24/07/2010 06:21 GMT+7

Giải thưởng quốc tế và... chồng tôi

Công Anh
Công Anh

TT - Chồng tôi là một công chức của phòng văn hóa thông tin. Anh chụp ảnh thời sự, có chụp thêm ảnh cưới, ảnh dịch vụ nên đời sống gia đình cũng dễ chịu.

TT - Chồng tôi là một công chức của phòng văn hóa thông tin. Anh chụp ảnh thời sự, có chụp thêm ảnh cưới, ảnh dịch vụ nên đời sống gia đình cũng dễ chịu.

Anh có tham gia thi ảnh nghệ thuật, đoạt được một số giải thưởng trong nước... Nhưng từ khi theo bè bạn gửi ảnh dự thi quốc tế, hằng tuần anh thường đi Lâm Ðồng, có khi đến tận Buôn Ma Thuột để chụp người già, trẻ em người dân tộc vì đề tài này dễ có giải, hễ chụp là "đậu".

MA6RKcH4.jpgPhóng to

Cuộc sống Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ được lưu giữ qua những bức ảnh thế này.Trong ảnh: người dân làm vệ sinh hầm trú ẩn cá nhân - Ảnh: Đào Trình

Nhiếp ảnh VN và những ngộ nhậnCái bẫy hư danh

Người xem sẽ mãi không thể quên được hình ảnh những giọt nước mắt của ngày trở về gặp mặt giữa hai mẹ con người chiến sĩ cộng sản bị tù đày ở Côn Đảo qua tác phẩm Ngày trở về của tác giả Lâm Hồng Long, cảnh gần 2 triệu người dân Việt bị chết đói bởi giặc Pháp, Nhật qua các tác phẩm ảnh của Võ An Ninh, ảnh cô bé Kim Phúc bị bom napalm do máy bay Mỹ thả ở Trảng Bàng, Tây Ninh của Nick Út...

Không thể kể ra hết các tác phẩm ảnh trong quá khứ nhưng còn in đọng đến tận bây giờ. Nhưng có một điều rất dễ nhận thấy: hầu hết những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, còn đọng lại với thời gian đều là những tác phẩm được ghi lại bằng những khoảnh khắc chân thực của cuộc sống đang diễn ra.

Chồng tôi kể nhiều khi anh em đồng nghiệp rủ nhau đi nhưng giấu các nhân vật mà mình tìm được, ai biết thì "ăn" một mình, thành ra lắm lúc đi chung mà cũng không vui. Ði chụp ảnh trên đồi cát phải tốn kém tiền thuê trâu, thuê người mẫu, áo dài, quang gánh... nhưng cứ phải đi. Nhiều người chơi trong nước không đậu phải đi thi quốc tế để kiếm điểm và kiếm giải, được báo chí đưa tin.

Mỗi lần thi cũng khá tốn kém, có cuộc thi lệ phí 45-60 USD, cước phí bưu điện 250.000 đồng, tiền rửa ảnh hàng triệu đồng, trung bình mỗi lần thi tốn 1,5-1,8 triệu đồng để tham dự. Có khi một tháng chúng tôi tốn gần 6 triệu đồng cho bốn cuộc thi.

Chuyện gửi tiền rất vất vả, tiền phải kẹp giữa hai tờ giấy bạc bỏ trong hộp ảnh để gửi ra nước ngoài. Trong khi gia đình cũng không dư dả lắm, con xin đi học thêm nhiều khi còn so đo tìm nơi có học phí rẻ, tiền bạc thiếu hụt làm vợ chồng khá vất vả nhưng tôi cũng ráng chiều cho chồng vui và thỏa đam mê.

Sau nhiều lần dự thi, chồng tôi nhận được thư báo đoạt huy chương vàng FIAP, cả nhà vui như hội vì hi vọng giải quốc tế chí ít cũng vài nghìn USD tiền thưởng. Nhưng tiền chưa thấy về mà đã tốn kém chi phí chiêu đãi bạn bè, còn phải mời nhà báo đi uống cà phê để đưa tin lên báo.

Cuối cùng anh chỉ nhận được huy chương mạ vàng (không bằng chứng nhận, không ghi tên tuổi tác giả...), không có một đồng nào. Ban đầu tôi nghĩ chồng giấu tiền nên vợ chồng lục đục, chỉ đến khi tìm đến những người bạn thân cùng chơi ảnh quốc tế mới biết các giải thưởng FIAP đều không có tiền. Chồng tôi vì mê săn ảnh nên việc cơ quan chểnh mảng, đi hoài nên mối đám cưới thưa dần.

Từ khi đoạt giải, anh thêm hưng phấn và có phần tự cao. Sau lần tranh cãi với cơ quan về ảnh đẹp và ảnh thời sự nghệ thuật, anh xin nghỉ việc với hi vọng hàng chục giải thưởng quốc tế anh có sẽ thuyết phục các cơ quan truyền thông nhận vào làm, nhưng thử việc đều không xong, gia đình lại thêm thiếu hụt. Bạn bè chồng tôi có người cũng sa vào nợ nần vì ham mê đi thi quốc tế.

Tôi viết điều này hi vọng những người còn ảo tưởng về các giải thưởng quốc tế hãy nhìn lại và xác định hoàn cảnh của mình mà chơi hay không. Chơi thì cũng vui, được nhiều người biết tiếng, nhưng ai có điều kiện dư dả thì hãy chơi.

Điều tối kỵ đang diễn ra

...Người chụp không có mặt khi sự kiện xảy ra, song vì cần có ảnh đăng báo để hoàn thành công việc đã dễ dãi bố trí lại cảnh. Đây là cách làm việc của không ít người chụp VN hiện nay. Hôm nay nhờ phần mềm người ta còn bịa ra nhiều cảnh mới lạ, còn thêm bớt, còn bịa đặt, lắp ghép cảnh, thêm bớt người. Những điều tối kỵ với nghề ảnh của cả nhân loại, đáng buồn lại đang diễn ra ở VN! Vì sao những việc làm đáng xấu hổ ấy vẫn được chấp nhận?

Bởi những ảnh chụp như thế được đăng trên các báo và tạp chí, trên các phương tiện truyền thông thị giác. Những ảnh giả tạo ấy vẫn được trao giải thưởng, được tính điểm để phong tặng tước hiệu này, danh hiệu khác!

lamha93@...

Không quá tự hào

* Đa số nhiếp ảnh gia đến với sân chơi FIAP vì trình độ vừa sức và lệ phí không cao lắm so với các cuộc thi khác. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi: với sự phát triển của nền nhiếp ảnh thế giới hiện nay, nhiếp ảnh gia VN không nên đeo đuổi chỉ một tác phẩm để đoạt được giải thưởng rồi cứ mang đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Các nhiếp ảnh gia không nên quá tập trung vào các cuộc thi nữa mà nên đầu tư cho một dự án dài hơi, một đề tài gắn liền với thực tế cuộc sống hơn. Có thế, tác phẩm của họ mới đi sâu vào lòng người, được mọi người biết đến nhiều hơn là những tác phẩm đèm đẹp, nhàn nhạt.

* 20 năm qua, chúng ta thiếu một nền nhiếp ảnh sống động cũng vì công tác lý luận - phê bình gần như bị triệt tiêu bởi sự hời hợt, “định hướng nghệ thuật” trong nhiếp ảnh cũng hướng theo những đề tài nhàm chán, cũ rích. Tôi mong Tuổi Trẻ đi tiếp đề tài này vì một nền nghệ thuật nhiếp ảnh sôi động, tươi rói, bám sát thực tế, thấm đẫm hơi thở cuộc sống.

* Nhìn vào danh sách các nhà nhiếp ảnh trên thế giới tham gia các cuộc thi ảnh do FIAP bảo trợ, hình như chỉ có VN “tung” vào sân chơi này lực lượng hùng hậu nhất, toàn là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, không của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN thì cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh của địa phương. Trong khi “thí sinh” dự thi thế giới là dân không chuyên, thi ảnh theo tùy hứng, không coi ảnh là nghề chính, nghiệp chính. Vì thế thi đấu ở nhiều cuộc thi, “chuyên nghiệp“ VN thắng “không chuyên” thế giới cũng đâu có gì quá tự hào!

(*) Xem trên Tuổi Trẻ từ ngày 21-7.

Ghi chú thêm về bài "Giải thưởng quốc tế và... chồng tôi": Qua tác giả, Tuổi Trẻ đã liên lạc với nhân vật trong bài viết. Nghệ sĩ nhiếp ảnh này cho biết: "Mọi chuyện trong thư đều có thật, đó đúng là nỗi khổ của gia đình tôi lâu nay".

Công Anh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên