luôn cúi xuống, không bộc bạch tình cảm với ai. Nhưng rồi bản chất ngoan hiền lại nhanh chóng tràn về với các em. Hôm người thân ở dưới quê của H. lên đòi “bắt” về để lại có thể lợi dụng, em đã khóc ôm chầm lấy cô: “Cứu con với cô ơi!”.

Và hình như sự vùi dập của cuộc đời đã rèn cho các em nghị lực thật mạnh mẽ. H. “ốc tiêu” thuận tay trái, trước giờ chỉ biết cầm liềm cắt lúa, ngày đầu cầm kéo cắt vải cứ rụt rè, lóng ngóng như con nít mới tập tự xúc cơm.

Ấy thế mà chỉ vài tháng sau, H. đã lên “top” những em học nghề giỏi của mái ấm. Em ngồi học đối diện cô giáo, cái gì không biết hỏi liền và đã có thể tự tin may cho mình một cái áo bé xinh. Trò chuyện với tôi, ánh mắt long lanh, H. thổ lộ ước mơ trở thành một thợ may: “Mai mốt em đi làm công nhân để phụ giúp gia đình, rồi em sẽ làm cô giáo về dạy nghề may cho những đứa nhỏ ở quê em...”.

Ngoài các em ở mái ấm, những em gái cơ nhỡ bên ngoài cũng có thể vào học và được miễn phí hoàn toàn. Ngày tôi vào thăm, tám học viên lớp may mới được gửi đi thi tay nghề ở một khu chế xuất và đã đậu hết. “Đó là ngày vui lớn của chúng tôi vì chính các em sẽ có một tương lai cho mình...” - cô Thiện nói.

CSRvfRvj.jpgPhóng to
Các em được cô giáo dạy nghề may
Cánh cửa không bao giờ khóa

Tuy nhiên, cũng có những em hình như bị vùi dập nhiều quá nên đã hằn sâu những vết đen trong tâm hồn, rất khó khăn trong việc lấy lại niềm tin vào tình người. Em N. T. B. mới 16 tuổi, quê An Giang, nhưng đã bị vùi dập lâu ngày trong các “động” ở Campuchia.

May mắn được công an bên đó giải thoát, rồi trả về nước. Em vẫn cứ như mất hồn. Ngày đầu vào lớp học may ở mái ấm, em ngồi vắt tréo chân, không nghe hướng dẫn cũng chẳng thèm làm theo.

L.T.T. H., 15 tuổi, là con kế út trong một gia đình nông dân không đất ở xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, An Giang.

Em phải nghỉ học khi mới biết đọc, biết viết để theo cha mẹ cắt lúa mướn. Rồi cha đổ bệnh, mẹ tất tả đưa cha đi chữa trị.

Tất cả những gì bán được mẹ đã phải bán tháo hết, kể cả những thùng lúa non trả cho công cắt mướn. Cha vẫn bệnh liệt giường.

Trong cơn khốn cùng, một bà hàng xóm “tốt bụng” cho mẹ H. mượn vài triệu đồng, rồi mách đường lối cho em qua Campuchia “phụ việc quán, lương tháng 400.000 đồng để trả nợ dần cho cha mẹ mày”. Mẹ nhìn cha, nhìn em, rồi gật đầu...

Cô giáo chưa hỏi dứt câu, B. đã tỏ thái độ chống đối ra mặt: “Vô đây mà phải mần cực như vầy thì vô làm gì cho mệt?”. Ngay cả những em nhí nhất như T., P. mới xấp xỉ 11, 12 tuổi, ngày đầu tiên từ Campuchia về cứ đòi cùng ôm nhau nhảy lầu tự tử: “Ở bển bị nhốt, về đây cũng bị nhốt, thà chết còn sướng hơn”.

Nhưng rồi tình thương và sự kiên nhẫn của những tấm lòng đã dần dần giành lại được tâm hồn trẻ thơ. Mặc dù có một vài em đã bỏ trốn mang theo cả chiếc xe đạp của mái ấm, nhưng cánh cửa ra vào vẫn không bao giờ khóa. Đó là nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc căn bản nhất của nơi này: tôn trọng sự tự do chọn lựa của các em. Thế là có em đi rồi lại trở về, khóc nức nở trong vòng tay của các cô.

Ngay cả những em mới vào bị nghiện thuốc lá, cứ vật vờ suốt ngày, các cô cũng lặng lẽ đi mua rồi mới nhỏ nhẹ khuyên bảo và các em đã xúc động hiểu ra.

Trường hợp cứng đầu nhất như em N.T.T. ở Quảng Nam, bị chính cha kế xâm hại, rồi trôi giạt vào con đường mại dâm phương xa nên đâm ra thù đời, luôn tỏ thái độ không tin tưởng mọi người. Ngày được đưa vào mái ấm em vừa 16 tuổi nhưng đã nghiện thuốc lá nặng, cứ ra góc sân ngồi ngáp dài một mình.

Cô Thiện phát hiện, lặng lẽ đi mua cho em một gói thuốc lá, rồi tâm tình: “Con thèm thuốc lắm phải không? Thôi, cứ hút đi nhưng nên bớt dần. Ở ngoài quê con, tiền để mua gói thuốc này bằng công mẹ nhặt cỏ mướn cả ngày đó...”. T. cầm gói thuốc, nước mắt chảy dài trên gương mặt sớm hằn vết phong trần. “Rồi con sẽ bỏ mà...”. T. hứa và em đã làm được.

Tình thương cùng sự tinh tế đã dần dần làm các cô trò gần gũi nhau hơn. Có em suốt 3-4 tháng ở mái ấm không hé răng một lời về chuyện cũ, về gia đình; nhưng một đêm đi dã ngoại, nằm trong vòng tay các cô đã tâm tình tất cả. Cũng chính nhờ điều này mà các cô hiểu được nhiều hoàn cảnh đau lòng và càng thương yêu các em hơn. Bé V. ở An Giang có cả cha lẫn mẹ nghiện rượu. Vừa rồi em lặng lẽ xin phép về nhà chính là để chịu tang mẹ mất vì bệnh ung thư gan!

Vẫn còn nặng nỗi lo

Ở mái ấm Hoa Hồng có tám cô thì mới chỉ có hai cô Thiện và Tuyết (bảo vệ) là đã có gia đình. Các cô còn lại như Mai, Thanh, Cẩm Hồng, Nguyệt... đều chưa quá 30 tuổi và học khoa phụ nữ, tâm lý ra. Ngoài việc làm bạn, chăm sóc, dạy dỗ tại mái ấm, các cô còn thường xuyên đi về tỉnh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để giúp đỡ các em. Đó là công việc không đơn giản chút nào để biết được nỗi lo, nỗi buồn, thậm chí cả những việc làm sai trái của các bậc ông bà, cha mẹ.

Cũng không ít trường hợp họ đã nghi kỵ, xua đuổi các cô như thể các cô đã phá hoại cuộc đời con cháu họ vậy. “Phải kiên trì và chịu đựng... Không cách này thì cách khác chúng tôi cũng phải hiểu được gia đình các em để tìm ra biện pháp giúp đỡ...”.

Các cô tâm sự với tôi rằng họ không ngại thiếu tấm lòng và khả năng nâng đỡ các em, nhưng thật xót xa là tại sao những mảnh đời bất hạnh này cứ vẫn về đây mãi thế! Trong tập hồ sơ dày cộm, một số em bị dụ dỗ, lừa đảo, nhưng không ít em đã bị chính người thân của mình trực tiếp hoặc gián tiếp bán qua.

Ở các vùng quê, ông bà, cha mẹ các em có thể có rất nhiều lý do để giải thích hành động đưa đẩy con cháu mình vào bùn đen như nghèo khó, thiếu hiểu biết... Nhưng dù thế nào đó cũng là trách nhiệm của người lớn, các em chỉ là trẻ thơ như những nụ hồng non đang cần sự thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên