21/11/2014 09:52 GMT+7

​Giấc mơ “không gian văn hóa phức hợp”

Q.N. - H.O. - L.ĐIỀN ghi
Q.N. - H.O. - L.ĐIỀN ghi

TT - Nhiều ý kiến của những người trong ngành văn hóa ủng hộ phương án xây dựng lại những rạp hát cũ thành những khu thương mại và giải trí phức hợp hiện đại.

* TS NGUYỄN THỊ HẬU (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Mạnh dạn cho tư nhân đầu tư

Ông Trần Thanh Hòa - giám đốc điều hành Công ty tư vấn và xây dựng TLT (Q.4, TP.HCM) - thổ lộ: “Mỗi lần đi ngang các nhà văn hóa, đặc biệt là những nơi có diện tích rộng, vị trí tiện lợi ở TP như Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Thiếu nhi TP... là tôi thấy tiếc.

Có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, tôi cứ ước gì những nơi này được xây dựng mới thành một khu phức hợp có không gian thể thao, không gian học tập, phát triển năng khiếu, không gian giải trí và cả mua sắm, ẩm thực.

Sẽ rất kinh tế, phục vụ được nhu cầu ngày một lớn và chính đáng của người dân nếu chúng ta quy hoạch tốt và biết cách kêu gọi đầu tư, quản lý hiệu quả”.

Từ khoảng 10 năm nay, hiện tượng các rạp chiếu phim nhà nước ngày càng vắng khách, phải hoạt động cầm chừng hay sử dụng mặt bằng cho các hoạt động khác... thật ra cũng là hiện tượng chung của các thiết chế văn hóa khác như rạp cải lương, thư viện, một số nhà văn hóa...

Hiện tượng này cho thấy hình thức và nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa này ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Hơn nữa, các cơ sở vật chất của rạp chiếu phim là các công trình bất động sản có giá trị cao vì thường có vị trí ở khu vực đông dân cư, mặt tiền những con đường lớn... nhưng không được sử dụng hết công năng, chức năng, là lãng phí một nguồn vốn lớn của xã hội.

Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (với 400 mẫu nghiên cứu tập trung ở các quận nội thành lâu đời của TP.HCM, công bố vào năm 2012) về các thiết chế văn hóa của TP.HCM có nội dung đánh giá mức độ thu hút của rạp chiếu phim thì kết quả như sau: rất thu hút chiếm 9%, thu hút chiếm 32,25%, bình thường chiếm 41%.

Như vậy nhìn chung dân cư TP.HCM vẫn còn có nhu cầu đến rạp xem phim - một thói quen đã được hình thành từ hơn trăm năm và là một trong những sinh hoạt đặc trưng của cư dân đô thị.

Để khắc phục tình trạng này cần thay đổi quan niệm và cách quản lý công sản của các thiết chế văn hóa: mạnh dạn xã hội hóa cho tư nhân đầu tư khai thác các cơ sở vật chất này để xây dựng lại hệ thống rạp chiếu phim vốn có ở các quận nội thành.

Việc cho thuê hay bán lại những “bất động sản” này sẽ mang lại nguồn vốn để TP xây dựng rạp chiếu phim ở những quận mới, huyện ngoại thành, nơi mà tư nhân không mặn mà với việc đầu tư công trình văn hóa. Đây là cách làm mang lại kết quả nhanh và nếu có sự quản lý đồng bộ, hiệu quả sẽ rất lâu dài. 

Mô hình hoạt động gắn kết giữa nhà đầu tư - nhà làm phim và nhà phát hành như của Megastar và Galaxy là những kinh nghiệm tốt để có thể khôi phục và nhân rộng hệ thống rạp chiếu phim ở TP.

* Ông LÊ HOÀNG (nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn):

Ủng hộ xu thế “đa năng” trong một tòa nhà

Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn là một trong những đơn vị được giao quản lý một số rạp hát cũ “đã quá hạn sử dụng” với tổng số 11 rạp gồm: Tân Định, Đống Đa, Vinh Quang, Thăng Long, Toàn Thắng, Cao Đồng Hưng, Quốc Thanh, Đại Đồng, Minh Châu, Văn Hoa, Kim Đô.

Trong thời gian tôi đảm đương chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, chủ trương của chúng tôi lúc đó là đập bỏ những rạp nào đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể cải tạo và xây mới để phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa của người dân TP.

Với một số địa chỉ có quỹ đất rộng, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng thành những khu giải trí phức hợp, trong đó có trung tâm thương mại, có khu vực ăn uống, nhà sách, khu trò chơi trẻ em, rạp chiếu phim, thậm chí rạp hát...

Như vậy sẽ rất tiện cho tất cả mọi người, phục vụ được nhu cầu mua sắm, giải trí cho cả gia đình với đủ mọi độ tuổi khi đến đây. Còn với những khu đất có diện tích nhỏ, chúng tôi sẽ xem xét để chuyển đổi công năng sao cho hợp lý hoặc xây một hệ thống rạp chiếu mới, hiện đại cùng một vài tiện ích kèm theo.

“Phức hợp hóa” các không gian giải trí một địa chỉ là mô hình không chỉ thích hợp tại các TP lớn mà cả ở các tỉnh thành khác cũng như ở những địa chỉ văn hóa khác. Để tiết kiệm quỹ đất cũng như tăng hiệu quả kinh doanh, nhiều cán bộ quy hoạch, nhà đầu tư cũng ủng hộ xu thế “đa năng” trong một khu đất - tòa nhà.

Theo đó, có ba rạp Thăng Long (đường Cao Thắng, Q.3), Toàn Thắng (đường Châu Văn Liêm) và Vinh Quang (đường Pasteur) đã được đập và xây thành những khu thương mại, giải trí phức hợp có rạp chiếu phim, dự kiến khánh thành vào năm 2015.

Q.N. - H.O. - L.ĐIỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên