Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ kiêm cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh trả lời báo chí tại diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần 3 - Ảnh: D.KIM THOA |
Sáng 2-6, tại khách sạn Majestic, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần 3 (IIBF) do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ cùng Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức, câu chuyện về việc định giá, khai thác thương hiệu được lựa chọn là vấn đề nóng mở đầu cho buổi trao đổi.
Trong bài phát biểu của mình, “Bảo vệ và kinh doanh tài sản trí tuệ trong thời đại mới”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ kiêm cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh khẳng định xu hướng kinh doanh thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên thực tế ông Thanh thừa nhận việc bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có thương hiệu, ở Việt Nam mới đang chỉ dừng lại bằng những công cụ hành chính. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần những hành lang pháp lý, các chế tài mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để giải quyết triệt để, đích đáng những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng ngày càng tăng tại Việt Nam.
Thương hiệu trong câu chuyện thời sự của truyền thông hôm nay dường như không còn là vấn đề bàn cãi nữa. Tuy nhiên trong chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - 15 năm trước, chính một quan chức khác của Bộ Khoa học và công nghệ từng nói với bà Việt Nam làm gì có thương hiệu, chỉ có nhãn hiệu thôi.
Nhắc lại kỷ niệm đó, bà Hạnh cho rằng việc Thứ trưởng Trần Việt Thanh dùng chính xác cụm từ “tài sản trí tuệ” để nói về thương hiệu ngày hôm nay rõ ràng là một sự lột xác về tư duy của các cấp lãnh đạo khi nhìn nhận về vấn đề thương hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.
Có mặt tại diễn đàn, chuyên gia Lại Tiến Mạnh - giám đốc Công ty Mibrand Việt Nam, đại diện chính thức của Hãng Brand Finance, hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh) - khẳng định chúng ta đang sống trong một nền kinh tế ý tưởng, nền kinh tế tài sản vô hình, theo đó, thương hiệu chính là tài sản trí tuệ quan trọng nhất.
Thương hiệu cũng là tài sản vô hình mang lại nhiều giá trị nhất cho cổ đông và doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, tổng cộng giá trị 10 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam theo đánh giá của Mibrand năm 2015 cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá trị một thương hiệu của doanh nghiệp Singapore.
Thực tế đó cho thấy hành trình nâng tầm giá trị cho thương hiệu Việt vẫn còn là một hành trình khá xa xôi, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa cả về phía doanh nghiệp lẫn những cải cách thể chế của Nhà nước.
Ông Mạnh cho rằng cộng đồng doanh nghiệp thật sự đang rất cần một hành lang pháp lý chính thức công nhận giá trị thương hiệu là một phần trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hôm nay.
Mỗi năm Brand Finance định giá khoảng 70.000 thương hiệu trên toàn thế giới và năm ngoái, lần đầu tiên Mibrand tiến hành định giá các thương hiệu tại Việt Nam. Theo đó, top 10 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam theo báo cáo của Mibrand lần lượt là Vinamilk, Viettel Telecom, Vinhomes, Mobifone, Petrovietnam Gas, FPT Corp, VietinBank, Vinaphone, BIDV và Vietcombank. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận