Phóng to |
Honda Civic ra mắt trong một lần triển lãm |
Các chuyên gia thị trường cho rằng, giống như Trung Quốc, ở thị trường Việt Nam-nhất là ô tô, xe máy, có những quy luật mà không có ở bất cứ đâu trên thế giới.
Nếu một hãng nào đó muốn tăng doanh số ở nước ngoài thì chỉ cần một đợt giảm giá là có thể đủ. Còn trong trường hợp tăng giá, hãng đó sẽ khó mà trụ nổi bởi có “hằng hà sa số” sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.
Trong khi đó tại Việt Nam thì quy luật hoàn toàn ngược lại. Càng tăng giá, xe bán càng chạy, càng giảm giá thì xe lại càng ế. Điều này được giải thích là do “tâm lý chờ đợi” và chạy theo “đa số” của người tiêu dùng. Nếu tăng giá, người mua vì sợ sẽ còn tăng tiếp nên mua ngay kẻo hết. Nếu giảm giá, họ lại cho rằng do không bán được mới giảm, vì vậy cứ chờ cho đến khi hạ đến mức kỳ vọng.
Ford Việt Nam là nhà sản xuất “thấm thía” nhất với nghịch lý này khi giảm giá tới 3 lần trong năm 2006 mà vẫn không “ăn thua”. Chẳng hạn với dòng xe Focus, hãng này chỉ bán được 240 chiếc trong cả năm 2006, tăng vỏn vẹn 95 chiếc so với 2005. Đó là doanh số quá nhỏ nhoi với một mẫu xe mới trình làng.
Lần này, có thể nói hãng đã “tỉnh táo” hơn khi tung ra phiên bản mới của Ford Everest. Thay đổi lưới tản nhiệt cho thêm phần mạnh mẽ, gương to hơn, bánh “béo” hơn. Trang bị cả hệ chống bó cứng phanh ABS và thêm một túi khí ở ghế phụ phía trước nhưng giá của Everest chỉ đắt hơn khoảng 400 USD ở mức 34.200 USD cho Everest 4x2 máy xăng và 33.200 USD cho bản 4x2 máy dầu.
Rõ ràng, so với giá từng thiết bị (khoảng 500 USD cho túi khí và gần 1.000 USD cho ABS), khoản 400 USD vẫn rẻ hơn nhiều và đây được đánh giá là bước đi tỉnh táo của Ford. Khách hàng trong nước có nhu cầu ngày càng cao nên việc có ABS và túi khí sẽ làm thoả mãn phần nào yêu cầu của người tiêu dùng.
Có thể nói, phương pháp “hạ giá bằng sản phẩm mới” không phải quá xa lạ gì với các hãng xe Nhật. Nối tiếp truyền thống ra phiên bản mới giá hạ của xe máy, lần này Honda áp dụng cho mẫu Civic của mình. Dù lượng xe bán ra luôn ở mức “mơ ước” của nhiều hãng khác, nhưng Honda Việt Nam cũng nhận ra rằng khi yếu tố xe mới giảm thì doanh số cũng sẽ vì thế mà xuống theo.
Một chuyên gia marketing từng nhận xét khi Civic mới trình làng là doanh số 300 xe mỗi tháng sẽ khó mà duy trì nếu hãng không giảm giá. Tuy nhiên, nhà sản xuất này cũng rất “khôn ngoan” đã cho ra đời Civic 2007 với cách làm giá khác chứ không hạ giá sản phẩm.
Loại bỏ hệ thống âm thanh, Civic 1.8MT (số tay) giảm 15 triệu đồng và được bán với giá 480 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Ngoài ra, gương trên Civic 1.8MT 2007 cũng không có chức năng gập điện. Vành đúc hợp kim thay bằng vành kim loại có nắp đậy.
Ngược lại với Civic 1.8MT, Civic 1.8AT phiên bản 2007 mới (số tự động) có nội thất bọc da màu ngà, tay lái cũng bọc da. Ngoài ra, tay nắm cửa được mạ crôm. Giá 534,2 triệu đồng đã bao gồm cả thuế VAT, cao hơn 19,2 triệu so với bản cũ.
Mục tiêu của Honda mà theo các chuyên gia dự đoán là tăng, hạ thấp trang thiết bị của Civic 1.8MT để tăng doanh số. Trong khi đó Civic 1.8AT sẽ chịu “trách nhiệm” về lợi nhuận. Với khoảng giá chênh lệch 54,2 triệu đồng, khách hàng có thể chọn cho mình chiếc xe vừa tầm tiền hoặc cao cấp hơn hẳn.
Cũng với “chiêu” thức này, Toyota Việt Nam cũng thường xuyên tung ra phiên bản mới, có giá tùy thuộc vào thị trường. Lần này với những biến động lớn, Toyota có thể sẽ cho ra mắt Vios mới với giá không cao hơn mức đã có (xét trên tỷ lệ giá/trang thiết bị).
Như vậy, cùng với sự phát triển của thị trường, việc tung ra các phiên bản các nhà sản xuất bắt đầu có “thiện chí” hơn trong việc làm giá bởi nó sẽ quyết định sự thành công hay thất bại.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, khi đưa ra xe phiên bản mới thay cho hình thức giảm giá thì sản phẩm đó chất lượng đến đâu? Vì trên thực tế, rất nhiều ô tô được tung ra theo “chiến dịch phiên bản” đã “cắt” rất nhiều tiện ích trong xe mà đáng lý ra những tiện ích ấy khi người mua xe là được thừa hưởng chứ không phải lựa chọn thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận