11/06/2021 10:25 GMT+7

Giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin

NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN
NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN

TTO - Kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng chỉ có triển khai nhanh tiêm vắc xin thì cuộc sống mới sớm trở lại bình thường, các hoạt động sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TP.HCM) luôn đảm bảo an toàn phòng chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 10-6, tại hội nghị ở TP.HCM gặp gỡ để nghe kiến nghị của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bàn giải pháp hỗ trợ, rất nhiều tiếng nói thể hiện sự lo lắng và mong có sự chung tay hỗ trợ nhanh chóng của chính quyền thành phố.

Báo động đỏ

Theo các doanh nghiệp, đợt dịch bùng phát lần này đã đảo lộn tất cả các kế hoạch sản xuất. Ông Nguyễn Thế Anh - chủ tịch HĐQT Công ty CP 32 (Q.Gò Vấp) - cho biết dù đã hết sức cẩn thận, có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn nhưng doanh nghiệp của ông vẫn có 2 trường hợp công nhân từ F1 trở thành F0 do lây nhiễm từ nơi cư trú.

Hiện doanh nghiệp này đã phải tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 6 cho đến nay. "Do đặc thù doanh nghiệp là công ty sản xuất giày dép, nguồn nhân công lao động đông và sinh sống phân tán trong khu vực, nên nguy cơ lây nhiễm giữa các công nhân trong nhà máy rất cao. Chúng tôi mong muốn cơ quan y tế đánh giá mức độ tuân thủ an toàn để nhà máy có thể hoạt động sớm" - ông Thế Anh nêu mong muốn.

Lo dịch COVID-19 sẽ tấn công nhà xưởng của doanh nghiệp như đã và đang xảy ra tại Bắc Giang và Bắc Ninh, đại diện các doanh nghiệp lớn và các hiệp hội sản xuất nòng cốt ở TP đều khẳng định nguy cơ nhà xưởng có các trường hợp F1, F2, F3... hiện nay đang nằm ở mức "báo động đỏ". 

Nếu dịch bệnh bùng phát ở nhà xưởng, các doanh nghiệp đều cho rằng thiệt hại vô cùng nặng nề, sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn và đơn hàng quốc tế đình trệ.

"Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ nhắn tin cho tôi nói rằng mình lo quá khi công ty đã có F2, nếu chuyển thành F1 thì công ty chỉ có nước đóng cửa, chết đứng vì số lượng nhân công không đủ để sản xuất, mất khách hàng và mất đối tác. 

Do đó, giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin" - ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE), dẫn chứng.

Doanh nghiệp bán lẻ cũng có những mối lo, nỗi khổ của mình. Ông Trần Lâm Hồng - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết khó khăn lớn nhất của nhà bán lẻ là nguy cơ khách hàng diện F đến mua sắm tại siêu thị. 

Hiện nay đã có 6 cửa hàng của hệ thống này tại TP phải tạm ngưng hoạt động vì "có F", ảnh hưởng đến doanh thu và hoạt động của toàn hệ thống. 

"Chúng tôi đề nghị sở ngành tham mưu quy trình các cửa hàng bị phong tỏa đảm bảo khử trùng thì được mở cửa trở lại, nhà bán lẻ cũng có phương án như thay đổi nhân sự phục vụ khi cần" - ông Hồng nêu ý kiến.

Ngoài ra, khó khăn với các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay còn là việc vận chuyển hàng hóa, không chỉ từ kho trung tâm đến các điểm đang bị cách ly, phong tỏa mà còn từ các địa phương đến TP.HCM và ngược lại. 

"Do các quy định thiếu đồng bộ giữa các địa phương, việc vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh thành còn nhiều vướng mắc. Các tài xế đều cần có xét nghiệm, tuy nhiên giá trị của xét nghiệm chỉ trong tối đa 72 giờ. Song chi phí xét nghiệm khá cao và nguồn tài xế của doanh nghiệp còn hạn chế" - ông Hồng kể thêm.

Là lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lớn có hàng ngàn công nhân, đồng thời là phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu - đan TP.HCM, ông Phạm Văn Việt (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean) cho biết đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động và làm việc theo dây chuyền nên chỉ cần có người lao động bị cách ly từ 14 - 21 ngày thì kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bị phá vỡ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn. 

"Chúng tôi rất lo lắng bởi nếu hủy đơn hàng thì phải bồi thường cho khách hàng, trong khi hàng ngàn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động" - ông Việt nói.

Tôi có dịp tiếp cận một doanh nghiệp may mặc. Họ cho biết đơn đặt hàng hiện dày đặc, từ nay đến cuối năm chỉ lo làm không hết. Nhưng doanh nghiệp rất lo lắng sẽ thiếu nhân công do nguy cơ bị nhiễm bệnh, phải phong tỏa, cách ly.

Ông Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

Để đảm bảo sản xuất, các doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại chỗ, thậm chí chuẩn bị lều trại. Trong ngày 11-6, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tổ chức đợt diễn tập online về phòng chống dịch theo các kịch bản đã chuẩn bị.

Bà Lê Bích Loan (phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM)

Cần nguồn vốn hỗ trợ

Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - nêu ra các con số dẫn chứng qua khảo sát nhanh với 100 doanh nghiệp cho thấy trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt dịch lần thứ 4. 

Trong đó, 40% doanh nghiệp thiếu vốn, 80% bị ảnh hưởng bởi thị trường thu hẹp, 52% phải cắt giảm lao động và 50% doanh nghiệp bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch. Trong khi đó, gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cho biết số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay và cho vay mới, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lúc này, các doanh nghiệp đang thật sự rất cần và cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất.

Theo bà Đặng Thị Minh Phương - chủ tịch MP Logistics, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang "rất mệt mỏi và đuối sức" để duy trì sản xuất, kinh doanh. 

"Trước khi dịch bùng phát lần thứ 4, các đơn hàng quốc tế tập trung ở Việt Nam do chúng ta khống chế dịch tốt, nhưng hiện nay bạn hàng đang cân nhắc việc đặt hàng tiếp do lo ngại ảnh hưởng dịch. Trong thời gian tới, việc kinh doanh khó tránh giảm sút", bà Phương nói.

Giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin - Ảnh 4.

Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân (TP.HCM) tan ca ra về chiều 10-6. Yêu cầu của lãnh đạo thành phố là cần kiểm soát việc tập trung đông người cùng lúc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Phương cho biết hiện rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có MP Logistics, cam kết trả phí để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho cán bộ công nhân viên của mình. 

Vì thế bà Phương đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính cho doanh nghiệp được vay tiền để mua, tiêm vắc xin với lãi suất 0%. "Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được vay để trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa" - bà Phương nêu thêm đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - đồng tình với đề xuất trên nhằm giúp doanh nghiệp có thể giữ chân được nhân viên, lao động, chờ ngành phục hồi. Ngoài ra, ông Kỳ cũng đề xuất xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, và 5% còn lại Chính phủ cho vay lại doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - khẳng định không chỉ trong năm 2020 mà 4 tháng đầu năm 2021 bên ngân hàng đã giải quyết 778 trường hợp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay có lãi suất hợp lý. 

Theo ông, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã có, đặc biệt với thông tư 3 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 4-2021 có nhiều điều kiện ưu đãi hơn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo dự kiến, đến cuối năm sẽ có hơn 1 triệu tỉ đồng dư nợ được hưởng lợi từ chương trình này, tương đương 500.000 khách hàng doanh nghiệp (chưa kể các ngân hàng thương mại).

Về nguồn vắc xin cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định tinh thần của TP là rất chủ động, xem đây là yếu tố quyết định căn cơ để chúng ta thoát đại dịch. Không chỉ tiêm đợt 1 mà phải tính đến tiêm hằng năm vì thực tế biến chủng COVID-19 biến hóa không ngừng, rất nguy hiểm...

Ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết đã đích thân gọi điện cho bộ trưởng Bộ Y tế và thực tế hiện rất khó tiếp cận được nguồn vắc xin. Do đó, lãnh đạo TP cho hay dù mục tiêu là tiêm vắc xin cho toàn dân nhưng sẽ có ưu tiên đối tượng tiêm vì số lượng hạn chế.

Để quá trình tiêm vắc xin được đẩy nhanh hơn, bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng TP và doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vắc xin. "Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang vắc xin về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt" - ông Nên nói. 

Trong khi chưa có vắc xin, lãnh đạo TP cho rằng các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn, để tự bảo vệ mình, duy trì các hoạt động sản xuất trong năng lực chủ động của mình.

3 kịch bản phát triển

* Kịch bản thấp (khống chế được dịch bệnh trong tháng 8): tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm của TP.HCM là 5,02%, cả năm đạt 4,9%.

* Kịch bản trung bình (khống chế được dịch bệnh trong tháng 7): tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 5,26%, cả năm 5,53% so với cùng kỳ.

* Kịch bản cao (khống chế được dịch bệnh trong tháng 6): tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 là 5,74% và cả năm đạt 6,37%.

Đã chi 1.237 tỉ đồng mua vắc xin phòng COVID-19 Đã chi 1.237 tỉ đồng mua vắc xin phòng COVID-19

TTO - Chiều 10-6, Bộ Tài chính cho biết tính đến nay, ngân sách trung ương đã chi 1.237 tỉ đồng để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.

NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vắc xin COVID