17/04/2020 09:55 GMT+7

Xuất khẩu gạo: Điều hành không minh bạch?

BỬU ĐẤU - TRẦN MẠNH - NGỌC AN
BỬU ĐẤU - TRẦN MẠNH - NGỌC AN

TTO - Việc thiếu minh bạch trong điều hành xuất khẩu gạo của các cơ quan chức năng đang gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều DN bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi ngày do gạo vẫn đang nằm cảng chờ được xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo: Điều hành không minh bạch? - Ảnh 1.

Tàu Đức Đạt 6666 đã neo đậu tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang từ 31-3 đến nay, mỗi ngày thiệt hại trên 45.000 USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nhiều DN và chuyên gia nông nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng phải công khai thông tin trong điều hành xuất khẩu gạo, mua gạo tạm trữ quốc gia... Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng trước phản ảnh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan hải quan dẫn đến gây khó khăn cho DN.

Tờ khai đăng ký bị xóa?

Chiều 16-4, ông Trần Hồ Hiền - giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết DN đã hai lần mở tờ khai xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới để xuất khẩu 9.700 tấn gạo, trị giá trên 4,3 triệu USD. Tuy nhiên, ngày 24-3 hải quan tạm ngừng việc đăng ký tiếp nhận thông quan với các lô hàng gạo xuất khẩu nên hai lô hàng này phải nằm chờ tại cảng Mỹ Thới.

Ngày 11-4, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống VNACCF và DN này đăng ký thành công hai tờ khai xuất khẩu cho hai lô hàng này (tờ khai số 303150556500 và tờ khai số 303150558710 tại Hải quan cảng Mỹ Thới) và đã được phân luồng. 

"Thế nhưng, đến 14h ngày 13-4, Bidifood được Hải quan cảng Mỹ Thới thông báo 2 tờ khai gốc của DN không tồn tại trên hệ thống hải quan. Điều đó có nghĩa hai lô hàng của chúng tôi tiếp tục không được thông quan xuất khẩu mà không rõ lý do" - ông Hiền bức xúc.

Do hàng hóa bị "ngâm" từ ngày 23-3 tới nay, DN đã bị thiệt hại nặng, với chi phí phải chi ra lên tới 200 triệu đồng/ngày, gồm tiền bồi thường 5.000 USD/ngày cho 2 tàu, bồi thường cho các sà lan vận chuyển 30 triệu đồng/ngày..., chưa kể hàng hóa có nguy cơ bị hư hỏng nhiều. Chưa hết, do 21 sà lan chở gạo và 2 tàu xuất khẩu gạo cho đơn vị này phải neo đậu quá lâu, nhiều chủ sà lan đã kêu cứu, chủ tàu cũng muốn trả hàng lại và bỏ đi vì thua lỗ nặng.

Một lãnh đạo cảng Mỹ Thới, An Giang cho biết tại cảng đang có gần 85.000 tấn gạo của các DN đã vào container và đưa lên sà lan chờ sẵn từ ngày 23-3 đến nay. Sau khi Tổng cục Hải quan mở cửa lúc nửa đêm để làm tờ khai hải quan điện tử, gần 70.000 tấn gạo của 14 DN sẽ được làm thủ tục thông quan trong vài ngày tới.

"Điều lạ là có 7 tờ khai của 3 DN, gồm Bidifood, Công ty TNHH Angimex-Kitoku và Công ty CP Quốc tế Gia bị xóa khỏi hệ thống hải quan điện tử. Dù lãnh đạo Cục Hải quan An Giang có làm công văn hỏi lý do nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời, khiến các DN bức xúc hơn" - vị này nói.

Phải công khai DN mở tờ khai hải quan

Ngày 16-4, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - tiếp tục có văn bản kiến nghị khẩn cấp lần thứ ba gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng tiếp tục chờ, mỗi ngày mất khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi trước đó, từ ngày 24-3 đến 11-4, ngành lúa gạo bị thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng, chưa kể những thiệt hại kéo theo như khi nhận hàng chất lượng gạo xuống cấp có thể sẽ bị đối tác nước ngoài khiếu kiện sau này.

Cũng trong văn bản, Công ty Trung An kiến nghị Thủ tướng ra chỉ thị để Bộ Tài chính thi hành ngay theo chỉ đạo của văn bản 2827 của Thủ tướng về xuất khẩu gạo ngày 10-4. Cụ thể, cho thông quan xuất khẩu ngay 300.000 tấn gạo đang nằm chờ ở cảng từ ngày 24-3 tới nay, trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4-2020. Công ty này cho rằng những việc làm của Tổng cục Hải quan và các trả lời, công văn của các bộ đưa ra chỉ là những thủ thuật kéo dài, tiếp tục gây thiệt hại đến ngành lúa gạo Việt Nam, gây thất thoát tiền của quốc gia, trong khi tính pháp lý để cho thông quan 400.000 tấn gạo đã đầy đủ.

Trong khi đó, Bộ Công thương vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4-2020. Trước đó, Bộ Công thương nhận được văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ảnh việc đăng ký tờ khai hải quan xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi), có trường hợp đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống...

Để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan, Bộ Công thương đề nghị được cung cấp rõ, cụ thể về tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu... đến thời điểm này. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5-2020 đúng thời hạn (trước 25-4).

Tư duy làm nghèo đất nước

Liên quan đến việc mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, Công ty Trung An cho rằng DN nào trúng thầu mà không ký hợp đồng sẽ mất tiền ký quỹ, Bộ Tài chính có thể mở thầu mới. Theo DN này, nếu Bộ Tài chính mở thầu mới mua gạo khoảng 10.000 đồng/kg là có ngay 300.000 tấn, rẻ nhất so với gạo nội địa hiện nay. Trong khi đó, việc Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng ngưng xuất khẩu gạo để kéo giá xuống thấp và mua đủ 190.000 tấn chỉ với giá 9.200 đồng/kg là rất vô lý.

"Đây là tư duy làm nghèo đất nước. Bộ Tài chính đã lấy hàng ngàn tỉ đồng của nông dân trồng lúa, DN kinh doanh xuất khẩu gạo nếu phải ngưng xuất khẩu, để đổi lấy khoảng 120 tỉ đồng phải bù vào để mua được 190.000 tấn mà DN trúng thầu không giao" - DN này khẳng định. 

Kèm theo văn bản gửi Thủ tướng, DN này cũng đưa ra thư yêu cầu trả tiền cọc và bồi thường hợp đồng của khách hàng, lên tới hàng trăm ngàn USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Tài chính đề nghị tạm ngưng xuất khẩu gạo cho đến khi hoàn tất việc mua dự trữ là điều bất hợp lý. Theo PGS Vũ Trọng Khải, nếu chỉ để đảm bảo mua gần 200.000 tấn gạo dự trữ mà làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành gạo và nông dân trồng lúa là chưa cân nhắc đầy đủ các mặt lợi và hại, do thiệt hại của việc ngừng xuất khẩu sẽ lớn hơn nhiều.

Theo ông Khải, cũng không lo thiếu gạo dự trữ bởi lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu đến nay thấp hơn nhiều so với nguồn cung dành cho xuất khẩu. Việc dự trữ hiện nay cũng đã lạc hậu, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. 

"Nhà nước không nhất thiết phải xây dựng hệ thống kho bãi và tổ chức ra một cơ quan với rất nhiều nhân sự đứng ra thu mua, trông nom gạo dự trữ. Thay vào đó, hãy để DN làm" - ông Khải đề xuất.

Theo đó, Nhà nước chọn ra các DN uy tín, hỗ trợ lãi suất ưu đãi để những DN này mua gạo ngay từ đầu năm rồi đưa vào kho của các DN để bảo quản tốt hơn, thay vì đưa vào kho nhà nước bảo quản không tốt và tốn kém, chưa kể chất lượng gạo giảm. 

"Không chỉ vậy, căn cứ vào lượng hợp đồng xuất khẩu và mùa vụ mới, DN hoàn toàn có thể lấy gạo trong kho bán đi rồi mua gạo mới thế chỗ với sự giám sát của cơ quan chức năng. Như thế, gạo dự trữ quốc gia sẽ luôn là gạo mới mà DN cũng xoay vòng được nguồn vốn" - ông Khải đề xuất.

Người thuê tàu, chủ sà lan cũng bị vạ lây

tausanlan 1(read-only)

Như nhiều chủ sà lan khác, anh Nguyễn Văn Hậu - chủ sà lan chở gạo cho một DN - cho biết bị thiệt hại nặng do nằm ở cảng Mỹ Thới (An Giang) cả tháng nay - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 16-4, theo ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang, hàng trăm container đã đóng thùng sẵn đang nằm phía trên cảng, trong khi nhiều chủ sà lan đang neo đậu tại sông Hậu "dở khóc dở cười" vì hàng đầy sà lan mà chưa được chuyển sang tàu đi xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Hậu - ngụ huyện Phú Tân, An Giang - cho biết sà lan này chở 800 tấn gạo cho một DN, chưa kịp sang hàng lên tàu thì có lệnh tạm dừng làm các thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu gạo.

"Từ đó đến nay vợ chồng và nhân viên trên sà lan cứ ở trên đây suốt, vừa canh hàng hóa vừa chờ đợi đến mỏi mòn. Thay vì bình thường tôi vận chuyển 3 chuyến/tháng kiếm cả trăm triệu đồng để trang trải chi phí nhưng lần này chờ hoài gần cả tháng nay vẫn chưa đi được. Thu nhập đã mất, thêm vào đó không biết lấy tiền đâu để trả nợ" - anh Hậu nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Minh - thuyền trưởng tàu Đức Đạt 666 (Hải Phòng) - cho biết tàu này nằm ở cảng Mỹ Thới từ ngày 31-3 đến nay, thiệt hại lên đến 45.000 USD/ngày, gồm chi phí thuê tàu, tiền trả lương và ăn uống cho 19 thuyền viên trên tàu.

Tháng 5-2020: đấu thầu lại hơn 182.000 tấn gạo dự trữ quốc gia

Ông Đỗ Việt Đức - tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ - cho biết do các DN trúng thầu nhưng từ chối thương thảo ký kết hợp đồng cung cấp gạo dự trữ năm 2020, cơ quan này đã báo cáo Bộ Tài chính, đề nghị cho phép đấu thầu lại với số lượng hơn 182.000 tấn gạo.

Theo kế hoạch, đầu tháng 5-2020, Cục Dự trữ các khu vực phải hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ. Đến tháng 6-2020, lượng gạo dự trữ nhập kho của năm đạt 190.000 tấn như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, đợt đấu thầu gạo dự trữ này phải làm lại giá.

Theo quy định, giá mua gạo dự trữ quốc gia sẽ do bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề xuất của sở tài chính các địa phương, trên nguyên tắc giá phải sát với thị trường.

L.THANH

Hạn ngạch lúc... nửa đêm Hạn ngạch lúc... nửa đêm

TTO - Chỉ hơn sáu tiếng kể từ khi mở hệ thống khai báo hải quan điện tử bắt đầu lúc 0h ngày 12-4, đã có 39 doanh nghiệp mở tờ khai đăng ký 399.990/400.000 tấn gạo được phép xuất bán trong tháng 4-2020.

BỬU ĐẤU - TRẦN MẠNH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xuất khẩu gạo