23/05/2005 04:36 GMT+7

Giảm tải: vai trò người thầy là số 1!

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Tuổi Trẻ xin khép lại diễn đàn “Đi học khổ quá, ai ơi!” ở đây với hi vọng ngành GD-ĐT sẽ tiếp thu và điều chỉnh kịp thời các yếu tố liên quan để vấn đề này không còn là chuyện “khổ quá, nói mãi...”.

Đi học khổ quá, ai ơi!

CERSTcOy.jpgPhóng to
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ

Trước khi đảm nhiệm cương vị phó Ban Khoa giáo trung ương, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đã nhiều năm tham gia công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, qua cuộc trao đổi giữa Tuổi Trẻ với PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ xung quanh thực trạng dạy và học ở phổ thông hiện nay.Mở đầu cuộc trao đổi, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ nhận định:

- Giáo dục phổ thông hiện nay đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng có lẽ vấn đề khiến xã hội bức xúc nhất là sự nặng nề trong chương trình học và thi cử.

Ngành giáo dục cũng đã nhận ra và đã có những giải pháp thực hiện, nhưng kết quả có thể chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội, người học lẫn mục tiêu chính ngành giáo dục mong muốn đạt được. Ví dụ như đối với chương trình, sách giáo khoa (SGK), trong những năm qua ngành giáo dục đã có những nỗ lực đầu tư đổi mới, đạt được một số kết quả như kiến thức được cập nhật, nội dung chương trình, SGK đã giảm dần những kiến thức hàn lâm... Nhưng quả thật chương trình, SGK phổ thông hiện vẫn còn nhiều khiếm khuyết phải tiếp tục chỉnh sửa. Trước hết, cần phải tiếp tục nghiên cứu giảm tải...

* Theo ông, vì sao chủ trương giảm tải đã được ngành giáo dục đề ra từ nhiều năm qua, nhiều bộ SGK đã được biên soạn với yêu cầu giảm tải nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn?

- Có lẽ trong lúc xây dựng chương trình mới, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của chương trình cũ. Việc xác định mức độ yêu cầu kiến thức vẫn cùng lúc tuân thủ nhiều nguyên tắc mà trong đó giảm tải chỉ là một nguyên tắc, khiến những người biên soạn chương trình chưa thật sự mạnh dạn thể hiện được triệt để yêu cầu cải tiến, giảm tải. Những người tham gia xây dựng chương trình cũng chưa hoàn toàn tiếp cận với phương pháp, phương thức xây dựng chương trình mới để có thể tạo ra thay đổi đáng kể trong chương trình, SGK mới.

Mặt khác, theo tôi, vai trò của người giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy trên lớp, chuyển tải chương trình, kiến thức đến người học rất quan trọng trong việc thực hiện giảm tải, nhưng hiện nay đóng góp của đội ngũ GV vào mục tiêu này chưa được rõ nét. Đổi mới nội dung chương trình phải gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy mới thật sự đem lại hiệu quả. Phải thay đổi cơ bản phương pháp giáo dục nhằm khắc phục kiểu truyền thụ một chiều, nặng lý thuyết, ít khuyến khích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thực hành sáng tạo cho người học.

xrsQoyAT.jpgPhóng to
Ngoài giờ học chính khóa, học sinh khối 9 Trường THCS bán công Võ Văn Tần (Tân Bình, TP.HCM) phải tăng tiết từ 18g-20g15 - Ảnh: Minh Giảng
* Thưa ông, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là một vấn đề đã được ngành giáo dục đặt ra khá quyết liệt, nhưng trong thực tế vẫn không có sự chuyển biến...

- Hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy chưa cao vì nhiều yếu tố, trong đó thiếu thiết bị dạy học cũng là một yếu tố. Thiết bị dạy học thường đi sau trong khi đây là một yếu tố hỗ trợ GV đổi mới phương pháp giảng dạy. Gần đây, cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thiết bị dạy học được ưu tiên đầu tư nhưng lại đầu tư không đồng bộ, nhiều nơi có thiết bị nhưng thiếu phòng thí nghiệm khiến hiệu quả sử dụng chưa cao.

Nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới phương pháp giảng dạy là vai trò của người GV. Trong khi đó, tôi thấy dường như ý thức và sự nhiệt tình đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đến được từng GV, chưa được GV thực hiện thường xuyên, liên tục. Dường như GV mới chỉ chú ý đến những giờ có dự giờ, kiểm tra, dạy mẫu...

* Lại một lần nữa ông đề cập đến vai trò của người GV. Nhưng liệu có thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của GV trong khi chương trình, SGK còn nặng nề, yêu cầu kiến thức còn quá tải với thời lượng giảng dạy trên lớp?

- Tôi vẫn luôn tin rằng và chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đồng tình với tôi, đội ngũ GV là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, muốn đổi mới giáo dục cần nhiều yếu tố, nhưng người GV, với ba yêu cầu trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và đạo đức, vẫn là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho sự thành công.

Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, đa số vẫn chạy theo lối dạy cũ, nặng về truyền đạt lý thuyết, ít chú ý đến phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành của người học.

Tất nhiên còn vai trò của các cấp quản lý giáo dục ở đâu? Đổi mới phương pháp giảng dạy đã được ngành xác định là một yêu cầu bức thiết để đổi mới giáo dục nhưng tại sao nó vẫn chưa “thấm” đến từng GV, để người GV coi đổi mới phương pháp như một yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện? Đó là trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, do còn thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo như phải đưa vào chỉ tiêu thi đua, có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời... Song song với điều đó, chúng tôi cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông cần tiếp tục điều chỉnh và giảm hợp lý nội dung, chương trình cho phù hợp với tâm lý, sinh lý của HS, nhất là cấp tiểu học và THCS.

* Ngoài những đề xuất trên, nếu được đề nghị một giải pháp cụ thể, cấp bách có thể trực tiếp giải quyết tình trạng học thi quá tải, căng thẳng trong nhà trường phổ thông hiện nay, ông sẽ chọn giải pháp nào?

- Theo tôi, thi cử là một vấn đề mà nếu giải quyết được tốt sẽ góp phần trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề khác không chỉ là quá tải, căng thẳng mà còn cả tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh chạy theo thành tích... Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải cùng các cơ quan liên quan có những giải pháp cải tiến, đổi mới thi cử, đánh giá từ thi kiểm tra định kỳ, thi tốt nghiệp đến các kỳ thi tuyển sinh.

Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp tiểu học đã được bỏ, tiến tới là kỳ thi tốt nghiệp THCS, riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH trong một kỳ thi “kép”... Tức là về khâu tổ chức thi đang có những đổi mới. Nhưng về nội dung, yêu cầu và phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng cần thay đổi góp phần giảm áp lực học hành, ôn luyện đối với GV và HS như áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm, cải tiến cách ra đề, cách công bố môn thi tốt nghiệp...

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên