11/05/2017 15:30 GMT+7

​Giải pháp khắc phục bệnh són tiểu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh són tiểu là tình trạng tiểu không kiểm soát được, nước tiểu bị rỉ ra ngoài không theo ý muốn. Thống kê trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng  này. Bệnh làm ảnh hưởng tâm lý, vệ sinh cơ thể của bệnh nhân.

Bệnh xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trên 50 tuổi hoặc sau sinh, trong khi mang thai.

Nhìn chung nữ thường gặp hơn nam giới do mang thai, sanh nở con to, sanh hút, có rách tầng sinh môn, sa sinh dục, cắt cổ tử cung và mãn kinh.

Phân loại són tiểu

- Són tiểu do tăng áp lực trong bụng: ho, cười, khuân vác nặng… thường gặp ở người có cơ vùng cơ sàn chậu yếu.

- Són tiểu cấp: mắc tiểu gấp không nín kịp để vào nhà vệ sinh, thường gặp ở người lớn tuổi, nhiễm trùng tiểu, tiểu đường lâu năm.

- Són tiểu do bàng quang bị căng đầy, thường gặp ở người bí tiểu mạn tính như ở đàn ông bị bướu tiền liệt.

Nguyên nhân gây són tiểu

- Do một số tình trạng bệnh lý như: nhiễm trùng đường tiểu (viêm niệu đạo, bàng quang, tiền liệt tuyến); bệnh lý bướu tiền liệt tuyến, sau phẫu thuật tuyến tiền liệt (nam giới); tổn thương vùng sàn chậu sau xạ trị bệnh lý ung thư; chấn thương cột sống lưng…

- Do một số yếu tố thúc đẩy như: bệnh nhân nằm liệt giường lâu ngày, cơ vùng cơ sàn chậu yếu do sau sinh đẻ, mang thai hoặc người cao tuổi…; sử dụng nhiều rượu, cà phê, nước có gas (kích thích bàng quang), sử dụng một số thuốc tim mạch (kích thích bàng quang), yếu tố tâm lý, thần kinh.

Các triệu chứng

Đi tiểu “không kịp” sau gắng sức nhẹ, ho, rặn…; tiểu lắt nhắt, tiểu đêm, tiểu gắt buốt, đái dầm.

Điều trị

Bệnh són tiểu là bệnh thường gặp, có thể chữa được bằng nhiều phương pháp. Bệnh nhân cần tự tin trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ở giai đoạn sớm. Ngoài việc điều trị bằng dùng thuốc, phẫu thuật… có những phương pháp không dùng thuốc để điều trị bệnh són tiểu như:

- Tránh không uống nhiều nước vào buổi tối.

- Giảm bớt rượu, cà phê, bỏ hút thuốc.

- Ngưng hoặc thay các thuốc có thể góp phần vào việc tiểu són.

- Tập đi tiểu theo giờ, tập nín tiểu: tập tự chủ, điều khiển được bọng đái.

- Tập tiểu cho hết: “ráng tiểu”.

- Giảm cân, tập thể dục bụng.

- Giảm ho.

- Tránh nâng vật nặng quá.

- Điều trị tốt các bệnh lý tiểu đường và táo bón.

- Tập luyện các cơ ở vùng chậu (được gọi là bài thể dục Kegel). Nguyên tắc là ép và thư giãn các cơ bắp sàn khung chậu. Cách luyện tập:

+ Trong lúc đang đi tiểu chủ động dừng lại để nước tiểu không chảy ra nữa.

+ Lúc bình thường, ngoài lúc đi tiểu:

• Cách 1: co rút nhóm cơ vùng chậu và giữ trong 3 giây rồi nghỉ 3 giây, làm như vậy 12 lần.

• Cách 2: co rút nhóm cơ vùng chậu và giữ trong 10 giây, thả lỏng trong 5 giây, làm lại 12 lần.

• Cách 3: Co rút nhiều lần liên tiếp rồi giữ trong 10 giây. Thở sâu rồi tiếp tục.

• Thực hành một trong 3 cách nói trên 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 phút. Tập trong vòng 8-10 tuần mới có kết quả.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh són tiểu