30/04/2024 15:06 GMT+7

Đề văn gây ngộp vì quá dài: Trách nhiệm của ai?

Đề văn dài ba trang A4 khiến học sinh cảm thấy ngộp là chuyện bình thường và độ dài của đề văn này chưa là gì so với các văn bản xuất hiện trong các đề thi tiếng Anh?

Quy định ngữ liệu kiểm tra môn ngữ văn không được lấy trong sách giáo khoa học sinh đang học gây nhiều khó khăn, rủi ro cho giáo viên - Ảnh: MỸ DUNG

Quy định ngữ liệu kiểm tra môn ngữ văn không được lấy trong sách giáo khoa học sinh đang học gây nhiều khó khăn, rủi ro cho giáo viên - Ảnh: MỸ DUNG

Đề kiểm tra môn ngữ văn cuối học kỳ 2 của khối 10 Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) tiếp tục là chủ đề nóng trên các diễn đàn. Các tranh luận về độ dài và độ khó của đề thi dường như chưa hồi kết.

90 phút làm bài, đề dài ba trang A4

Theo ma trận đề thi, 6 câu hỏi trong phần “Đọc - hiểu (5 điểm)” đã đảm bảo được các mức độ kiểm tra từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao về đặc trưng thể loại truyện ngắn. Đề thi bám sát văn bản, phù hợp với khung đánh giá năng lực và yêu cầu tính phân hóa của đề.

Ngoại trừ câu 6 (khái quát tư tưởng tác phẩm), các câu hỏi từ 1 đến 5 (hỏi về: ngôi kể, điểm nhìn, lời kể, tìm chi tiết thể hiện tính cách nhân vật, lỗi dùng từ Hán Việt), học sinh đều có thể trả lời tương đối tốt ngay cả khi không đọc hết toàn bộ văn bản ngữ liệu.

Đối với câu 6, để làm tốt, học sinh chỉ cần nắm kỹ và thực hiện thao tác tìm các từ khóa, câu chủ đề. Cũng cần đặt trong bối cảnh chương trình học: ở học kỳ này, học sinh được học và thực hành đọc hiểu thể loại truyện ngắn. Và hình thức các câu hỏi ngắn trong phần đọc hiểu đã quen thuộc với học sinh từ bậc THCS.

Ở phần “Viết (5 điểm)”, yêu cầu viết văn nghị luận cũng là dạng đề và nội dung kiến thức mà học sinh đã được học.

Như vậy, nhận định đề văn khó (nếu không tính đến yếu tố thời gian) là có phần chưa thuyết phục. Vấn đề ở đây chỉ còn là: với 90 phút làm bài, liệu đề thi này có dài hay không?

Độ dài của ngữ liệu ở phần “Đọc - hiểu” đã châm ngòi cho cuộc tranh luận không chỉ của học sinh, giáo viên mà còn của cả dư luận xã hội. 

Chúng ta thử lý giải vì sao người ra đề lại chọn ngữ liệu này?

Dù yêu cầu đề thi phải sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã được thực hiện nhiều năm nay, nhưng chương trình giáo dục phổ thông 2018 của khối 10 mới chỉ áp dụng được 2 năm nên sự lúng túng trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh là khó tránh khỏi. 

Dạng đề về thể loại truyện ngắn cũng là một tình huống gây trở ngại. Tâm lý người ra đề thường lo lắng nếu chỉ dùng ngữ liệu là trích đoạn, sẽ khiến học sinh khó hiểu hoặc không hiểu đầy đủ trọn vẹn văn bản. Nên người ra đề thậm chí còn cung cấp luôn cả thông tin tác giả của văn bản dùng làm ngữ liệu.

Đọc lướt hay đọc hiểu?

Và kết quả, chúng ta có một đề văn dài ba trang A4, khiến học sinh cảm thấy “ngộp” khi vừa nhận đề. Đây là tâm lý bình thường, vì lúc đó học sinh đang trong phòng thi, áp lực thi cử. 

Thế nên, một số ý kiến cho rằng học sinh đã được học kỹ năng “đọc lướt” nên sẽ không gặp tâm lý hoang mang là chưa thuyết phục. Vì rõ ràng, đề yêu cầu kỹ năng “đọc hiểu”, chứ không phải “đọc lướt”.

Quan điểm cho rằng độ dài văn bản của đề thi môn ngữ văn nói trên “chưa là gì” so với các văn bản xuất hiện trong các đề thi tiếng Anh, và từ đó kết luận học sinh đọc tiếng Việt đang ngày càng kém đi cũng là lối so sánh khập khiễng. 

Vì một bên là học tiếng (ngôn ngữ), một bên là học ngữ văn (bao gồm cả cảm thụ văn học). Mức độ đọc hiểu, phân tích văn bản là khác nhau. 

Đấy là chưa kể đề thi tiếng Anh phần lớn là dạng trắc nghiệm, học sinh chỉ cần suy luận logic để tìm ra đáp án đúng nhất trong 4 phương án mà đề đưa sẵn. Còn đề thi ngữ văn là dạng đề tự luận bao gồm cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Công bằng mà nói, ngữ liệu quá dài đã khiến học sinh phần nào gặp khó khăn trong quá trình làm bài. Đây là bài học kinh nghiệm chuyên môn cần được ghi nhận, để cùng thảo luận và có những giải pháp khả dĩ về sau.

Việc lựa chọn ngữ liệu cho đề thi ngữ văn chưa bao giờ là dễ dàng, vì phải đảm bảo đồng thời nhiều yêu cầu khắt khe theo quy định của các cấp chuyên môn từ tổ, trường đến sở. 

Vậy nên, các thao tác phản biện đề có được thực hiện không? Trách nhiệm của tổ trưởng, của ban giám hiệu, của chuyên viên mạng lưới bộ môn đến đâu? 

Và quan trọng hơn hết là định hướng và hướng dẫn ra đề của cán bộ phụ trách chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo cụ thể ra sao? 

Chúng ta không thể đẩy hết trách nhiệm lên vai người ra đề.

Đề văn gây ngộp vì quá dài: Trách nhiệm của ai?- Ảnh 5.

Đề văn khiến học sinh than quá dài, quá khó

Đề văn khiến học sinh than quá dài, quá khó

Đề văn có thật sự quá dài hay do học sinh quen lướt TikTok?Đề văn có thật sự quá dài hay do học sinh quen lướt TikTok?

Chuyện đề văn kiểm tra cuối học kỳ tại một trường THPT tiếp tục gây tranh luận: đề văn thật sự quá dài hay do học sinh thiếu kỹ năng đọc bởi thói quen lướt TikTok?



 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên