29/11/2015 08:55 GMT+7

Giải pháp nào để thanh niên Tây Bắc phát triển kinh tế?

Đ.BÌNH
Đ.BÌNH

TT - Đó là chủ đề chính được lãnh đạo các tỉnh đoàn và thanh niên các tỉnh Tây Bắc bàn thảo tại Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cụm Tây Bắc bộ ngày 28-11 ở Yên Bái.

Nhiều ý kiến các đoàn viên thanh niên sáu tỉnh Tây Bắc đã nêu những khó khăn trong việc làm kinh tế, phát triển sản xuất cũng như đề xuất những kiến nghị.

Anh Vàng A Lả, bí thư Tỉnh đoàn Sơn La, cho biết địa phương mình là tỉnh rộng thứ ba toàn quốc, dân số đông nhất trong sáu tỉnh Tây Bắc, nhưng lại là một trong những tỉnh nghèo nhất, việc phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên là rất khó khăn.

“Câu chuyện nóng nhất lúc này là sản phẩm cà phê. Lúc thì hô hào thanh niên trồng, khi đó giá cà phê tươi là 20.000 đồng/kg, giờ cà phê thu hoạch giá chỉ 5.000 đồng/kg mà đâu phải lúc nào cũng bán được. Rồi tới đây nữa là câu chuyện nguyên liệu cao su...” - bí thư Lả nêu.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Hà Đức Minh cũng chung tâm trạng: “Vùng biên giới đường mòn, lối mở nhiều, rồi thêm các cửa khẩu nên hầu hết thanh niên chỉ đi mang vác hàng thuê. Mỗi ngày đi vác hàng thuê, một thanh niên cũng kiếm được 500.000 - 800.000 đồng. Việc này đâu bền vững vì phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng để làm kinh tế thì họ cũng thiếu ý tưởng, mô hình và đặc biệt chẳng có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm”.

Chủ trang trại thanh niên ở Hòa Bình, anh Bùi Văn Huế cho biết trang trại của anh chỉ nuôi gà ri thả đồi với số lượng rất lớn, có năm xuất bán đến 400.000 con. Vậy nhưng việc nuôi gà là do anh tự mày mò học hỏi chứ chưa từng được tham gia một lớp tập huấn nào về chăn nuôi, về dịch bệnh, thú y.

Thanh niên Phạm Văn Cường ở Văn Yên (Yên Bái) đầu tư cả 1,5 tỉ đồng để phát triển mô hình trồng rau sạch quy mô trên 3ha, nhưng cũng không hề được tập huấn gì.

Anh Vi Văn Đạt (Sơn La) với mô hình phát triển nông - lâm kết hợp, nuôi gia cầm mỗi năm xuất bán khoảng 5 tấn gia cầm, nhưng cũng kêu việc tiếp cận các nguồn vốn quá khó, hoặc có những nguồn vốn từ chương trình của Đoàn thì quá ít.

Hầu hết ý kiến đều đề nghị tỉnh đoàn, T.Ư Đoàn nên có giải pháp hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật...

Theo anh Đặng Quốc Toàn - bí thư T.Ư Đoàn, ngay sau hội nghị này đề nghị mỗi tỉnh nên đóng góp khoảng 10 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất. Cộng thêm vận động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn thì nguồn quỹ của cụm Tây Bắc cũng có đến 200 triệu đồng. Khoản kinh phí này sẽ dùng để giúp đỡ những thanh niên có nhu cầu.

Về kỹ thuật, các tỉnh đều có những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, nên trước mắt cần nhân rộng các mô hình câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế để người đi trước có kinh nghiệm chia sẻ, giúp đỡ người đi sau.

Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên