17/04/2020 22:40 GMT+7

Giải phóng nhanh gạo đang ùn ứ tại cảng để giảm tổn thất cho doanh nghiệp

H.T.DŨNG - B ĐẤU - C.HẠNH
H.T.DŨNG - B ĐẤU - C.HẠNH

TTO - Cuối ngày 17-4, lãnh đạo Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Agimex) cho biết UBND tỉnh An Giang đã họp với 9 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn để lắng nghe ý kiến, đề xuất trong bối cảnh hàng chục ngàn tấn gạo ùn ứ tại cảng.

Giải phóng nhanh gạo đang ùn ứ tại cảng để giảm tổn thất cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều tàu và sà lan chở gạo xuất khẩu nằm chờ gần cả tháng nay tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo đó, Agimex kiến nghị UBND tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu bình thường loại gạo thơm, hạt dài, gạo dẻo chất lượng cao. Các loại gạo này Agimex liên kết với nông dân trồng bao tiêu xuất khẩu, không ảnh hưởng an ninh lương thực quốc gia. 

"Kiến nghị Chính phủ nên đưa hạn ngạch xuất khẩu về các tỉnh để tỉnh căn cứ vào số lượng xuất khẩu năm rồi chia lại hạn ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp để công bằng hơn hiện nay. Chúng tôi ký hợp đồng với đối tác 10.000 tấn gạo/tháng nhưng tháng này chỉ xuất được 2.700 tấn thì không có tiền thanh toán cho nông dân nữa", vị này nói.

Trong khi đó, bà Trần Ngọc Châu - phó giám đốc Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) - cho biết AKJ hiện còn 17 container, sản lượng hơn 350 tấn (trị giá trên 220.000 USD) đã đóng hàng nằm gần cả tháng nay tại cảng Mỹ Thới chưa xuất được, thiệt hại rất lớn cho AKJ. 

"Bây giờ chúng tôi tha thiết mong Chính phủ cho các doanh nghiệp xuất ngay các lô hàng đã có số công rõ ràng tại cảng, hoặc cho chúng tôi tạm ứng hạn ngạch tháng 5-2020 để xuất ngay lô hàng đang nằm chờ tại cảng vì phí lưu container phải mất 20-30 USD/container/ngày nên khó khăn chồng chất", bà Châu nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế - đồng tình với đề xuất của doanh nghiệp, ông cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo cho xuất khẩu giải phóng nhanh hàng ùn ứ tại cảng, giảm tổn thất cho doanh nghiệp.

Theo TS Hiệp, xuất khẩu gạo là môi trường kinh doanh, người ta sẽ nhìn cả một chính sách của quốc gia đối với ngành kinh tế mà nó liên quan đến 70% dân số. Những ách tắc vừa qua là một chỉ dấu rất rõ cho thấy cơ chế điều hành xuất khẩu gạo có bất cập, không minh bạch và đầy rủi ro cho giới kinh doanh và người nông dân.

Giải phóng nhanh gạo đang ùn ứ tại cảng để giảm tổn thất cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Lãnh đạo cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên cho biết có gần 85.000 tấn gạo đang ùn ứ tại cảng chưa làm thủ tục thông quan xong - Ảnh: BỬU ĐẤU

"Tôi đề xuất việc đầu tiên các bộ, ngành, Chính phủ phải giải quyết giải phóng lượng gạo tồn đọng rất lớn tại các cảng Mỹ Thới, An Giang và Cát Lái, TP.HCM. Bởi đây là các doanh nghiệp có năng lực, đã ký hợp đồng xuất khẩu và hàng hóa đã có sẵn trên tàu trước khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu của Thủ tướng. 

Việc để lượng hàng hóa ứ đọng tại các cảng doanh nghiệp không chỉ thiệt hại nặng nề do tốn chi phí thuê tàu, lưu kho, bến bãi mà nguy cơ doanh nghiệp còn bị đối tác phạt hợp đồng, gây ảnh hưởng thương hiệu. Cùng với thua lỗ do lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, cộng với ảnh hưởng đợt dịch bệnh COVID-19 thì doanh nghiệp đang bị "cú bồi" khiến họ thật sự khốn khó", TS Hiệp nói.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho Tổng cục Dự trữ quốc gia nay "xù" không cung cấp gạo, ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI Cần Thơ - cho biết các doanh nghiệp kinh doanh đều dựa trên lợi nhuận và nhiều lý do được đưa ra là dịch bệnh nên giá lúa tăng cao, phải thu mua nhiều nơi, chi phí lớn… nên không thể đáp ứng.

Theo ông Lam: Đang có một thực tế nhiều năm nay doanh nghiệp xem kho dự trữ quốc gia là bệ đỡ hay là "bầu sữa dự phòng", khi doanh nghiệp kinh doanh gạo không tìm được hợp đồng nào tốt hơn thì mới bán lại cho dự trữ quốc gia. 

Có nhiều nguyên nhân từ quy trình này như tỉ lệ nộp phí đấu thầu thấp, thời gian quy định ký hợp đồng và những điều kiện ràng buộc bổ sung khi tham gia đấu thầu không hợp lý. Vì thế để hạn chế tình trạng doanh nghiệp "xù" sau khi trúng thầu, tôi đề xuất phải "sửa" làm mới lại đấu thầu gạo cho kho dự trữ quốc gia.

Giải phóng nhanh gạo đang ùn ứ tại cảng để giảm tổn thất cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Công nhân chi nhánh Công ty cổ phần lương thực Bình Định (huyện Chợ Mới, An Giang) chuyền gạo xuống sà lan - Ảnh: BỬU ĐẤU

Thứ nhất, tại khoản 3 điều 11 luật đấu thầu, doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền bảo đảm dự thầu mức từ 0,5 - 3% giá trị gói thầu, như vậy số tiền này không đủ lớn để doanh nghiệp sẵn sàng hủy bỏ thầu nếu như không có lợi. Cần tăng tỉ lệ này cao hơn, 5 - 7%, để doanh nghiệp trúng thầu có trách nhiệm. 

Thứ hai, quy trình từ lúc trúng thầu đến ký hợp đồng kéo dài 20 ngày, mà thực tế để ký hợp đồng này, các bên còn dây dưa kéo dài, như hiện nay là 40 ngày vẫn chưa ký, dẫn đến Cục Dự trữ quốc gia muốn kiện hay chế tài các doanh nghiệp thì không có cơ sở. Do vậy cần điều chỉnh lại chỉ sau 7 ngày từ khi trúng thầu, các doanh nghiệp phải tham gia ký hợp đồng cung ứng, có thể thời gian giao hàng giãn ra tùy theo năng lực thu mua dự trữ nhưng là điều kiện để ràng buộc việc thực thi hợp đồng nghiêm túc, đảm bảo an ninh quốc gia. 

Thứ ba, hiện quy trình đấu thầu chúng ta chưa có những điều khoản uy tín hay đảm bảo thực thi những gói thầu trước một cách nghiêm túc. Cần quy định thêm đối với các công ty trúng thầu không hoàn thành nghĩa vụ cung ứng, sẽ không được tham gia đấu thầu ít nhất trong 2 năm liên tục. 

Thứ tư, cần minh bạch hóa quy trình đấu thầu và quá trình thu mua dự trữ, tránh những cấu kết giữa các doanh nghiệp cung ứng với Cục Dự trữ, đảm bảo lợi ích chung.

Lập đoàn kiểm tra việc xuất khẩu gạo, mời 3 bộ Tài chính, Công an, NN&PTNT tham gia Lập đoàn kiểm tra việc xuất khẩu gạo, mời 3 bộ Tài chính, Công an, NN&PTNT tham gia

TTO - Tối 17-4, Bộ Công thương cho biết vừa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc xuất khẩu gạo, trong đó có đại diện các bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

H.T.DŨNG - B ĐẤU - C.HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên