27/11/2006 10:11 GMT+7

Giải pháp cải cách tư pháp của Chánh án TANDTC

Nhóm PV TTO
Nhóm PV TTO

TTO - Sau giờ giải lao, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện. Có 7 chất vấn của ĐB về các vụ án cụ thể, 5 chất vấn hỏi về vấn đề chung trong công tác xét xử của tòa án. Dự kiến vụ án Đồ Sơn sẽ trở thành một trong những điểm “nóng” dành cho “ông chánh án”, chưa kể việc xét xử một số vụ án cụ thể khác cũng có thể được đề cập.

lUJHfKf6.jpgPhóng to
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện
TTO - Sau giờ giải lao, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện. Có 7 chất vấn của ĐB về các vụ án cụ thể, 5 chất vấn hỏi về vấn đề chung trong công tác xét xử của tòa án. Dự kiến vụ án Đồ Sơn sẽ trở thành một trong những điểm “nóng” dành cho “ông chánh án”, chưa kể việc xét xử một số vụ án cụ thể khác cũng có thể được đề cập.

Mở đầu, Chánh án Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo chung: Đối với những vụ án cụ thể, thì theo tinh thần của QH, vụ án xét xử xong, chúng tôi trả lời cụ thể cho đại biểu, với những vụ án trong giai đoạn điều tra, xét xử thì chúng tôi sẽ lưu ý, xem xét.

Với các chất vấn về vấn đề chung tập trung vào chất lượng công tác tư pháp, xét xử đúng sai… xin được tóm tắt: năm 2006 thụ lý 232 nghìn vụ án các loại, tăng 22 nghìn vụ so với năm 2005, với số lựơng vụ án như vậy, toàn ngành tư pháp đã có cố gắng nhất định, xử lý được hơn 190 nghìn vụ án.

Có những vụ án có kết luận khác nhau giữa cơ quan điều tra và cơ quan xét xử, có những vụ án quá thời hạn xét xử… là nội dung chất vấn của đại biểu. Với những vấn đề đã báo cáo, chúng tôi sẽ không nói thêm, chúng tôi sẽ nói về những vấn đề không có trong báo cáo.

Khâu xét xử là khâu cuối cùng và chất lượng xét xử phụ thuộc hoạt động điều tra, truy tố và các hoạt động bổ trợ khác, để hoạt động này tốt thì phải có 5 điều kiện: Người tiến hành tố tụng tốt; Hệ thống pháp luật tốt; Người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo) tốt; Hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp tốt; Và thực hiện tốt các nguyên tắc hiến định là độc lập xét xử và tuân theo pháp luật...

Người tiến hành tố tụng của ta hiện nay, ở ngành công an, thiếu trên 1.000 điều tra viên, và cũng rất nhiều người chỉ có trình độ trung cấp, tương tự như vậy với đội ngũ kiểm sát viên, ngành tòa án, trong 4, 5 năm qua cũng thiếu 1.116 thẩm phán, hiện tại tạm đủ số lượng thẩm phán, nhưng vì số lương vụ án tăng nên lại thiếu khoảng hơn 900 thẩm pán.

Hệ thống pháp luật của ta hiện nay thế nào thì các đại biểu cũng hiểu.

Có trên 50% bị can bị cáo không thực hiện đúng trách nhiệm như khai báo thành khẩn, không cung cấp tài liệu, trên 70% luôn cho rằng quan điểm của mình là đúng còn những người khác là sai hết, khoảng 30-40% nhân chứng khai báo trước sau không thống nhất. Cả nước có chưa đến 3.000 luật sư, kể cả tập sự trong khi phải cần ít nhất 10 ngàn luật sư mà nếu tinh thần cải cách tư pháp thì phải cần đến 20 ngàn luật sư...

Hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như cơ quan giám định... cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn bạc.

Chúng ta phải thực hiện tốt nguyên tắc hiến định về độc lập tư pháp, không có cá nhân, tổ chức nào được làm thay cơ quan tư pháp, vấn đề này phải được cần bàn nhiều. Ngành tòa án sẽ cố gắng thực hiện tốt việc tháo gỡ 5 vấn đề này.

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình): Trong báo cáo của Chánh án, năm 2006 giải quyết 193.974 vụ án, trong đó, sửa án 1%, hủy án 4% như vậy án hủy sửa khoảng 9.700 vụ, tôi muốn biết có bao nhiêu vụ do nguyên nhân từ thẩm phán, các sai sót này bị xử lý thế nào?

Đối với các bản án có sai lầm nghiêm trọng không được phát hiện kịp thời mà hết thời hạn giám đốc thẩm xử lý thì giải quyết thế nào?

Chánh án Nguyễn Văn Hiện: Trong số sai sửa thì nguyên nhân chủ quan và khách quan chiếm bao nhiêu % đã nói rõ trong báo cáo, chủ yếu là do chủ quan. Và những thẩm phán này phải lập báo cáo, tùy theo nguyên nhân, mức độ sai chúng tôi sẽ xử lý, và tính vào tiêu chuẩn thi đua và xét xem có bổ nhiệm lại hay không. Đó là cố gắng của chúng tôi, nhưng sức người có giới hạn.

Thời hạn kháng nghị có quy định rõ trong luật, cứ theo quy định pháp luật mà làm, Tòa án nhân dân tối cao không có quyền thay đổi pháp luật.

- ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Không thống nhất biện pháp vơ vét những người không đủ tiêu chuẩn làm thẩm phán, thì sẽ dẫn đến những hiện tượng oan sai. Còn với kỳ vọng có những bị can, bị cáo tốt, tôi cho là điều không tưởng. Dư luận còn cho rằng mức án của các bản án thường được ấn định trước, việc này có không? Có những vụ án đã hết thời gian giám đốc thẩm, nhưng người dân vẫn kêu oan và không được giải quyết, trách nhiệm của Chánh án đến đâu?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Đáng lẽ tôi phải nói rằng "động viên các anh em trong ngành, dù chuyên môn có hơi yếu, đầu tư thêm, rồi sẽ bổ nhiệm", chứ không phải vơ vét, chúng tôi xin đính chính lại cách dùng từ đó. Đối với những vùng miền xa, điều kiện thiếu thì chúng ta phải chấp nhận như vậy nhưng không phải là bổ nhiệm bừa bãi.

Còn ở góc độ, các đương sự, các bị cáo, bị can thì tôi xin nói lại là "dưới góc độ người công dân tốt" là phải thành khẩn, hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác điều tra dù mình có vi phạm pháp luật, chứ không phải nói bị cáo phải tốt. Vì là người tốt, thì chắc không phạm tội rồi.

Về việc ấn định án, duyệt án, xin khẳng định chưa bao giờ chúng tôi có công văn, chỉ thị các lãnh đạo địa phương phải duyệt án!

Với những bản án hết thời gian giám đốc thẩm, nhưng người dân vẫn kêu oan, đây là một câu hỏi khó thật! Đối với những vụ án dân sự, chúng ta cũng muốn là không hạn chế thời gian giám đốc thẩm, nhưng trước đây đa số đại biểu quốc hội đã giơ tay biểu quyết (tôi nhớ không lầm là trên 80%) là cái gì cũng cần hạn chế thời gian! Trình tự xét xử nào cũng qua sơ thẩm và phúc thẩm, khi thành án rồi bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng phải tuân thủ pháp luật và chúng ta cũng phải thế!

- ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng số lượng án phải sửa không phải trên 9 ngàn mà còn nhiều hơn, nhưng vì nhiều người hết tiền không thể theo kiện tiếp. Có những bản án oan sai do thẩm phán "đạp trên pháp luật mà đi" (tôi xin nói thẳng là như vậy, và tôi có đầy đủ chứng cứ). Vậy trường hợp nào do năng lực, do chạy án? Không thể chờ hội đủ 5 yếu tố như Chánh án nêu ra để cải cách tư pháp.

Đề nghị Chánh án cho biết ranh giới nào để phân biệt các án oan sai do năng lực thẩm phán kém hay do chạy án. Vụ án ngôi nhà ở 83 Đội Cấn từ bao nhiêu năm nay giải quyết thế nào? Do năng lực kém hay do chạy án?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Chúng ta phấn đấu để nâng cao công tác điều tra xét xử, với sức mình thế nào thì phải làm cho tốt công việc. Với mức lương 350.000đ /tháng thì chúng tôi vẫn phải làm cho tốt công việc được giao, không phải là phải chờ đủ các yếu tố kia.

Với tồn tại của án sửa, hủy, nguyên nhân chủ quan thiếu sót thuộc về các cán bộ tòa án. Nếu đại biểu có biện pháp gì tốt hơn thì đề nghị đại biểu góp ý để chúng tôi tiếp thu.

Vấn đề oan sai do năng lực hay do chạy án thì xử lý thế nào? Chúng tôi phải thực hiện theo đúng pháp luật.

Vụ án nhà 83 Đội Cấn chúng tôi giải quyết theo quy định pháp luật, nếu không đồng ý thì đại biểu cứ tiếp tục khiếu kiện. Nhưng tôi thắc mắc là ĐB Xinh ở tận Vũng Tàu mà lại có hồ sơ và nhiều tài liệu về về vụ án này.

- ĐB Nguyễn Văn Nhượng: Chánh án trả lời chưa thuyết phục, đề nghị Chánh án nói rõ bao nhiêu vụ do nguyên nhân chủ quan, xử lý thế nào, số lượng người bị xử lý? Nếu hơn 9 ngàn vụ án sai, sửa mà chỉ có 10 người bị xử lý thì có ít không? Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan xét xử cao nhất đến đâu?

Trong qui trình xét xử, việc xét giám đốc thẩm được giao cho Chánh án, nhiều oan sai không phát hiện kịp thời, dư luận bảo vụ nào chờ được giám đốc thẩm coi như “trúng số độc đắc”. Trách nhiệm tòa án như thế nào, rút ra vấn đề gì? Đề xuất sửa đổi pháp luật thế nào để không bỏ lọt tội phạm cũng như không để oan sai

- ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh: Chánh án có vẻ né tránh vấn đề chạy án, bảo vệ công lý là tòa án, tôi hỏi Chánh án ranh giới của oan sai do năng lực tòa hay do chạy án? Chánh án lại hỏi lại tôi có phương pháp nào giải quyết, nhưng tôi không phải là Chánh án.

Vụ Đội Cấn là do tôi đưa ra để minh họa, để chứng minh cho việc đổ thừa.

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Cái tốt trên đời không ai không tiếp thu, về cơ bản các ý kiến chúng tôi đã trả lời, còn các ý kiến thêm thì có gì hay chúng tôi sẽ nghiên cứu.

- ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Tôi không thống nhất và không đồng tình với những giải trình vừa rồi. Tôi thấy vừa qua có nhiều tiêu cực trong tuyển dụng ở tòa án, có hàng loạt người trình độ trung cấp, sơ cấp lại được tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn... Hậu quả nếu cứ để như vậy thì oan sai! Tôi muốn hỏi về trách nhiệm của chánh án đến đâu mà chưa nghe được câu trả lời rõ ràng?

Bên cạnh đó, ngay trong ngành tư pháp thường có sự thống nhất trước khi đưa ra xét xử, ngoài những thay đổi lớn tại phiên tòa, nếu không thì cứ giải quyết như thế. Do vậy, không ít thẩm phán ngại những tranh tụng tại phiên tòa! Trách nhiệm của Chánh án?

Có những vụ đã đến HĐXX Tòa án Tối cao, Quốc hội giải quyết rồi mà tòa cấp dưới vẫn không xử. Nên tôi muốn hỏi là với trách nhiệm người trong cuộc, Chánh án cần phải có sự tham mưu như thế nào, chứ không phải nói là "pháp luật quy định đến đâu, tôi làm như thế"!

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Xoay quanh những phát biểu của đồng chí, chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu trả lời sau.

- ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long): Trong án sửa thì trên dưới 66%, khoảng 12.000 vụ, thì tôi nghĩ cần phân loại ra, án sửa và hủy do năng lực thẩm phán thì bao nhiêu? Án sửa và hủy do quyền lực vô hình làm thay đổi cán cân là bao nhiêu?

Theo báo cáo của tòa án còn 12.000 vụ còn hạn đình, là người cầm luật, mà phạm luật, thì với trách nhiệm của Chánh án thì Chánh án thấy phải giải quyết thế nào?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: án sửa và hủy do năng lực thẩm phán, tiêu cực là bao nhiêu thì báo cáo chính thức không có. Lý do thì nhiều. Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý tiêu cực khi thấy dấu hiệu sai phạm. Án sửa và hủy do tiêu cực là điều không ai muốn. Năng lực của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chúng tôi đã trình Quốc hội, nhưng xuất phát từ tình hình thực tế tại địa phương thì năng lực của những cán bộ này không phải lúc nào cũng đã ở mức tốt nhất.

Đến thời điểm này thì 1.300 vụ án còn đình, chủ yếu là các tỉnh phía Nam (riêng TP.HCM có 800 vụ). Số lượng án, nhất là các án dân sự tăng lên rất nhiều. Chúng ta đều mong mỏi tình trạng trên giảm đi và chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện quyết tâm này. TP.HCM là một trung tâm về kinh tế, nhưng việc khiếu kiện cũng là một trong những địa phương đứng đầu. Để giải quyết, chúng tôi đã tăng cường các thẩm phán ở khu vực phía Bắc mà ít vụ án hơn bổ sung giải quyết cho TP.HCM. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này triệt để hơn.

- ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long): Tôi muốn nhấn mạnh lại là Chánh án có phân loại ra ba loại án oan sai để từ đó đưa ra phương pháp giải quyết triệt để? Cũng như hướng tới, tòa án chúng ta đừng phạm luật trong việc giải quyết án tồn?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Chúng tôi đã trình bày nguyên nhân, giải pháp bằng văn bản, nếu Quốc hội đồng ý thì chúng tôi sẽ trình bày lại sau, chứ trình bày ở đây sẽ làm mất thời gian.

Chủ tịch Quốc hội đồng ý cho Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện trình bày trực tiếp với ĐB sau.

- ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang): phân cấp kinh phí cho các tòa án quận huyện, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt như cây viết, quyển tập cũng phải thông qua Tòa án NDTC. Trong khi đó, tôi nghĩ, chúng ta phải cần học tập như Bộ công an hay Việm kiểm sát NDTC. Tôi muốn hỏi với trách nhiệm của mình, Chánh án có thấy cần phải làm gì để tòa án địa phương có quyền tự quyết trong các kinh phí hoạt động?

Gần hết một nhiệm kỳ 5 năm, cử tri chúng tôi thấy chánh án TANDTC chưa một lần xuất hiện, trong khi đó, các bộ trưởng, các trưởng ngành T.Ư khác đã đi đến địa phương ít nhất một lần? Mong mỏi được chánh án tai nghe mắt thấy một lần tại địa phương tôi có phải là quá khó?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Tôi nghĩ đồng chí Việt Nhân nhầm lẫn là trong nhiều năm nay, TANDTC không "ôm" kinh phí của các tòa án địa phương, mà ngay từ đầu năm, đã thuộc về chỉ tiêu của Bộ Tài chính, và quyền tự quyết vẫn luôn thuộc về các tòa án địa phương.

Trong kinh phí chi tiêu cuối năm, có những nguồn kinh phí phát sinh chi cho thiên tai..., chúng tôi xin một ít kinh phí của CP và phân về địa phương, chúng tôi không quản lý.

Còn về việc chưa thể đến Kiên Giang, đúng là trong nhiệm kỳ này tôi chưa đến. Tôi cũng đã đến các tỉnh phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Nhưng Phó Chánh án của chúng tôi đã đến Kiên Giang và thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đến.

- ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân: Qua trả lời của Chánh án, tôi không đồng ý. Vì tôi có văn bản rõ ràng, chứ không phải là nguồn tin nghe ai đó.

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Xin đồng chí kiểm tra lại vì không lẽ gì tất cả tòa án các tỉnh khác đều nhận kinh phí trực tiếp từ CP, không lẽ gì Kiên Giang lại khác!

- ĐB Nguyễn Lân Dũng (Dak Nông): Nhiều đơn thư bức xúc của công dân, sau khi chọn lọc một số đơn gửi cho Chánh án, nhưng các trả lời của Chánh án đều chưa cụ thể.

Nếu ĐB QH có thể chọn một, hai đơn thư hết sức bức xúc gửi đến Chánh án và đề nghị Chánh án trực tiếp gặp mặt đương sự thì có được chấp nhận không?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Theo quy định hiến pháp, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, không có quy định khiếu nại các bản án có hiệu lực pháp luật. Luật khiếu nại tố cáo cũng chỉ nói khiếu nại các bản án hành chính. Luật quy định chỉ có hai cấp xét xử nên cứ theo luật mà làm.

ĐB cũng hiểu cho là đương sự nào cũng chỉ trình bày những vấn đề có lợi cho mình, nên chúng tôi phải làm việc theo hồ sơ. Ai cũng có nhu cầu gặp mặt trực tiếp, tôi phải chọn lọc chứ không thể để toàn bộ thời gian để tiếp dân được. Nếu ĐB có giới thiệu thì chúng tôi sẵn sàng gặp.

- ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): Ngành tòa án đã chuẩn bị để hội nhập thế nào? Khi VN gia nhập WTO, những vụ án có yếu tố nước ngoài, những lĩnh vực ưu tiên để hội nhập không bị thiệt thòi?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Nếu không nhầm thì đây là lần thứ 2 ĐB phát biểu về vấn đề này, không riêng gì tòa án, các cơ quan của ngành tư pháp đã chuẩn bị cho vấn đề này từ mấy năm nay. Nhà nước cũng rót kinh phí để hội nhập, chủ yếu tập trung vào hội thảo, chuẩn bị các nội dung về giải quyết các tranh chấp quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ…

- ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): Chánh án đếm ai, tôi đặt câu hỏi này lần thứ 3, tôi hỏi mức độ sẵn sàng cho hội nhập với Chánh án từ lâu nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng, vấn đề tôi đặt ra ở đây không phải là kinh phí mà là con người. Chánh án nói kinh phí cho việc ngành tòa án chuẩn bị hội nhập được Nhà nước cấp 6 tỉ, nhưng nếu chánh án làm tốt thì QH sẵn sàng đề xuất cho Chánh án được kinh phí đến 60 tỉ. Chánh án đề nghị đại biểu tham gia góp ý kiến nhưng không cho ĐB biết mặt mũi của tài liệu, văn bản thì sao đại biểu góp ý?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Ý kiến của ĐB Trân bổ ích, tuy nhiên việc xin kinh phí không phải là đơn giản, chúng tôi không chỉ xin 6 tỉ, mà xin hơn nhiều nhưng chỉ được Chính phủ duyệt thế thôi. Đúng như ĐB nói, song song với việc chuẩn bị về nội dung chúng tôi còn phải chuẩn bị về con người.

- ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM): Lần đầu tôi được nghe phải có 5 yếu tố mới có một nền tư pháp tốt, nhất là yếu tố phải có bị cáo, bị can tốt! Khi nói đến yếu tố đội ngũ, Chánh án bị "nặng" về số lượng, nên mới dùng đến khái niệm "vơ vét"; vì chúng ta có thể chấp nhận số lượng thiếu và sẽ điều động thêm.

Giám đốc thẩm không phải là một loại hình xét xử nhưng là một giai đoạn xét xử hết sức quan trọng, nên không phải ngẫu nhiên khi pháp luật quy định chức năng thứ hai của TANDTC là xét xử giám đốc thẩm. Qua giải trình của Chánh án, tôi nghĩ Chánh án chưa thấy rõ vai trò của giám đốc thẩm! Trước thực trạng dư luận báo chí nói được xét giám đốc thẩm như "mò kim đáy bể", tôi muốn hỏi rằng chánh án có xem xét giải quyết không? TANDTC đã phân loại thế nào, để từ đó có giải pháp cụ thể thế nào?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Lúc nãy tôi cũng đã giải trình rồi về chữ "vơ vét", nhưng vẫn xin tiếp thu thêm.

Còn về giám đốc thẩm, TANDTC trong tiến trình cải cách tư pháp sẽ không xét phúc thẩm nữa mà chỉ giải quyết giám đốc thẩm.

- ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM): Báo chí đã phản ánh nhiều về vấn đề giám đốc thẩm ở TANDTC và địa phương. Tôi muốn hỏi giải pháp Chánh án muốn đề ra trước dư luận để giải quyết tốt vấn đề này?

Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: Đúng là báo chí có nói như vậy. Một năm có 232.000 vụ án, tương đương có 200.000 bản án được thi hành. Có sai sót mới có giám đốc thẩm, tình trạng "mò kim đáy bể" thì cũng bình thường thôi.

Trước khi QH nghỉ trưa, ĐB Nguyễn Văn Khá (Nam Định) đề nghị thêm: phần trả lời chất vấn của Chánh án khiến đại biểu chúng tôi thấy khá bức xúc, và chắc nhân dân đang theo dõi truyền hình cũng vậy.

Theo luật hoạt động giám sát thì việc trả lời chất vấn là một hoạt động giám sát, và Quốc hội có quyền ra nghị quyết về chất vấn. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề chất vấn Chánh án tòa án tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: tôi cũng nhận thấy phần trả lời của Chánh án chưa làm hài lòng các đại biểu. Đề nghị Chánh án lưu ý thêm.

Phần chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện đến đây kết thúc. Quốc hội tạm nghỉ. 14g chiều nay (17-11), phiên chất vấn sẽ tiếp tục với phần đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhóm PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên