22/03/2011 06:17 GMT+7

Giảm sức ép lạm phát

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Sáng 21-3, kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII - đã khai mạc. Trong kỳ họp, Ủy ban Kinh tế đề nghị phải điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế để giảm bớt sức ép lạm phát và cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng phải có lộ trình thích hợp.

Read this on Tuoitrenews.vn

H678gsme.jpgPhóng to

Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 ước tăng 6% nên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện - Ảnh: MINH ĐỨC

Sáng 21-3, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, với nhiệm vụ trọng tâm là thảo luận, xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

“Đây cũng là dịp để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được, những hạn chế, khuyết điểm để nỗ lực phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân” - ông nói.

Khó khăn lớn hơn năm trước

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong năm 2010 như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,78%, xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước đến nay (6,8 triệu tấn), an sinh xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn một số hạn chế, yếu kém lớn, trong đó có việc lạm phát tăng cao.

Theo ông Hùng, bước vào năm 2011, bên cạnh những thuận lợi cơ bản “chúng ta tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức lớn hơn so với năm trước”. Tăng trưởng GDP quý 1-2011 ước đạt khoảng 5,5%, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (tháng 3 ước tăng 2,2%; quý 1 ước tăng 6%).

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 nhằm tập trung chỉ đạo điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hướng đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững; đồng thời xác định rõ đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành.

Cùng với các nhóm giải pháp như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước... để từng bước giảm sức ép lạm phát, Chính phủ xác định tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo, chuẩn bị nguồn lực để tiếp tục điều chỉnh tiền lương, bảo hiểm xã hội.

kvAgBTpI.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao - Ảnh: VIỆT DŨNG

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là then chốt

Trong nội dung thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền nêu nhận xét: Chính phủ đã có những đánh giá, nhận định xác đáng về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trong đó xác định nguyên nhân chủ quan là căn bản, nhất là về hoạch định các chính sách thiên về tăng trưởng kinh tế, điều hành kinh tế vĩ mô, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, đầu năm chính sách thắt chặt nhưng cuối năm chính sách lại quá lỏng.

Tán thành với những định hướng và giải pháp lớn trong nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị phải điều tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế để giảm bớt sức ép lạm phát.

Ủy ban Kinh tế cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, không phát sinh phức tạp mới.

Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp lý được mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị Chính phủ giao cụ thể chỉ tiêu cắt giảm vốn đầu tư cho mỗi ngành, mỗi địa phương, việc cắt giảm các dự án cụ thể giao cho ngành và địa phương quyết định, không nên thành lập nhiều đoàn đi rà soát các dự án rồi mới cắt giảm.

Cùng với thực hiện các biện pháp trước mắt, Ủy ban Kinh tế cho rằng phải đồng thời thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được cho là một trong những khâu then chốt của chương trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Bên lề kỳ họp Quốc hội hôm qua (21-3), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã trao đổi với báo chí xung quanh một số giải pháp đang được Chính phủ thực hiện để kiềm chế lạm phát.

Về việc Chính phủ siết thị trường USD chợ đen nhưng trên thực tế người dân có nhu cầu chính đáng đang gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ từ ngân hàng, ông Hiền cho rằng: “Việc quản lý thị trường ngoại tệ được quy định từ lâu tại pháp lệnh quản lý ngoại hối nhưng vừa qua thực hiện chưa nghiêm. Thế nên chúng tôi kiến nghị phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý ngoại tệ. Trước mắt phải đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn phải tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế, người dân có nhu cầu ngoại tệ hợp lý có thể mua, tức là các ngân hàng thương mại phải bán cho họ”.

Khi được hỏi lạm phát ba tháng đầu năm 2011 đã gần chạm mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra, vậy có nên xem xét điều chỉnh chỉ tiêu này, ông Hiền nói: “Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là ưu tiên. Ngay bây giờ, nếu đặt vấn đề điều chỉnh mức bao nhiêu thì tôi cho là sớm”.

Việc cắt giảm đầu tư công sẽ thực hiện ra sao khi các kế hoạch phân bổ ngân sách đã được triển khai, ông Hiền cho rằng: “Cắt giảm đầu tư công không dễ, bởi trên thực tế nhu cầu đầu tư của chúng ta rất lớn. Nhưng không thể không cắt giảm bởi chỉ có như thế mới đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là trên cơ sở cân đối nguồn vốn, chúng ta đưa ra chỉ tiêu cho từng ngành, địa phương phải cắt giảm bao nhiêu. Các công trình, dự án cụ thể thì để các ngành, địa phương tự cắt giảm, như thế sẽ nhanh hơn. Chứ nếu chờ rà soát rồi sau đó mới cắt giảm thì chậm”.

____________________

Trong phiên làm việc chiều 21-3 của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo về nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ. Theo báo cáo, Chính phủ đã có sáu tiến bộ, kết quả lớn và cũng còn sáu hạn chế, yếu kém.

Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên

d2vWXLYL.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: V.DŨNG

Về thành tựu, Chính phủ và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển mạnh kinh tế dân doanh, đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và tạo cơ sở pháp lý đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.

Về quá trình đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, báo cáo khẳng định đã cổ phần hóa và chuyển toàn bộ 1.200 doanh nghiệp nhà nước còn lại sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã quy định rõ hơn về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và việc công khai kết quả hoạt động kinh doanh, thực hiện kiểm toán bắt buộc với doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những tiến bộ, kết quả lớn được Chính phủ đưa ra trong nhiệm kỳ vừa qua là đã tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Đặc biệt, theo báo cáo, dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu nhưng trong giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng của VN trung bình vẫn đạt khoảng 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD - vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên...

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ, Chính phủ đánh giá thu nhập của dân cư đã tăng khoảng 35% so với năm 2006 (đã loại trừ yếu tố tăng giá).

Điều hành kinh tế vĩ mô còn yếu kém

Về những hạn chế, yếu kém, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ đã thẳng thắn nêu việc xây dựng pháp luật, thể chế còn bất cập, hiệu quả quản lý điều hành chưa cao, kinh tế phát triển chưa bền vững, một số vấn đề bức xúc giải quyết chậm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo tốt, quản lý giá thuốc bất cập, xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc. Lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu, chưa khắc phục được nguyên nhân làm phát sinh tham nhũng, lãng phí, nhất là bất cập trong thể chế quản lý kinh tế, chính sách tiền lương. Trật tự an toàn xã hội cũng chuyển biến chậm...

Chính phủ cũng công nhận chưa có biện pháp thật kiên quyết và có hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 - 2010 tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 18,1% xuống còn 9,45%; đã có hơn 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 26.000 tỉ; khoảng 900 bệnh viện đã và đang được đầu tư, nâng cấp theo các đề án của Chính phủ; chi ngân sách cho an sinh xã hội từ 39.000 tỉ năm 2006 đã tăng lên 77.000 tỉ năm 2010, tăng 98,8%.

Cũng tại phiên họp chiều qua, Chủ tịch nước, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.

Cụ thể, mặc dù có nêu trong phần thành tựu nhưng theo báo cáo của Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước với tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt yêu cầu, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Đáng lưu ý, Chính phủ thừa nhận việc quản lý điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật hiệu quả, còn những hạn chế, yếu kém. Còn lúng túng trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhập siêu, bội chi ngân sách, lạm phát còn cao. Giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng có lúc chưa thật phù hợp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, phát triển chưa bền vững.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, đồng thời nêu ra bốn bài học kinh nghiệm và bốn kiến nghị với Quốc hội.

Trong bốn kiến nghị, đáng lưu ý, Thủ tướng đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu sửa Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền dân chủ của dân, tăng pháp chế, kỷ cương, để từ đó sửa Luật tổ chức Chính phủ, đảm bảo cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm để nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã để dân được phát huy quyền dân chủ trực tiếp...

______________________

Tại kỳ họp lần này, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có báo cáo bổ sung trước Quốc hội về tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đó, đến nay tình hình đã có những kết quả bước đầu, sản xuất kinh doanh đã từng bước ổn định và phục hồi, bàn giao thêm được nhiều tàu cho khách hàng, các tàu vận tải biển đã hoạt động trở lại, việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm.

Về việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm tại Vinashin, ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.

Bộ Chính trị đã bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự.

Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành công tác thanh tra toàn diện Vinashin, bên cạnh đó công tác điều tra đang được tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi Chính phủ báo cáo trách nhiệm trước Quốc hội về vụ việc Vinashin, Tuổi Trẻ đã ghi ý kiến của hai thành viên Chính phủ về vấn đề này. Một số đại biểu Quốc hội được hỏi nói rằng họ không có ý kiến gì nữa.

“Chức năng chưa rõ nên xác định trách nhiệm chung chung”

zPi0QMnp.jpgPhóng to
Ảnh: V.DŨNG
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rằng là người quản lý ngành, bản thân ông thấy cần phải rút ra bài học gì sau khi Chính phủ báo cáo trách nhiệm trước Quốc hội về vụ Vinashin, ông Dũng trả lời: “Bài học cuối cùng là phải xác định rõ vai trò, chức năng đại diện chủ sở hữu của Chính phủ và của từng bộ, của bản thân doanh nghiệp đó. Thời gian qua Chính phủ cũng từng bước phân định việc này. Phải phân định rõ vai trò, chức năng thì khi làm việc mới xác định trách nhiệm rõ ràng. Vừa rồi có những cái chồng lấn, chưa rõ nên khi xác định trách nhiệm thì chung chung. Nguyên tắc là ai làm người đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể chung chung được”.
NpOyoRLz.jpgPhóng to
Ảnh: V.DŨNG
“Là thành viên Chính phủ, tôi không bình luận gì thêm về nội dung báo cáo trước Quốc hội hôm nay, hãy để các đại biểu Quốc hội đánh giá. Tôi cũng chưa thể tiết lộ kết quả cuộc thanh tra toàn diện Vinashin vì chúng tôi chưa thể báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng chưa cho ý kiến” - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề Chính phủ báo cáo Quốc hội về trách nhiệm trước vụ Vinashin cũng như kết quả thanh tra toàn diện Vinashin mà Thanh tra Chính phủ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Truyền cho biết: “Chúng tôi đã thanh tra xong lâu rồi nhưng có một số việc Vinashin đề nghị giải trình nên có hơi chậm một chút. Vì vậy khi nào Thủ tướng yêu cầu và Vinashin giải trình xong thì chúng tôi sẽ trình. Tôi cho rằng trách nhiệm cơ bản của người này người kia, cấp này cấp khác cơ bản là như vậy (như Chính phủ báo cáo Quốc hội - NV), có chăng chỉ khác về số liệu mà thôi, chẳng hạn như thất thoát bao nhiêu thì phải đối chiếu, kiểm chứng cho kỹ. Đối với những việc Ủy ban Kiểm tra đã kết luận rồi thì thanh tra không tiếp tục làm rõ nữa, còn những việc khác Ủy ban Kiểm tra chưa làm sâu thì Chính phủ chỉ đạo cho chúng tôi thanh tra toàn diện để làm rõ thêm. Chẳng hạn như những vấn đề dư luận bức xúc bao gồm vay, nợ, lỗ và trách nhiệm trong việc vay, nợ, lỗ này như thế nào. Đây là những nội dung rất quan trọng đối với việc tái cơ cấu Vinashin, việc quy trách nhiệm chỗ này chỗ kia cũng phải dựa vào số liệu này”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên