09/03/2014 10:17 GMT+7

Giải pháp đổi mới sách giáo khoa còn mờ nhạt

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Ngày 8-3, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015.

Biên soạn SGK: Phát triển kỹ năng, không chạy theo kiến thức

3piAUv3H.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm ủy ban, mục đích tham vấn nhằm “củng cố và hoàn chỉnh luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc thẩm tra, chuẩn bị cho việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này”.

Cần phải đi tìm giải pháp

"Không thể định hướng nơi nào đủ điều kiện thì mới “đổi mới”. Vì vậy cần xây dựng một lộ trình hợp lý, trong đó có phần cứng phải thực hiện đồng loạt, có phần mềm để nơi nào có điều kiện thì đi trước, nơi nào cần chuẩn bị thêm điều kiện thì chậm hơn một bước"

GS Đào Trọng Thi

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhận xét: “Đề án (đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015) thiếu phương án giải quyết. Mặc dù đưa ra hai nội dung xây dựng chương trình - SGK và triển khai nhưng thực tế mới chỉ thấy Bộ GD-ĐT chăm chú vào việc xây dựng, các giải pháp, lộ trình, điều kiện để triển khai mờ nhạt quá”.

Bà Tâm Đan cho rằng vấn đề tăng cường dạy học tích hợp từng được đặt ra trong lần đổi mới chương trình - SGK trước nhưng đã thất bại chỉ vì không tính thấu đáo cho việc tổ chức thực hiện và chuẩn bị điều kiện là con người (giáo viên) và cơ sở vật chất.

Tương tự việc đổi mới trước đặt ra việc tăng cường sử dụng thiết bị dạy học, tăng thời lượng thực hành, nhưng Bộ GD-ĐT chỉ lo cấp thiết bị, còn địa phương, các nhà trường không động đậy gì cả nên hiệu quả không có, dẫn tới lãng phí.

Nói về việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cũng cho rằng đề án do Bộ GD-ĐT soạn thảo mới chỉ đưa ra nội dung, công việc dự định phải làm chứ chưa thật sự đưa ra giải pháp.

“Tôi nghĩ cần phải đi tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề cốt yếu như nghiên cứu lý luận phát triển chương trình và biên soạn SGK, giải pháp huy động nhân lực tham gia biên soạn trong bối cảnh ta thiếu đội ngũ viết SGK chuyên nghiệp, giải pháp để thống nhất giữa chuyên gia các môn học, cấp học dưới sự chỉ đạo của tổng chủ biên, công tác chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...”. - ông Thuyết nói.

Bà Trần Thị Tâm Đan đề xuất nên xây dựng riêng đề án đổi mới đào tạo giáo viên của các trường sư phạm và đề án nâng cấp cơ sở vật chất. Với hai đề án này, các trường sư phạm, UBND các tỉnh, thành phải “đứng vào cuộc”.

“Mỗi tỉnh cần có riêng một đề án nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn bị điều kiện cần và đủ để có thể triển khai chương trình - SGK với yêu cầu mới. Trong việc này Thủ tướng cần trực tiếp chỉ đạo chứ Bộ GD-ĐT không thể làm được” - bà Tâm Đan nói.

GS Trần Đình Sử, tổng chủ biên chương trình - SGK ngữ văn THPT hiện hành, thì cho rằng: “Trong các trường sư phạm hiện nay, bộ môn phương pháp là bộ môn yếu nhất, lực lượng giảng viên, chuyên gia ở lĩnh vực này cực kỳ mỏng manh”.

Ông đề xuất “để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông lần này cũng cần có thêm một đề án đổi mới phương pháp dạy học”, vì chỉ kêu gọi đổi mới theo kiểu phong trào như trước đây, với cơ chế quản lý giáo dục cứng nhắc, bảo thủ thì sẽ tiếp tục thất bại. Trong khi điểm đổi mới quan trọng trong chương trình - SGK sau năm 2015 là chuyển từ “cung cấp kiến thức sang rèn luyện năng lực, kỹ năng”, có nghĩa vai trò của việc đổi mới phương pháp dạy học chiếm vị trí cốt lõi, là một yếu tố quyết định sự thành công.

Qd3xroQ7.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh

Nơi nào đủ điều kiện thì đổi mới?

"Đổi mới chương trình - sách giáo khoa chỉ áp dụng ở những trường đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục"

Ông Nguyễn Vinh Hiển(thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Trong khi các chuyên gia lo ngại về việc Bộ GD-ĐT chưa tính đến giải pháp để có thể triển khai được chương trình - SGK mới trên toàn quốc, trong bối cảnh có những khác biệt về điều kiện ở các vùng miền thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc này “chỉ áp dụng ở những trường đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục”.

Phản biện lại, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Nếu định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa phương, cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới”.

GS Đào Trọng Thi bày tỏ quan điểm: “Không thể định hướng nơi nào đủ điều kiện thì mới “đổi mới”. Vì vậy cần xây dựng một lộ trình hợp lý, trong đó có phần cứng phải thực hiện đồng loạt, có phần mềm để nơi nào có điều kiện thì đi trước, nơi nào cần chuẩn bị thêm điều kiện thì chậm hơn một bước”.

PGS Văn Như Cương cho rằng Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được lộ trình thuyết phục. Với việc kéo dài đề án tới năm 2020, tính khả thi sẽ khó đảm bảo khi trong khoảng thời gian đó có quá nhiều biến động, trong đó có biến động về nhân lực triển khai đề án.

“Tôi không đồng ý việc biên soạn chương trình - SGK theo kiểu cuốn chiếu mà đề nghị đổi mới từ lớp 1 đến lớp 12 trong cùng thời điểm. Và việc gì làm được trước thì làm ngay”.

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: “Nhìn lại chương trình - SGK trước đây, ta triển khai trong tám năm nhưng chỉ thực hiện nó khoảng 5-6 năm. Với một đất nước nghèo như ta, việc đó quá lãng phí. Vì vậy, bây giờ ta đổi mới thì phải tính toán để có một phần cứng có thể duy trì lâu dài, phần mềm là phần bổ sung, cập nhật thường xuyên”.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên