Phóng to |
Những người dân vô tội của cuộc chiến tranh “mắt đền mắt, răng đền răng” ở nam Libăng |
Quyết định này được đưa ra ngay sau phát biểu của Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Rice tại Crawford (Texas) như một trả lời cụ thể cho kế hoạch hòa bình mới của ông Bush, sau khi đã bác bỏ kế hoạch “vất vả lắm mới nhất trí được với nhau vào cuối tuần trước” giữa Mỹ và Pháp và trước khi Hội đồng Bảo an LHQ họp về một nghị quyết mới cho Libăng. Giải pháp hòa bình nào cho Libăng?
Tình trạng “sứ quân”
Việc đưa quân đội Libăng vào nam Libăng không đơn giản. Thật vậy, cho đến nay miền nam Libăng đã ở trong tay khi thì quân đội Israel, khi thì quân đội Syria, hoặc cái gọi là “quân đội nam Libăng” của tướng Michel Aoun (phe TCG), khi thì trong tay các phái dân quân, trong đó có phe Hezbollah, “một nhà nước trong một nhà nước”.
Tình hình “sứ quân” này là hậu quả của nạn phân hóa theo tôn giáo, hệ phái và sắc tộc. Sự phân hóa này lên đến đỉnh cao qua thỏa ước năm 1943 gọi là al Mithaq al Watani chia chác quyền hành thành một “tam đầu chế” tôn giáo như sau: ghế tổng thống phải thuộc về phe TCG “Maronite” (một nhánh của giáo hội Đông Phương), ghế thủ tướng phải thuộc về người Hồi giáo Sunni, chức chủ tịch quốc hội phải thuộc về người Hồi giáo Shia, kèm theo điều kiện là phe Thiên Chúa giáo đừng có quá “thân Pháp”, trái lại phải tỏ ra “Ả Rập” và phe Hồi giáo phải cam đoan tôn trọng nền độc lập của Libăng, từ bỏ xu hướng câu kết với Syria (nguồn: Wikipedia).
Cái “tam đầu chế” này khiến mọi việc cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đương kim Tổng thống Emile Lehoud theo TCG Maronite song lại rất thân Syria; Thủ tướng Siniora theo Hồi giáo Sunni song lại thân Mỹ và phương Tây; Chủ tịch quốc hội Nahib Berri lại rất thân Syria và hậu thuẫn Hezbollah. Thành phần quốc hội cũng phải chia theo tỉ lệ số dân của mỗi tôn giáo, giáo phái.
Trong bối cảnh đó, quân đội Libăng chỉ còn biết đứng ngoài nam Libăng.
Đã quá trễ để “nhổ cỏ”
Khi Hezbollah tấn công qua biên giới Israel hôm 12-7-2006, Israel đã vịn ngay cớ này để đổ lỗi cho Chính phủ Libăng và tấn công vào nam Libăng. Thật ra, đây không phải là lần đầu phe Hezbollah tấn công vào Israel. Song lần này, Israel cùng lúc muốn “nhổ” cả phái Hamas lẫn phái Hezbollah. Kinh nghiệm phái Hamas hợp pháp giành chính quyền Palestine đã khiến yêu cầu “nhổ” Hezbollah thêm bức bách, khi mà phái này cũng đang hợp pháp với hai ghế trong Chính phủ Libăng.
Lúc này “vấn đề Hezbollah” lại đã đến lúc khó xử không kém. Hôm 2-8 vừa qua, Chủ tịch (luân phiên) EU là Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja đã tuyên bố EU sẽ không đưa Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuyên bố này được đưa ra sau khi EU nhận được một văn thư của Quốc hội Hoa Kỳ, mang chữ ký của 213 dân biểu, nghị sĩ, yêu cầu EU tham gia “hài tội” Hezbollah như là một “tổ chức khủng bố” (nguồn UPI).
Từ khước của EU giống như một gáo nước lạnh vào bất cứ giải pháp nào từ phía Hoa Kỳ. Song đó lại là cơ hội cho một giải pháp của người Libăng cho Libăng của Thủ tướng Libăng Siniora, bởi “Dự thảo nghị quyết của quốc tế chẳng đếm xỉa gì đến các yêu cầu và quyền lợi của Libăng”.
Một giải pháp của người Libăng cho Libăng
Đây là thời điểm để ông Siniora đưa ra đề án bảy điểm của mình, trong đó đáng kể nhất là: 1/ Trao đổi tù nhân và người bị giam giữ Israel và Libăng qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế - 2/ Israel rút quân ra khỏi giới tuyến xanh (tức ranh giới do LHQ vạch) - 3/ Trao khu vực nông trại Shebaa và đồi Kfarshouba hiện do Israel chiếm giữ cho LHQ. I
srael cũng trao bản đồ các bãi mìn ở nam Libăng cho LHQ - 4/ Chính phủ Libăng mở rộng quyền hành của mình trên toàn lãnh thổ qua chính quân đội của mình. Để được thế, sẽ không có vũ khí nào hoặc một thẩm quyền nào ngoài của Nhà nước Libăng tại đây (nguồn: The Daily Star, Beirut). Có thể hiểu điều 4 hàm ngụ việc giải giới các phe “dân quân”, trong đó có cả phe Hezbollah.
Đề án này không mới. Nó đã được đưa ra tại hội nghị Rome về hòa bình cho Libăng hôm 27-7. 14 nước tham gia hội nghị này đã không nhất trí được với nhau về một lực lượng quốc tế, về vấn đề giải giới Hezbollah, về vấn đề triển khai quân đội Libăng như thế nào, chỉ ở biên giới với Israel hay với cả Syria...
Tuy nhiên, đề án bảy điểm này sau đó đã được Hội đồng Hồi giáo thông qua tại hội nghị ở Kuala Lumpur. Đáng nói là đề án này đã được hội nghị hiệp thương hai phe Thiên Chúa giáo và Hồi giáo nhất trí. Chính nhờ đó, Thủ tướng Siniora đã có thể tuyên bố: “Tôi nhân danh toàn thể đất nước Libăng, kể cả phe kháng chiến (tức Hezbollah), mà thương thuyết” (nguồn: L'Orient - Le Jour, Beirut).
Về kế hoạch bảy điểm của Thủ tướng Siniora, Bộ trưởng Năng lượng Mohammad Fneich của phe Hezbollah đã thận trọng tuyên bố: “Thỏa hiệp này mới chỉ trong đại thể chứ chưa bàn vào chi tiết”, và đưa ra điều kiện: “Hezbollah sẽ chỉ thôi pháo kích nếu Israel ngưng xâm lược”.
Phía Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Amir Peretz chưa sẵn sàng tin điều này: “Tôi đã ra lệnh rằng nếu trong vài ngày tới mà các vận động ngoại giao không bứt phá được, quân đội Israel sẽ tiến hành mọi chiến dịch quân sự cần thiết để làm chủ mọi địa điểm phóng tên lửa bất cứ ở đâu”. Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp Israel Haim Ramon: “Israel sẽ không rút đi trước khi lực lượng quốc tế đến, bằng không vừa quay lưng, Hezbollah sẽ quay trở lại”.
Đôi chút hi vọng
Tuy nhiên, phát biểu đầu tiên của thủ tướng Israel sáng thứ ba cho thấy có thể hi vọng đôi chút: “Đây là một sáng kiến hay mà chúng tôi sẽ xem xét...
Tất nhiên phải kèm theo việc triển khai một lực lượng quốc tế hùng mạnh và việc giải giới phe Hezbollah” (nguồn: Reuters). Cũng có thể hi vọng đôi chút về phía Hezbollah khi biết rằng phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Trung Đông đã gặp gỡ tại Beirut cả Thủ tướng Siniora lẫn Chủ tịch quốc hội Nahib Berry, người được xem là thân Hezbollah và tự nhận là đang thương thuyết thay cho phe này (L'Orient - Le Jour).
Cựu tổng thống Libăng Amine Gemayel, trong một phỏng vấn dành cho nhật báo Pháp Le Figaro, đã đưa ra chút nhận xét lạc quan: “Phe Hezbollah nay hiểu ra rằng sẽ rất dễ bị hủy diệt nếu cứ chỉ đóng khung ở nam Libăng, cứ đối đầu với Israel mà không có hậu thuẫn của cả nước và sự bảo lãnh của chính phủ hợp pháp đối với quốc tế. Thật ra, từ lâu rồi Hezbollah cũng muốn có chỗ trong các định chế nhà nước, thế cho nên mới tham gia bầu cử quốc hội và địa phương rồi gia nhập chính phủ”.
Một cơ hội lịch sử cho Libăng sau bao chiến tranh? Thế nhưng, bàn cờ Libăng không chỉ do người Libăng tỉ thí. Liệu các thế lực nước ngoài có chịu để yên cho người Libăng hòa giải với nhau để có thể sống chung hòa bình với người khác?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận