30/05/2020 14:28 GMT+7

Giảm tác hại khói thuốc lá: Cứu giới trẻ trước khi quá muộn

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ người hút thuốc lá hàng đầu thế giới và khu vực. Thế nhưng việc tuyên truyền không hút thuốc lá hiện như 'đàn gảy tai trâu', chưa đủ sức răn đe...

Giảm tác hại khói thuốc lá: Cứu giới trẻ trước khi quá muộn - Ảnh 1.

Nữ sinh và nam sinh hút thuốc, chơi game sau giờ tan trường - Ảnh: HƯƠNG THẢO

"Chúng ta đã nói rất nhiều về cách làm sao để giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá nhưng thực tế thực hiện thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Điều này cho thấy việc thực thi pháp luật, việc tuyên truyền nhận thức tác hại khói thuốc lá rất cần phải tính toán lại" - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Đỗ Văn Dũng phát biểu.

Nhà báo Đỗ Văn Dũng đặt vấn đề như trên trong buổi tọa đàm "Làm thế nào để giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá" do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 29-5. Trước thực trạng nhức nhối này, các chuyên gia là bác sĩ, luật sư và kể cả người sử dụng thuốc lá đã ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ giải pháp.

Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan tỉ lệ giảm 30%, ung thư giảm rất ngoạn mục vì có chế tài rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, ở nước ngoài mua thuốc lá rất khó và giá rất đắt, trong khi đó ở Việt Nam việc mua thuốc rất dễ dãi.

Ông ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

Khói thuốc lá bám trên quần áo, cơ thể cũng gây hại sức khỏe

Ông Vũ Xuân Phú - phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cho biết bệnh viện ông là nơi tiếp nhận, điều trị cho lượng lớn bệnh nhân liên quan tiền sử hút thuốc lá. Hiện nay tình trạng người hút thuốc lá chiếm số lượng rất lớn. Mỗi năm có 23.000 người mắc ung thư phổi, 20.000 người chết. Nhiều người có 30-40 năm hút thuốc, khi phát hiện ung thư thì quá muộn.

Đặc biệt việc bị hít khói thuốc thụ động (hay còn gọi là hút thuốc thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá) nhiều khi còn nguy hiểm hơn hút trực tiếp. Hiện nay tình trạng người hút thuốc chiếm một số lượng rất lớn. Trong đó hít khói thuốc thụ động nhiều khi còn nguy hiểm hơn hút trực tiếp. Người hít khói thuốc thụ động, đặc biệt phụ nữ mang bầu, trẻ em phải hứng chịu nguy cơ rất lớn.

Ông Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho hay một người hút thuốc lá đúng nơi quy định tưởng chừng như vô hại với mọi người xung quanh nhưng chỉ cần tiếp xúc với lượng khói thuốc ám vào quần áo, cơ thể người đã hút thuốc lá này cũng đủ gây hại.

"Một người hút thuốc tưởng chừng như vô hại nhưng khói thuốc đọng trên áo, cơ thể... sẽ gián tiếp xâm nhập vào người thân xung quanh, đặc biệt là bé nhỏ" - bác sĩ Thịnh nói.

Giảm tác hại khói thuốc lá: Cứu giới trẻ trước khi quá muộn - Ảnh 3.

Các chuyên gia và khách mời tại tọa đàm Làm thế nào để giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khó nhưng không phải không thể cai

Ông Trần Văn Ngọc - phó chủ tịch Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là giải quyết hậu quả của thuốc lá gây ra, tức là chi phí liên quan đến ung thư và tắc nghẽn mãn tính ngày càng cao.

Theo số liệu khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có phân nửa bệnh nhân bị ung thư phổi, tắc nghẽn mãn tính liên quan đến thuốc lá và có chiều hướng ngày càng tăng chứ không giảm. Còn theo số liệu từ chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy độ tuổi từ 57-66 tuổi có đến 19 năm hút với 8 điếu/ngày, trong đó có 72% nam và 28% là nữ. 

Theo thống kê, khói thuốc lá có thể gây ra 25 bệnh liên quan. Và đặc biệt nếu ngưng hút thuốc sẽ giảm đi 804 tỉ đồng để điều trị cho các bệnh nhân nội trú ở các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - chia sẻ bản thân ông có "thâm niên" hút thuốc khoảng 20 năm, từ những năm 1980. 

"Nghề luật sư hại não lắm, và khi đó sáng sớm được hút một điếu thuốc rất tuyệt vời". Tuy nhiên mọi sự "tuyệt vời" ấy nhanh chóng biến mất khi ông lập gia đình. 14 năm sau khi có gia đình, đi khám ông mới phát hiện mình tinh trùng yếu, bác sĩ khuyên phải mang thai hộ mới có thể có con.

"Tôi quyết định bỏ, dù trước đó từng quyết tâm bỏ... 10 lần" - luật sư Hậu nói. Ông kể rằng sau khi bỏ xong, nhờ việc tập thể dục, ăn uống điều độ... và điều khá bất ngờ xảy ra: chất lượng tinh trùng của ông tăng khả quan, có con không cần phải mang thai hộ.

Xử phạt, tăng thuế

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ người hút thuốc lá hàng đầu thế giới và khu vực. Thế nhưng việc tuyên truyền không hút thuốc lá hiện như "đàn gảy tai trâu", chưa đủ sức răn đe. 

Trước thực trạng lợi ích từ việc sản xuất, buôn bán kinh doanh thuốc lá mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, luật sư Hậu khẳng định: "Tôi thấy rằng không nên đánh đổi lợi ích sức khỏe bằng lợi ích kinh tế. Để ngăn chặn tình trạng hút thuốc, tôi thấy rằng cần phải tăng chế tài xử phạt và tăng giá thuế (áp thuế) nhập thuốc, đồng thời tăng kiểm soát buôn lậu thuốc ở các vùng biên giới".

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Phú cho rằng để giảm thiểu việc hút thuốc lá, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền cộng đồng, giải pháp khống chế việc sản xuất, nhập khẩu, chế tài xử phạt, kiểm soát tình trạng buôn lậu thuốc lá ở các vùng biên.

Theo luật sư Hậu, hiện nay quy định xử lý vi phạm khá rõ. Tuy nhiên, việc xử phạt rất khó thực hiện do quy định về xử phạt là thẩm quyền của các cơ quan thanh tra liên ngành. Vậy cần giải pháp là gì? Theo ông, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng trong việc giám sát, thực thi pháp luật và có quy định về việc phạt "nóng", phạt tại chỗ đối với người hút thuốc lá vi phạm.

Ngoài ra cần xem xét, đánh giá, sửa đổi các quy định về mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm Luật phòng chống tác hại thuốc lá 2012 để đảm bảo chế tài mang tính răn đe.

Ngăn người trẻ hút thuốc

Tác động nguy hiểm nhất của hút thuốc với thanh thiếu niên là khi việc đó trở thành một thói quen. Theo các bác sĩ, luật sư, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với thuốc lá dẫn đến nghiện thuốc lá vẫn còn diễn ra, vì thế cần đưa chương trình giáo dục không hút thuốc lá vào chương trình giáo dục THPT nhằm từng bước tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh, sinh viên.

Làm sao bỏ thuốc lá? Làm sao bỏ thuốc lá?

TTO - Khi thèm thuốc lá, bệnh nhân nên xem tivi, đọc sách hay chơi một môn thể thao, nhai kẹo... để quên đi cơn thèm thuốc.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên