Vụ ông Huỳnh Văn Nén là một điển hình trong vi phạm tố tụng dẫn đến oan sai. Trong ảnh: các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi công khai ông Nén - Ảnh: T.L. |
Luật quy định việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan tố tụng, không phải việc của bị cáo, bị can. Đẩy mạnh tranh tụng tại tòa cũng là việc đẩy mạnh về cải cách tư pháp |
Những vụ oan sai phần lớn xuất phát từ những điểm bất ổn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, chia sẻ:
“Chưa bao giờ tôi thấy vấn đề oan sai nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận như hiện nay. Đó là một tín hiệu đáng mừng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Khi nào những biện pháp giảm oan sai được thực hiện quyết liệt nhất thì quyền con người mới được nâng cao”.
* Luật hay Hiến pháp cũng quy định rõ về việc một người chưa được coi là có tội khi bản án chưa có hiệu lực. Nhưng thực tế hiện nay việc cơ quan tạm giữ, tạm giam bắt giữ người thì hạn chế tất cả các quyền đương nhiên có của họ. Theo ông, nên ứng xử thế nào với trường hợp này?
- Theo tôi, trừ tội phản bội Tổ quốc, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm giữ, tạm giam, còn các tội khác không cần áp dụng biện pháp ngăn chặn như thế.
Lạm dụng việc tạm giữ, tạm giam nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến việc bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai.
Giảm thế nào, giam bao lâu là quyền của cơ quan điều tra. Thậm chí có những vụ tôi thấy tình tiết rất ít, không có gì phức tạp nhưng cơ quan điều tra cứ gia hạn tạm giam hoài, theo tôi là không cần thiết.
* Các vụ oan sai gần đây cho thấy đều bắt đầu từ khâu điều tra. Theo ông, trong giai đoạn này cần phải thực hiện những việc gì?
- Theo tôi, điều tra viên chỉ nên có mặt và hiện diện tại phòng hỏi cung. Trong khi đó trại tạm giam, tạm giữ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của bị can nên cần phải giám sát quá trình hỏi cung này cùng với luật sư.
Khi đưa họ vào cũng phải khám sức khỏe, khi họ bị tạm giam để điều tra cũng cần phải đảm bảo sức khỏe cho họ.
Thực tế nhiều bị cáo ra tòa khai rằng bị điều tra viên bức cung, nhục hình; bị chửi bới, đánh đập; bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm...
* Ông đánh giá thế nào về hậu quả của những vụ án oan sai?
- Thứ nhất, đối với người bị oan thì không còn đau khổ nào bằng. Việc khởi tố, truy tố và kết tội oan một con người không chỉ ảnh hưởng đến con người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ. Khi đẩy người ta vào vòng lao lý là tước đoạt tương lai tốt đẹp của họ, của gia đình họ, dòng họ của họ.
Thứ hai, dưới góc độ xã hội thì dư luận của những vụ oan sai ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân, khiến người dân mất lòng tin vào các cơ quan tố tụng.
Những vụ như ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng... khiến dư luận không chỉ nhắc bây giờ mà còn được nhắc đến lâu, rất lâu nữa.
* Theo kinh nghiệm của ông, có giải pháp nào hạn chế oan sai?
- Theo tôi, yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Bởi ngoài việc luật hóa quyền im lặng và buộc phải ghi âm, ghi hình suốt quá trình điều tra thì việc thực hiện luật đó là con người cụ thể.
Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng có những cơ chế về sự công tâm và công bằng, nếu người cán bộ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình thì hẳn nhiên chuyện oan sai sẽ được giảm.
Và hơn nữa, cần phải có những chế tài quyết liệt hơn trong vấn đề xâm phạm hoạt động tư pháp để cán bộ khi thực hiện quyền hạn của mình đối với một con người, một vụ án cũng phải chịu trách nhiệm tương đương.
Nghề nghiệp của cán bộ công chức liên quan đến quá trình tố tụng hết sức đặc thù, mọi quyết định đưa ra đều ảnh hưởng đến sinh mạng, tự do, nhân thân của con người. Bởi vậy, việc lựa chọn những con người để thực hiện những công việc đó cũng phải là những con người xuất sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận