19/01/2007 00:40 GMT+7

Giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết: Chúng tôi hoan nghênh!

THANH - PHONG (TP.HCM)
THANH - PHONG (TP.HCM)

TT - Sau bài “Giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết?” (Tuổi Trẻ số ra ngày 18-1), nhiều vị phụ huynh là bạn đọc Tuổi Trẻ rất quan tâm và trình bày ý kiến của mình.

dnWM4Y9R.jpgPhóng to
Hè (năm học 2005-2006), nhưng HS một trường THCS ở TP.HCM vẫn phải đi học. Trong ảnh: HS đang tranh thủ ăn sáng trước khi vào học - Ảnh: N.C.T.

Tuổi Trẻ đã ghi lại ý kiến của các nhà giáo, tham khảo các kỳ nghỉ của học sinh các nước và ghi lại ý kiến của các bậc phụ huynh và cả học sinh trên trang báo này.

* Tôi rất đau xót khi thấy con mình phải cõng chiếc cặp to tướng với hàng đống sách vở và sự mệt mỏi của con sau ngày học. Nhất là vào những kỳ thi, cháu cứ cặm cụi suốt ngày, đi làm về tôi thấy cháu bơ phờ nhưng chỉ biết an ủi. Vậy mà, thi học kỳ xong, nghỉ được vài ba hôm cháu lại phải cõng chiếc cặp to tướng đến trường. Tôi nghĩ nếu giữa hai kỳ thi, HS có được thời gian nghỉ ngơi thì hay biết mấy.

Cứ đến hè, do được nghỉ ba tháng nên cháu chẳng biết làm gì, luôn nói là nhớ bạn. Tôi thấy nhiều HS như cháu lại mang chiếc cặp to tướng đi học hè. Phần thì sợ con thua sút bạn bè, phần sợ cháu ở nhà rồi chơi các trò điện tử nên tôi cũng bảo cháu đi học hè. Nhưng tôi xót lắm, thời mình đi học đâu phải khổ sở như thế. Ngày hè dài quá nên ở thành phố có không ít trẻ tụm năm tụm bảy chơi điện tử; ở quê thì lêu lổng đầu làng cuối xóm... Tất cả đều nguy hiểm. Trước những được mất của việc tăng thời gian nghỉ vào các dịp lễ tết, giảm kỳ nghỉ hè dài ba tháng - tôi ủng hộ đề nghị của Vụ Giáo dục tiểu học.

* Cũng như trong một cuộc chạy đua đường trường, nếu không phân bổ thời gian và từng quãng đường thì vận động viên sẽ dễ mất sức và không về đích được. Chúng ta nên phân chia thời gian nghỉ cho HS. Thường giáo viên học nâng cao nghiệp vụ vào kỳ nghỉ hè, nhưng nhà trường vẫn có thể sắp xếp thời gian để giáo viên cảm thấy thoải mái, không bị bó buộc là chỉ học nghiệp vụ khi hè đến. Nhà trường và giáo viên sẽ phân bố thời gian hợp lý để học nâng cao nghiệp vụ. Vả lại, có những vùng, miền chịu nhiều thiên tai, HS sẽ được nghỉ (giống như nghỉ đông ở các nước bạn), các em sẽ được an toàn hơn.

* Tôi đồng ý với ý kiến giảm thời gian nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ tết và các ngày lễ. Cụ thể nên như sau: các em vẫn khai trường vào đầu tháng chín hằng năm - nghỉ một tuần sau khi thi giữa học kỳ 1 - một tuần vào dịp lễ Noel và Tết Dương lịch (từ 25-12 đến hết 1-1 hằng năm) - ba tuần vào dịp Tết Nguyên đán - một tuần sau khi thi giữa học kỳ 2 - còn lại tám tuần (hai tháng) các em sẽ được nghỉ hè. Theo tôi, nếu được nghỉ như vậy các em sẽ có thời gian thư giãn, vui chơi để giảm căng thẳng sau mỗi kỳ thi và các dịp lễ tết các em cũng có thời gian vui chơi với gia đình. Tôi nghĩ cũng có rất nhiều phụ huynh và HS mong muốn như vậy. Sự thay đổi này là một điều tốt với HS, dù biết thay đổi một thói quen rất khó nhưng vì lợi ích của các cháu xin hãy cùng nhau thực hiện.

* Rất nên. Mặc dù phương án này có thể gây một số khó khăn cho quí phụ huynh và các thầy cô, nhưng đấy chỉ là những khó khăn ban đầu do chưa quen. Tôi tin rằng sau một thời gian các khó khăn này sẽ được khắc phục. Theo tôi, nếu chia nhỏ thời gian nghỉ là rất tốt. Ba tháng nghỉ hè là quá dài, quí phụ huynh có thể sắp xếp hợp lý đưa con đi chơi nhưng cũng không thể hết ba tháng được. Trong khi đó, thời gian học và lượng kiến thức quá nhiều. Vì thế không thể áp dụng những quan điểm cũ là học tích cực, sau đó sẽ được chơi thoải mái. Ngay cả máy móc cũng cần có thời gian bảo trì và nghỉ ngơi hợp lý trong ngày, thế thì tại sao các em HS lại không?

Lúc còn đi học cấp I, tôi cảm thấy rất chán vào những tháng cuối của thời gian nghỉ hè vì không biết đi đâu chơi, nhớ trường, nhớ bạn. Ngược lại, trong thời gian học tôi chỉ ước sao được nghỉ để được đi chơi. Nếu cứ học dồn học ép thì liệu có kết quả tốt không? Ở nước ngoài HS có nhiều kỳ nghỉ nhưng kết quả cũng rất tốt. Thế thì tại sao chúng ta không học hỏi cái hay ấy? Chúng ta đừng vì những lợi ích và sự khó khăn tạm thời của người lớn mà quên mất con trẻ!

* Tôi ủng hộ việc chia kỳ nghỉ của HS làm nhiều lần trong năm.

- Năm học kéo dài liên tục hai học kỳ (chín tháng) như hiện nay làm cho HS quá mệt mỏi, nhất là vào học kỳ 2. Bản thân tôi từng là HS rất chăm học nhưng kết quả học kỳ 2 của các năm học phổ thông thường thấp hơn kết quả học kỳ 1, bởi lẽ “năng lượng” cho học kỳ 2 không còn đủ.

- Kỳ nghỉ hè kéo dài ba tháng như hiện nay là khoảng thời gian quá dài. Nếu HS không đi học thêm hay có kế hoạch tự ôn tập trong hè thì vào đầu năm học hầu như những kiến thức được học của năm trước sẽ quên hết, sẽ mất nhiều thời gian ôn tập lại vào đầu năm, hoặc sẽ khó khăn cho HS tiếp thu bài vào đầu năm học mới, nếu nhà trường không tổ chức ôn tập lại. Minh chứng cho điều này là kết quả kiểm tra đầu năm học rất thấp.

- Tôi có bốn đứa cháu và nhiều người thân khác đang theo học phổ thông tại Úc, và những đứa cháu này cũng đã có thời gian học phổ thông tại VN. Nước Úc đã áp dụng hình thức nghỉ nhiều kỳ trong năm từ rất lâu, không chỉ cho HS tiểu học mà cho cả bậc học phổ thông. Tôi rất quan tâm đến chuyện học hành nên đã hỏi những đứa cháu về hình thức nghỉ này. Các cháu đều nói rằng cách nghỉ nhiều kỳ khỏe hơn và thích hơn rất nhiều.

Kỳ nghỉ của học sinh các nước

* Nhật: Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng tư và có ba học kỳ. HS đến trường từ tháng tư đến tháng bảy cho học kỳ đầu tiên, từ tháng chín đến tháng mười hai cho học kỳ hai và cuối cùng là từ tháng một đến tháng ba. Kết thúc mỗi học kỳ, các em được nghỉ khoảng hai tuần.

* Anh: Học sinh Anh được nghỉ học khoảng sáu lần trong năm học và thời gian nghỉ mỗi lần cũng ngắn hơn. Ở mỗi học kỳ mùa thu, mùa xuân và mùa hè, HS được nghỉ giữa học kỳ 3-4 ngày; ngoài ra, các em còn được nghỉ các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh, năm mới và đương nhiên là nghỉ hè. Đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, nhưng chỉ kéo dài khoảng một tháng.

* Indonesia: Các trường học ở Indonesia cũng tổ chức năm học thành hai học kỳ như VN, nhưng thời gian bắt đầu và các kỳ nghỉ hơi khác. HS tiểu học và trung học được nghỉ ba lần trong năm: giữa học kỳ một nghỉ hai tuần, giữa học kỳ hai nghỉ hai tuần và vào dịp Tết Hồi giáo các em được nghỉ học thêm hai tuần nữa. Không giống như ở Malaysia, các trường chỉ được nghỉ 1-2 ngày cho các dịp lễ phương Tây như năm mới và Noel.

* Trung Quốc: HS Trung Quốc được nghỉ hè một tháng rưỡi (từ 20-7 đến đầu tháng 9 thì các em đi học lại). Các trường còn cho HS nghỉ đông một tháng, từ cuối tháng một đến cuối tháng hai hằng năm. Ngoài ra, các em còn được nghỉ học vào các ngày lễ như quốc tế lao động và quốc khánh, mỗi kỳ được nghỉ bảy ngày.

Ý kiến người trong nghề: Cách làm rất hội nhập

* Ông Phạm Xuân Tiến (trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội): Ba tháng hè dễ quên kiến thức đã học

Tôi rất ủng hộ chủ trương này. Trẻ con thì vô lo, thường “nói trước quên sau”. Ba tháng nghỉ hè là thời gian dài, dễ quên những kiến thức đã học lắm.

Tôi muốn đề xuất cụ thể hơn cho kế hoạch này của ngành. Khai giảng năm học vào ngày 5-9, trẻ học hết tháng mười thì nên được nghỉ hai tuần, học tiếp khoảng hơn hai tháng thì lại nghỉ tết hai tuần nữa...

Sự thay đổi này có thể làm nhiều bậc phụ huynh vất vả vì “tự nhiên” phải đổi nếp, lo lắng chuyện “ai trông con” những ngày nghỉ - nhưng đó không phải là cái lớn. Phải xác định rõ, cái lớn nhất, vấn đề quan trọng nhất là “chất lượng” đứa trẻ, giáo dục có những quyết sách phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ là một tín hiệu vô cùng đáng mừng.

* Bà Trần Thị Thảo (hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Minh): Chứng tỏ VN đang hội nhập

Ở HS tiểu học, ý thức chủ động học tập còn hạn chế, nên nếu để các em nghỉ hè quá dài thì sự “vận hành” lại sau hè là cả một vấn đề đối với cả thầy và trò. Chưa kể có một thực tế là nghỉ hè dài, các bậc phụ huynh hay sốt ruột, chỉ cho con cái nghỉ "vừa phải" là lại tìm ngay lớp học thêm cho con.

Tôi được biết các nước tiên tiến đã áp dụng phương thức “tăng - giảm” và điều phối này từ lâu rồi. Bây giờ chúng ta mới “chủ trương” thật ra cũng là muộn. VN đã gia nhập WTO thì giáo dục cũng nên đưa ra những qui định theo chuẩn chung của thế giới. Ba tháng nghỉ hè là quá dài, nếu rút ngắn lại còn hai tháng là chúng ta được thêm một tháng cho nghỉ rét, nghỉ tết như nhiều nước trên thế giới rồi.

* Bà Hoàng Anh Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 3B Trường tiểu học Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Đây là chủ trương hợp lý

Giảm thời gian nghỉ hè, tôi nghĩ nhu cầu học thêm - dạy thêm sẽ không còn “bức xúc” nữa, các trường cũng quản lý giáo viên của mình tốt hơn vì các thầy cô phải hạn chế dạy thêm bên ngoài.

Giáo viên tiểu học chúng tôi có thể sẽ vất vả hơn trước đây, khi các tháng năm, sáu, bảy nắng nóng đỉnh điểm vẫn phải đứng lớp. Nhưng nghĩ rộng ra cho xã hội thì chủ trương này là tốt hơn rất nhiều cho trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi HS tiểu học.

* ThS Lê Thị Ngọc Điệp (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM): Rất phù hợp

Việc giảm thời gian nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ trong năm học cho HS tiểu học là rất phù hợp. Bởi đối với HS nhỏ tuổi, cho các em nghỉ một mạch ba tháng dễ làm HS quên kiến thức, uể oải khi bước vào năm học mới. Chuyện nghỉ tết hiện nay cũng vậy, một tuần hình như chưa đủ đối với HS và cả giáo viên. Một số em phải mất mấy ngày sau tết mới lấy lại tinh thần học tập bình thường. Tôi nghĩ nếu bậc tiểu học được nghỉ tết hai tuần thì mọi thứ sẽ giải quyết ổn thỏa.

Hiện nay, sau khi kiểm tra học kỳ 1, giáo viên tiểu học có một tuần “cơ động” vừa phải chấm bài vừa phải quản HS (HS vẫn đi học bình thường nhưng không học bài mới mà chỉ ôn bài, làm bài tập) - khá vất vả. Nếu thời điểm này giáo viên và HS được nghỉ hẳn một tuần thì HS sẽ rất thích thú, giáo viên cũng rảnh rang hơn, có thời gian tập trung làm điểm và làm hồ sơ sổ sách.

* ThS Nguyễn Việt Bắc (phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM): Nên có phương án thực hiện

Từ ý tưởng đúng đắn trên của Bộ GD-ĐT, tôi nghĩ bộ nên xây dựng một phương án thực hiện thật cụ thể. Trong đó, nên chú ý đến yếu tố quan trọng hàng đầu là: phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS tiểu học. Ngoài ra, bộ cũng nên quan tâm đến những yếu tố như: sắp xếp thời gian nghỉ sao cho phù hợp với đặc thù lao động của giáo viên tiểu học; bảo đảm quyền lợi học tập, bồi dưỡng của giáo viên (hiện nay việc học bồi dưỡng dồn hết vào mùa hè gây áp lực lớn cho giáo viên); có sự cân đối nhất định giữa các vùng, miền của nước ta và tham khảo thêm kinh nghiệm các nước trong khu vực Đông Nam Á...

THANH - PHONG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên