21/10/2016 10:43 GMT+7

Giải pháp tạm thời khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC

TTO - Nguyên tắc statu-quo là một thuật ngữ tiếng Latin, có nghĩa là hiện trạng hoặc giữ nguyên hiện trạng. Thuật ngữ có liên quan là statu - quo ante, có nghĩa “hiện trạng như trước”

Nguyên văn tiếng Anh là: “the state in which before”, means “the state of affairs that existed previously”.

Nguyên tắc này đã được vận dụng khá phổ biến trong luật pháp và thực tiễn quốc tế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để xử lý những tranh chấp giữa các bên trong các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội... với tư cách là một giải pháp tạm thời, trung gian, có tính thực tế.

“Hiện trạng” bao gồm những gì diễn ra tại thời điểm và trong phạm vi địa lý cụ thể, không phải đều có chung một đáp án.

Mặt khác, khái niệm “hiện trạng” phần lớn lại phụ thuộc nhiều vào mục đích mà các bên liên quan muốn “giữ nguyên” có lợi cho mình.

Vì vậy, khi các bên đồng ý áp dụng nguyên tắc này như là một giải pháp tạm thời thì điều quan trọng không được bỏ sót trong thỏa thuận là việc giữ nguyên hiện trạng không làm ảnh hưởng đến quan điểm pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ do các bên đơn phương nêu ra để bảo vệ trước khi thống nhất một phương án cuối cùng được các bên chấp nhận.

Nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” trong khoản 2, điều 5 DOC và sự nhầm lẫn, đánh đồng nguy hiểm:

Nội dung tại khoản 2 trong điều 5 DOC không hoàn toàn là nội dung của nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” mà hiện nay nhiều người vẫn thường nhầm lẫn.

Việc “kiềm chế không đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo không có người sinh sống, trên các rạn đá ngầm, bãi đá ngầm, đảo nhỏ và những thực thể địa lý khác...” có thể nói không liên quan và không nghiêm cấm, cản trở sinh hoạt bình thường của cư dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Bởi vì, với tư cách là những chủ nhân hợp pháp của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất từ thế kỷ 17, người Việt đã từng sinh cơ lập nghiệp, cai quản, bảo vệ hai quần đảo này.

Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, các thế hệ người Việt Nam đã từng đổ mồ hôi, xương máu để dựng xây, phát triển mọi cơ sở cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nơi đây, nên việc ngày nay ngư dân Việt Nam sinh sống và đánh bắt ở khu vực hai quần đảo này, cải tạo điều kiện sống, làm việc và tiếp tục thực thi chủ quyền hợp pháp của mình hoàn toàn không phải điều gì mới mà nó vẫn diễn ra cả mấy trăm năm qua.

Các hoạt động bình thường và hợp pháp ấy không phải đối tượng điều chỉnh của khoản 2, điều 5 DOC.

Bởi vậy, thật không bình thường nếu có ai đó hiểu rằng để chấp hành quy định trong khoản 2, điều 5 của DOC này, người Việt Nam đã từng sinh cơ lập nghiệp ở đây, với tư thế là chủ nhân, cũng buộc phải ngưng mọi hoạt động vì nhu cầu mưu sinh theo lẽ tự nhiên.

Việc người Việt Nam làm gì trong phạm vi lãnh thổ của mình phải được hiểu là họ đang thực thi chủ quyền bất khả xâm phạm mà theo luật pháp quốc tế thì không quốc gia, không tổ chức quốc tế, không cá nhân nào có quyền can thiệp.

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên