20/11/2004 15:39 GMT+7

Giai thoại làng văn

HÀ THƯỜNG NHÀN (Theo 101 Chuyện nhà văn VN hiện đại của Nguyễn Bùi Vợi)
HÀ THƯỜNG NHÀN (Theo 101 Chuyện nhà văn VN hiện đại của Nguyễn Bùi Vợi)

TTC - Một công ty ăn uống ở Hà Nội mới làm được một loại bánh bao ngon, hy vọng hơn cả bánh của người Hoa ở phố Hàng Buồm. Chủ nhiệm công ty là người mê văn nghệ, mời hơn chục nhà thơ đến thưởng thức.

C8RIN1qI.jpgPhóng to
TTC - Một công ty ăn uống ở Hà Nội mới làm được một loại bánh bao ngon, hy vọng hơn cả bánh của người Hoa ở phố Hàng Buồm. Chủ nhiệm công ty là người mê văn nghệ, mời hơn chục nhà thơ đến thưởng thức.

Ngồi vào bàn, không chờ chủ mời, nhà thơ Xuân Diệu cầm một chiếc bánh bao ăn liền. Còn những người khác thì lịch sự nghe bài diễn văn của chủ nhiệm.

Đọc xong bài diễn văn ông mời các nhà thơ thưởng thức bánh. Nhìn đến cái đĩa trước mặt nhà thơ Xuân Diệu, thấy trống trơn, ông lừ mắt ra hiệu cho cô nhân viên bỏ thêm bánh vào. Nhà thơ Xuân Diệu lại thản nhiên ăn. Vừa ăn, Vĩnh Mai vừa lúi húi viết. Một lúc sau, mọi người chuyền tay nhau một mẩu giấy có bài thơ bốn câu:

Cái bánh bao hời, cái bánh bao Mùa xuân kỳ diệu, Diệu kỳ sao! Người ta một chiếc, ông hai chiếc Thơ nghĩ chưa ra, bánh đã vào!

Xuân Diệu là người đọc bốn câu thơ luân lưu ấy sau cùng, ông gật gù khen hay.

Bò qua trận địa... con

Nhà thơ Quang Dũng năm ấy có một căn phòng nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Mùa hè, cả nhà lau sàn rồi ngủ la liệt giữa nhà. Vợ anh nằm trong cùng. Lần ấy, anh đi viết ở Vĩnh Linh hai tháng, về đến nhà đã 11 giờ đêm.

Sáng hôm sau, anh tâm sự với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.

- Nhớ vợ quá... 11 giờ đêm mới về đến nhà, phải rón rén bò qua một trận địa... con để vào với vợ!

Không cần ở rộng làm gì!

Khi biết nhà thơ Khương Hữu Dụng (năm ấy đã gần 80 tuổi) lúc về hưu lương thấp, nhà chật, một cán bộ thừa hành ý kiến cấp trên đến thăm và ngỏ ý đề nghị cơ quan nâng cho vài bậc lương. Ông xua tay:

- Tôi già rồi, ăn uống bao nhiêu mà lo. Cứ rau dưa thanh đạm, nhẹ người, khỏi lo béo, lo huyết áp.

- Còn nhà của bác chật quá. Sắp tới tôi đề nghị Sở Nhà đất phân phối cho bác căn nhà rộng hơn hoặc bổ sung thêm diện tích...

Nhà thơ Khương Hữu Dụng nhất quyết từ chối.

Anh cán bộ về rồi, bà vợ hỏi:

- Sao ông cứ chối quầy quậy thế? Mình có kêu ca, xin xỏ gì mà ngại?

Ông cười: - Ở thế này là rộng rồi. Xuống Văn Điển (*) chỉ cần hai mét vuông thôi mà!

Đám tang nhà văn Nguyễn Công Hoan

RVA5rylz.jpgPhóng to
Khi nhà văn Nguyễn Công Hoan mất, Ban tổ chức lễ tang gọi điện đến Ban quản lý nghĩa trang Văn Điển để xin xe tang, người nhận điện nói ậm ờ rằng chẳng biết 8 giờ, 9 giờ hay 10 giờ mới có xe.

- Vâng tùy các anh. Chỉ xin báo cho các anh biết hiện nay trực bên linh cữu nhà văn Nguyễn Công Hoan có đồng chí Trần Quốc Hoàn, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (con trai nhà văn là Nguyễn Công Tài lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ), đồng chí Tố Hữu, ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Lê Văn Lương bí thư Thành ủy Hà Nội và một số cán bộ cao cấp khác...

Đầu kia điện thoại rối rít:

- Vâng chúng tôi sẽ điều xe đến ngay!

Đến Văn Điển, khi nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Nhà văn đang đọc điếu văn thì một nhân viên Ban quản lý nghĩa trang đến hỏi mức lương của người quá cố. Anh ta giãy nảy lên:

- Còn thiếu 5 đồng mới được chôn ở khu A!

Thế là Hội Nhà văn phải cho người về làm quyết định tăng cho Nguyễn Công Hoan một bậc lương mới đúng thủ tục!

Sự thật cuộc đời

LQ9BTTPD.jpgPhóng to

Vợ nhà văn Nguyễn Bùi Vợi có mở một cái quán sách trong khu tập thể, để lo đời sống cho gia đình. Gọi là quán sách nhưng là quán tạp pí lù, có bán sách, báo, văn phòng phẩm và cả kẹo bánh, ô mai nữa.

Ngày nào cũng có khách trẻ con. Là người... “ăn theo”, thỉnh thoảng nhà văn cũng ngồi thay vợ bán ô mai cho trẻ. Bọn trẻ toàn gọi tên nhà văn là... ông Từ! (Từ là tên vợ).

Một hôm, có cô giáo ở trường phổ thông cơ sở đến thăm nhà văn. Rất quan trọng, cô bảo cô sắp phải giảng bài “Qua Thậm Thình” của nhà văn, có Ban giám hiệu và Phòng giáo dục dự. Cô nhờ nhà văn nói tỉ mỉ xuất xứ của bài thơ và góp ý kiến về giáo án. Cảm động, Nguyễn Bùi Vợi đã giúp cô rất tận tình.

Nhưng trong buổi giảng có sự cố xảy ra. Đọc diễn cảm xong, cô giáo hỏi học sinh: “Ở đây, có em nào biết mặt nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi không?”. Năm bảy em ở khu tập thể Đài TNVN giơ tay. Cô giáo chỉ một em. Nó đứng dậy: “Thưa cô, đó là ông Từ bán ô mai ạ!”.

--------------------------------------

(*) Nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội.

HÀ THƯỜNG NHÀN (Theo 101 Chuyện nhà văn VN hiện đại của Nguyễn Bùi Vợi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên